Trại phong Quả Cảm (nay là Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh) thuộc xã Hòa Long (Yên Phong, Bắc Ninh) hiện có hơn 50 bệnh nhân đang điều trị bệnh phong, phần lớn là các cụ già trên 70 tuổi. Căn bệnh quái ác đã cướp đi sự lành lặn trên cơ thể nhiều người, có những bệnh nhân bị phong ăn cụt, cắt bỏ cả hai chân, cụt đầu ngón tay, mù hai mắt, chân tay tràn ngập những vết sẹo…

Trại phong Quả Cảm vào một ngày đầu tháng 5, khi những cơn mưa đầu mùa xối xả trút xuống, hình ảnh các cụ già bệnh nhân phong lầm lũi xuất hiện sau cánh cửa với thân thể gầy gò, tàn tạ, ẩn dưới những lớp quần áo là vết thâm tím, tróc vảy khiến ai cũng thấy xót xa.

Trại phong Quả Cảm nằm biệt lập, nép mình sau những dãy nhà khang trang, hiện đại của Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh. Nơi đây được xem như là “mái ấm” đặc biệt của những mảnh đời khốn khổ tận cùng của xã hội.

Cả trại phong có tất cả 4 dãy nhà dành cho bệnh nhân ở và dưỡng bệnh. Thấp nhất là dãy nhà của y, bác sĩ. Tiếp đến là dãy nhà của Tổ 1, Tổ 2, Tổ 3,... cao nhất ở lưng chừng núi là Tổ trọng điểm - nơi dành cho các cụ già hiện không còn khả năng tự phục vụ mà phải nhờ sự giúp đỡ hàng ngày của các hộ lý.

Hầu hết các bệnh nhân còn sót lại ở trại phong Quả Cảm đều là những bệnh nhân đã ngoài 70 tuổi, nhiều người đã gần 100 tuổi. Ai cũng vào đây từ khi còn trẻ, đến giờ đã gắn bó với mái nhà Quả Cảm cả cuộc đời, họ đều chẳng tha thiết quay trở về quê hương bởi đã quá quen với cuộc sống nơi đây.

Dừng chân ở dãy nhà tổ trọng điểm (Khoa Phong), nơi đây chỉ còn lại 4 cụ già đang sinh sống, bên trong mỗi căn phòng chừng 10m2 là cuộc sống cô đơn, tủi cực của những bệnh nhân đặc biệt này, ngày qua ngày làm bạn với bốn bức tường, bị phong (hủi) ăn mòn, gặm nhấm cả về thể xác lẫn tinh thần.

Đang nằm thẫn thờ trong góc phòng tối tăm, thấy chúng tôi tiến lại cụ bà Nguyễn Thị Tý (88 tuổi) mừng rỡ khó khăn ngồi dậy, phủi qua mép giường, giơ đôi bàn tay cụt cả 5 ngón ý chỉ ngồi xuống cạnh cụ.

Gần 70 năm qua, cụ Tý sống chung với phong (hủi) như một người bạn và coi nơi đây chính là mái nhà duy nhất của mình. Căn bệnh phong quái ác ăn sâu vào một hốc mắt, bàn tay quắp lại, bàn chân phải bị cụt, phải cắt bỏ đi. Không con, không cháu cũng chẳng người thân đến thăm, bạn bè với cụ có chăng là những người trong trại cùng cảnh ngộ.

Tuổi cao không làm ảnh hưởng đến trí nhớ, cụ chậm rãi tâm sự: “Hồi còn trẻ thấy trên cơ thể có những vết ngứa, về sau các vết thương cứ lở loét, nhiễm trùng, các ngón tay co quắp lại, rụng dần. Mọi người dần xa lánh từ đó, chẳng ai muốn lại gần tôi cả.

Hôm nay thấy anh chị tôi vui lắm. Tôi bị bệnh phong từ khi còn trẻ, ngoài 20 tuổi đã phát bệnh rồi, đến nay cũng gần 70 năm sống trong này, giờ chẳng biết đi về đâu nữa, quê quán mất hết rồi”.

Sát vách với cụ Tý là cụ bà Doãn Thị Côi (94 tuổi) ở Hà Nội bị phong ăn cụt cả hai chân, phải di chuyển bằng chân giả. Cùng là hàng xóm với nhau nhưng có lẽ cụ Côi may mắn hơn khi luôn có sự đồng hành của con gái bởi bà thường xuyên lên chăm sóc mẹ để mẹ cảm thấy không bị cô đơn.

Cụ Côi tâm sự: “Quê tôi người ta ác cảm với những người bị bệnh phong. Tôi bị bệnh phong từ năm 30 tuổi, vì quá đau và không có thuốc chữa nên phải cắt cả hai chân. Đến bây giờ chỉ cần trở trời là lại đau, đi không khéo là sẽ bị ngã. Một tuần con gái tôi lại lên thăm tôi một lần, mỗi lần lên lại ở vài ngày, còn lại sinh hoạt hàng ngày của tôi đều phải phụ thuộc vào hộ lý”. 

Ở cái tuổi gần đất xa trời này, cụ Côi may mắn hơn nhiều người bạn “đồng môn” khi có sự quan tâm đồng hành của con cháu trong gia đình, vậy nhưng cụ không muốn rời khỏi mái nhà chung này mà chỉ muốn tiếp tục được ở lại nơi đây cho đến khi sang thế giới bên kia vì chẳng muốn trở thành gánh nặng cho con.

“Tôi bệnh tật thế này, chẳng tự chăm sóc được bản thân, về chỉ làm khổ thêm con, cháu. Cả cuộc đời ở đây nên tôi cũng quen rồi. Thỉnh thoảng con , cháu vào thăm, chăm sóc tôi thế là mừng rồi”, cụ Côi nói

Trại Phong Quả Cảm hiện chỉ còn lại hơn 50 bệnh nhân phong được điều trị, trong đó có 7 bệnh nhân ở tổ trọng điểm không thể tự phục vụ bản thân. Cả trại có 2 hộ lý phục vụ cho 2 tổ trọng điểm này, còn lại các bệnh nhân khác vẫn tự chăm sóc bản thân mình được. Các bệnh nhân đến từ các tỉnh thành, vùng miền khác nhau, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh nhưng họ đều có chung một nỗi đau khi mang trong mình mầm mống của căn bệnh phong (hủi) quái ác. Có những bệnh nhân bị phong ăn cụt hai chân, cụt hai tay, mù hai mắt.

Hộ lý Nguyễn Thị Ngọc (Trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh, nay là Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh) là một trong những người phụ nữ đặc biệt nhất mà tôi từng gặp. Cả cuộc đời chị gắn liền với căn bệnh này bởi bố chị cũng là một bệnh nhân phong, là người trực tiếp chăm sóc  nên hơn ai hết chị rất cảm thông cho nỗi đau của các cụ nơi đây.

Dẫn chúng tôi đến dãy nhà tập thể của các bệnh nhân, vừa đi chị vừa tâm sự: “Các cụ ở đây thương lắm! Bố mẹ chị cũng là bệnh nhân, đều là con em bệnh nhân trong trại phong, cùng hoàn cảnh với nhau nên chị chăm sóc các cụ như người nhà, lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Đôi khi cũng nản chí nhưng nghĩ đến các cụ thì tinh thần vực dậy ngay, trước tiên là để phục vụ các cụ, sau là làm vì cái tâm của mình nhiều hơn”.

Gắn bó với trại phong Quả Cảm đến nay cũng đã gần 30 năm, với chị Ngọc nơi   đây là nhà, là gia đình. Hàng ngày mọi việc to, việc nhỏ ở đây các cụ đều nhớ đến chị. Đều đặn mỗi ngày chị dậy từ sáng sớm chăm sóc vệ sinh cá nhân cho các cụ, từ quần áo giặt giũ cho đến từng bữa ăn hàng ngày cũng đều do một tay chị làm cả.

