Dáng vóc Hà Nội

Dáng vóc của Hà Nội nửa thế kỷ trước hẳn nhiên chẳng thể cứ giữ mãi nguyên thể, như một cô gái thời Kẻ Chợ giản dị, mộc mạc, có phần quê mùa.

Yêu Hà Nội, rất riêng

Nếu có ai hỏi vì sao ta yêu một con phố nơi ta lớn lên, một thành phố nơi ta gắn bó trọn đời. Cũng khó nói, khó giải thích như khi hỏi, vì sao yêu thương một người. Yêu mái tóc, yêu đôi mắt hay yêu làn môi? Yêu vóc dáng, yêu nụ cười hay yêu giọng nói? Không thể trả lời. Khi yêu không thể nói thành lời, yêu cả những vẻ lam lũ, xộc xệch, đôi khi kém duyên, kém tươi. Tình yêu dành cho Hà Nội cũng như thế. Yêu thương quá nên dễ bị tổn thương!

Hồ Gươm luôn là một điểm nhấn và chốn thiêng của Thủ đô

Nhớ hồi kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội, ai đó đã tỉ mẩn sưu tập những ca khúc viết về Hà Nội, chưa đến con số một nghìn nhưng cũng là hàng trăm. Tuổi thọ Hà Nội thuộc loại “đại thọ” so với những kinh thành Paris, London, Moscow hay Bắc Kinh. Có kinh đô nào mà nhiều bài hát như Hà Nội”? Chắc chắn là không. Thủ đô nào cũng được gọi là trái tim mình. Nhưng yêu như yêu Hà Nội thì nhiều thủ đô cũng phải ghen tị, thèm muốn.

Yêu cả những góc phố, cửa ô, sau một trận mưa tầm tã đã biến thành một kênh mương ngập úng nước như vùng chiêm trũng. Thương những người mẹ, người chị, người em gái, lặn lội bì bõm, gồng gánh rau cháo. Thương những tấm thân gày gò lưng đẩy xe rác, xe than mồ hôi rịn manh áo mỗi sớm, mỗi đêm. Chạnh lòng nhìn những dãy nhà phố cổ, hàng nghìn con người chen chúc vào ra, suốt đời không thấy ánh nắng, gió trời. Từ trên khách sạn cao ngất ngưởng, giữa lòng Hà Nội, cúi nhìn xuống vẫn thấy rõ những hình ảnh như thế.

Bấy lâu cứ thiển cận nghĩ rằng, làn sóng đô thị hoá ào ạt sẽ tràn qua, cuốn phăng và xoá dần cái quá khứ của Kẻ Chợ, của 36 phố phường. Thành phố đang dâng lên trước mắt như những cơn sóng xây cất, cơi nới, mở mang. Sẵn sàng cuốn phăng đi những mảng xanh đồng ruộng, những mặt nước sóng gợn buồn.

Chẳng thể hình dung những cao ốc, văn phòng, những “toà tháp đôi” đua nhau chiếm lĩnh không gian, mang hình dáng ý tưởng kiến trúc hay ho gì. Chỉ thấy, chẳng khác gì những ngón tay “dùi đục” chọc lên trời cao xanh thách thức, nhấp nhổm những ngôi nhà xa xa cũng đang cố sức vươn lên cao với những ô cửa kính như những con mắt vô hồn, ngơ ngác và dừng dưng ngó sang chung quanh, ngó xuống đám nhà chen chúc, chật chội và nghẹt thở.

Người ta dường như chỉ chăm chút làm đẹp cái “mặt tiền” mà chẳng mấy để tâm đến mái nhà – mái đầu. Đã có không ít khu đô thị mới bắt buộc các biệt thự phải đội mái dốc, mái ngói, để hạn chế nhà nhà “đội nón” tôn đỏ và “đội” bể inox. Đã hết thời “Em ơi, Hà Nội… chóp”. Đến thời chung cư, nhà phố, biệt thự, mái bằng, mái giả ngói và mái kiểu Pháp cổ.

Giờ đây khi xem phim ảnh Hàn Quốc, ẩm thực xứ Hàn tràn vào, thế là các biệt thự tranh nhau đội lên đầu mái cong kiểu Hàn. Cái sự nhại, lai căng, giả cổ có khác gì đám thanh niên choai choai đua nhau để các kiểu đầu, kiểu tóc.

Hà Nội phải biết giữ dáng vóc

Một hướng dẫn viên du lịch Hà Nội chuyên đón du khách người Pháp kể, lần ấy có hai vợ chồng già từ Paris sang. Họ đi thăm Sài Gòn, lên Đà Lạt rồi bay ra Hà Nội. Có lẽ ông bà ấy hiểu Việt Nam hơn cả người Việt mình. Hiểu Hà Nội sâu sắc hơn cả người Hà Nội.

Ông già nhanh nhẹn, minh mẫn lắm. Đi đến khu phố cũ, ông chỉ từng biệt thự đâu là lối kiến trúc miền Nam nước Pháp. Nơi nào mang đường nét biệt thự vùng Noóc-măng-đi. Ông giảng giải, thời thuộc địa, người Pháp mang sang đây đường nét, phong cách kiến trúc đặc trưng của quê mình. Đó cũng là một cách để vợt bớt nỗi nhớ cố hương.

Một góc Hà Nội đang vươn lên hiện đại

Nhìn thấy một ngôi nhà, một mái hiên hay cái ban công cũng phần nào thoả lòng. Ông ngắm nghía, chụp lại các căn biệt thự ưa thích nhất và bảo, không biết còn có lần trở lại đây. Không biết mai sau còn giữ lại được không? Mấy trăm ngôi biệt thự ở Đà Lạt, ở Hà Nội là một cuốn album sống, một tài sản vô giá để đời cho con cháu.

Dường như trong thâm tâm, người lữ khách Paris cũng linh cảm không có dịp quay trở lại nơi này, nên ông nói hết những suy nghĩ gom góp trong suốt chuyến đi: “Có lẽ khi trở về Pháp, tôi sẽ trưng bày bộ sưu tập biệt thự ở Đà Lạt, Hà Nội. Nhưng thật là tiếc, tôi không chụp được những công trình kiến trúc mới nào mang kiểu dáng của riêng Việt Nam. Cao ốc đang mọc lên quá nhanh ở các thành phố lớn, song tôi phải nói thật rằng, không gian đô thị thiếu vắng những công trình kiến trúc đẹp, tạo bản sắc văn hoá cho bộ mặt riêng của một thành phố”.

Câu nói cuối cùng của du khách người Pháp như một lời nhắc nhở. “Đừng để đô thị mất đi một vùng ký ức, một nếp sống, nếp văn hoá trong tâm thức người dân”. Đã từng đặt chân tới thủ đô của nhiều nước, mà không hiểu vì sao ông dành một tình cảm ưu ái, đặc biệt cho riêng Hà Nội? Biết đâu, thế kỷ trước, ông đã sống những ngày thơ ấu cùng gia đình ở một ngôi biệt thực nào đó? Hay là, trong người Pháp trầm lặng ấy có dòng máu Việt?

Làm một nghề du lịch không được phép thóc mách chuyện riêng tư của du khách. Trái lại, vị lữ khách lại cởi mở, chia sẻ. Dừng chân giữa phố cổ Hà Nội, ông chợt hỏi, phố cổ là đây ư? Sao không như Hội An? Đi suốt chỉ đếm được một vài ngôi nhà có vẻ cổ. Nghe bảo có mấy dự án với Pháp hay Nhật cải tạo phố cổ mà.

Một thoáng im lặng giữa ồn ào ngược xuôi người và xe, ông quay sang người bạn đường, giọng hào hứng: Hà Nội không thể giống Singapore, một đô thị hội chợ. Chẳng như Seoul, một thành phố tẻ nhạt dù hoành tráng. Cũng chớ nên phô trương như Phố Đông - Thượng Hải, hối hả như Thâm Quyền, uy nghi như Bắc Kinh, nhộn nhạo như Đài Bắc hay tạp nham như Manila và vất vả như Delhi… Có thể chấp nhận một nét thâm trầm của Tokyo, một chút duyên thầm của Bangkok hay Jakarta…

Nên chăng, Hà Nội cần giữ lấy dáng vóc cổ kính trầm mặc, vẻ duyên dáng thầm kín ẩn giấu bên trong cái đẹp nội tâm. Cái đẹp ấy không hào nhoáng, phấn son, mà càng khám phá càng thấy hấp dẫn, càng thêm yêu. Bởi dù có đổ ra bao nhiêu tiền của, công sức, Hà Nội cũng không nên đua chen, mở rộng ra, vươn lên cao để sánh vai các đô thị hiện đại mà vô hồn, vô cảm.