Chứng kiến bệnh nhân đau đớn vật vã vì trầy xước, bong tróc da ở mắt cá chân, mắt cá tay hàng ngày,... hay thậm chí đau lòng hơn khi chị phải mua từng miếng gạc bông y tế về để thấm những vết thương lở loét vì bệnh tật trên cơ thể của người cha thân yêu. Vì vậy, ngày qua ngày chị càng quyết tâm được góp sức lực nhỏ bé để phục vụ họ. Mỗi ngày khi trái nắng trở trời, chân tay các cụ bệnh nhân lại phát bệnh, chị luôn là người trực tiếp lau rửa vệ sinh cho họ,...

Đến với trại phong từ khi vẫn còn là một cô gái trẻ, dồn hết tâm sức cho cha mẹ, người bệnh nơi đây nên dường như tuổi xuân cũng cứ thế trôi qua với chị Ngọc. Chị chọn cách không lập gia đình vì sợ mình không thể trọn vẹn được vai trò làm vợ, làm mẹ mà vẫn tiếp tục công việc phục vụ cho những bệnh nhân phong 24/24 giờ: “Cuộc đời đã quá bất công với họ rồi, không nhà, không người thân, bị xã hội xa lánh, bị dằn vặt bởi bệnh tật…chẳng ai bầu bạn, chăm sóc ở cái tuổi gần đất xa trời này. Mình lại bỏ rơi họ nốt thì sẽ làm sao đây?

Nhiều lúc cũng cảm thấy cô đơn chứ, nhưng nghĩ lại các cụ còn cô đơn hơn mình. Mình may mắn vẫn có thể đi đây, đi đó, còn có anh chị em bạn bè đồng nghiệp ở bên sẻ chia. Nhưng các cụ cô đơn thì chẳng có ai thông cảm hết cả” - chị Ngọc xót xa.

Vài năm gần đây, một vài cụ già yếu được con cháu đón về đoàn tụ với gia đình, nhưng nhiều cụ không còn gia đình hoặc lựa chọn ở lại trại phong này đến cuối đời, chết rồi cũng sẽ được chôn cất ngay tại bệnh viện.

Nói về những câu chuyện tình yêu, về sự cởi mở của cuộc sống với bệnh nhân trong thời kỳ hiện đại, hộ lý Nguyễn Thị Ngọc cho biết: “Xã hội bây giờ cũng có cái nhìn thoáng hơn về bệnh phong, tuy vẫn còn một số ít người kỳ thị nhất định về căn bệnh này nhưng đã khác xưa rất nhiều. Giống như tại trại phong Quả Cảm này, cách đây từ 10 năm về trước chẳng ai dám vào, hoặc khi vào cũng phải đeo khẩu trang, chẳng dám ngồi xuống nói chuyện trực tiếp, uống nước cùng. Nhưng giờ thì thường xuyên có những đoàn thiện nguyện, thậm chí là các bạn trẻ, sinh viên đến thăm động viên, chia sẻ, hoặc thậm chí còn ở lại qua đêm cùng các cụ”.

Hiện tại theo anh Nguyễn Văn Liêm - Trưởng ban quản lý bệnh nhân phong phong thông tin, hiện các bệnh nhân phong được Nhà nước hỗ trợ theo tiêu chuẩn người tàn tật. Tùy thuộc vào mức độ tàn tật, mọi người được hỗ trợ số tiền nhiều nhất đến 2.500.000 đồng.

Rời trại phong Quả Cảm, một mình đi qua những nếp nhà vàng cũ kỹ, vắng lặng. Nhớ lại sự ân cần của hộ lý Ngọc với những bệnh nhân đặc biệt của mình, được nghe về những câu chuyện cảm động chỉ có ở trại phong Quả Cảm, thấy được ánh mắt không còn e ngại trước người lạ của những bệnh nhân nơi đây khiến chúng tôi cảm thấy lòng mình nhẹ hơn.


Thứ Tư, 06:00, 22/05/2024