Kiến trúc một toà nhà, kiến trúc một khu đô thị hay cả một thành phố, được ví như khoác một bộ trang phục. Đâu phải cứ thấy người ta mặc đẹp thì mình cũng a dua mặc theo. Khổ nỗi, kiến trúc lại không thể trút bỏ như thay áo xống. Cách đây hơn nửa thế kỷ, ngay tại Thủ đô Paris, người ta bỏ ra khoảng 100 tỷ USD xây dựng Trung tâm Hành chính La Défense chỉ rộng 1,6 km2, với 20.000 dân và 200.000 nhân viên làm việc tại đây. Sang thế kỷ 21 rồi, mà nay vẫn chưa thể gọi là hoàn thiện hẳn.

Gần đây nhất, cách đây không xa, ngay bên Malaysia người ta cũng đổ ra khoảng 60 tỷ USD xây dựng Thủ đô hành chính Putra Jaya trên một mảnh đất chỉ có 46km2. Kiến trúc thì khỏi chê! Nguy nga, tráng lệ. Mỗi toà nhà, mỗi công trình một vẻ, mười phân vẹn mười. Mà ở đó vẫn sao buồn thế, hắt hiu.

Hơn mười lăm năm, dân số vẫn chỉ vỏn vẹn sáu mươi vạn người, tức là còn nhỏ hơn một quận, huyện của Hà Nội mở rộng. Lác đác xe, cộ, thưa thớt bóng người. Một thành phố đẹp đến mấy, lộng lẫy đến mấy, mà thiếu hơi người, thiếu hơi thở cuộc sống, có khác gì một đô thị bỏ hoang? Đừng quên rằng, ông khách người Pháp trầm ngâm, nhiều thủ đô đã xây dựng đô thị vệ tinh, kéo giãn dân ở ngoại thành ra ngoại ô. Như đô thị Paris đã thành công giữ yên dân số trên dưới 3 triệu hay London cũng vậy.

Hà Nội không giống thế. Đại đa số dân đi lại bằng xe máy, không thể ngay lập tức buộc họ ngày nào cũng phải chạy bốn năm chục cây với bao chi phí và rủi ro. Đành rằng, sớm muộn cũng phải kéo dân, kéo các công sở, trường học, bệnh viện ra ngoài trung tâm.

Nhưng phải làm sao cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, chất lượng hơn nơi ở cũ. Ở Paris trong nhiều chục năm nay, người ta cứ đổ tiền xây thêm mãi đường cho ô tô. Cuối cùng mới vỡ lẽ ra là chỉ có một không có hai, giải thoát cho giao thông tốt hơn, môi trường dễ thở hơn. Ấy là làm hẹp đường cho ô tô lại, mở đường cho tàu điện ngầm, tàu trên cao, xe buýt. Trước sau gì thì các siêu đô thị trên thế giới cũng sẽ phải chuyển thành “đô thị đi bộ + chuyên chở công cộng” mới là “đô thị xanh”, đô thị sinh thái.

Một người nước ngoài xa lạ, sao lại yêu, say mê Hà Nội đến thế? Có phải vì đó là một người từ hiện tại, từ một kinh thành có nhiều nét kiến trúc mà Hà Nội như một dáng hình thu nhỏ, trở về thăm lại cái quá khứ đang mất dần trong tiếc nuối?

Dáng vóc của một Hà Nội nửa thế kỷ trước hẳn nhiên chẳng thể cứ giữ mãi nguyên thể, như một cô gái thời Kẻ Chợ giản dị, mộc mạc, có phần quê mùa. Nay phổng phao, “vỡ da vỡ thịt”, xinh đẹp hơn đài các hơn, đến sững sờ, ngơ ngác. Nhưng, đổi thay bằng trang điểm hay trang sức theo mốt thời thượng, thì người ta vẫn phải nhận ra dáng vóc. Chỉ có dáng vóc mới là vẻ đẹp bền lâu, đằm thắm, mặn mà, bất chấp cả sự hao mòn của thời gian./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên