Tây Bắc đường xuân

Mùa xuân lên Tây Bắc để được đắm mình trong nét văn hóa nhiều dân tộc Thái, Dao, Tày Nùng,… như một bức tranh xuân đẹp, hạnh phúc và tươi sáng.

Bỏ lại sau lưng phố phường tấp nập những ngày giáp Tết, theo chân những đoàn công tác “Tết vui cùng người nghèo”, ngược lên Tây Bắc, qua những đèo dốc quanh co, qua cả những cái lạnh thấu xương, để bắt gặp những chùm hoa đào, hoa mận nở bung trong sương gió và để biết phía sau những dãy núi đá trập trùng kia là cả một không gian đậm chất xuân.

Say sưa những điệu xoè hoa

Nói đến Tây Bắc là nói đến không gian văn hoá của dân tộc Thái, nổi tiếng với điệu múa xoè hoa. Đi dọc theo bờ sông Mã lên Điện Biên Đông, ta sẽ gặp những bản làng người Thái đang say sưa múa hát đón xuân về dưới gốc cây gạo đầu làng. Những người con gái Thái tóc vấn cao, cổ trắng ngần, váy nhung đen óng ánh, đôi bàn tay xoay vòng mê mải sẽ khiến du khách ngẩn lòng.

Con gái Tây Bắc chơi xuân

Người Thái ở Sơn La và Lai Châu đón tết hầu như suốt mùa, gọi là mùa tết. Đầu tiên là Tết Soong Sịp (Tết cơm mới) sau khi lúa ở ngoài dồng đã chín vàng họ giết trâu, mổ lợn, lấy lúa mới đồ xôi nếp để cúng lễ. Mọi nhà đều tổ chức ăn uống vui vẻ. Sau Tết Soong Síp là Tết Kim Lao Mao (Tết uống rượu), Tết ông Táo và lớn nhất là Tết Nen Bươn - Tiền (Tết Nguyên Đán).

Tối 29 bắt đầu gói bánh chưng - Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Tối 30 là bữa cơm tất niên, có sự góp mặt của bà con, bạn bè, rồi cả đêm thức uống rượu, hương không bao giờ tắt. Sau lễ cúng giao thừa bằng thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc nén… nhà nào có chiêng hay cồng thì mang ra gõ tại nhà.

Sẽ thật thiếu sót khi không nhắc tới phong tục gọi hồn của người Thái. Vào tối 28, 29 hoặc 30 tháng Chạp, gia đình người Thái thịt hai con gà, một để cúng tổ tiên, con còn lại dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà. Để gọi hồn, thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dứt đứ thì chủ nhân dễ bị ốm.

Sáng mùng 1 Tết người Thái dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uôốn một ít, có lẽ để phòng đau bụng! Nếu như hàng ngày các bà, các mẹ, caá chị không được đến khu vực giữa gian cúng ma nhà thì sớm nay, họ được đem xôi đã đồ ra quạt ở đó. Sau đó người ta dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp cúng tổ tiên nhà vợ. Và cũng khác ngày thường, người phụ nữ trong gia dình được ưu tiên ăn trước sau khi cúng xong. Bữa cơm tết của người Thái có một món không thể thiếu, đó là cá, với các món nướng, chua, khô…

Người Kinh mùng 1 kiêng đến nhà, nhưng người Thái thì mùng 1 đã nườm nượp đến nhà nhau chúc Tết. Họ chỉ kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào mùng 1. Tối mùng 1 học làm lễ tạ. Từ chiều mùng 1, thanh niên bắt đầu đi chơi, muốn đi chơi đến bao giờ thì đi, đến làng nào ăn uống ở làng ấy, có khi đi qua mùng 10 mới về. Các trò này, gồm đánh cầu lông (cầu lông gà), ném còn; khắc loỏng…

Vào ngày đầu năm, họ không quên đem dao, rựa đi ra đường phát quang để thông thoáng cho năm mới. Vui nhất là các hội xoè Thái nổi tiếng diễn ra đến rằm tháng giêng mới thôi.

Uống rượu chén đôi với người Mông

Người Mông có hệ lịch riêng, vì vậy tết của họ vào khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12 Âm lịch. Tuy nhiên, ngày nay, đa số đồng bào Mông đã ăn Tết Nguyên đán như bao người Kinh, chỉ trừ một bộ phận nhỏ người Mông ở Mộc Châu vẫn duy trì song song với tết theo hệ lịch riêng của họ. 3 ngày tết, người Mông không được ăn rau, không tiêu tiền, phụ nữ không được cầm kim chỉ…

Ném còn ngày xuân

Tục lệ này đã có từ rất xa xưa, được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác của người Mông ở Pà Cò, Loóng Luông, Ba Phách, Tân Lập và hiện giờ vẫn được người dân nơi đây thực hiện như một trong những phong tục thiêng liêng và thành kính. Trong ngày tết của mình, người Mông đặc biệt thích mời khách là người Kinh đến chơi… Nhà nào mời được nhiều khách sẽ gặp may mắn cả năm đó. Khi có khách, người Mông sẽ mời khách uống rượu “chén đôi”. Đây là một nghi thức truyền thống của người Mông.

Chén thứ nhất mình uống cho mình, đó là lời chúc an lành và mọi sự tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, mùa màng bội thu. Chén thứ 2 mình uống cho bạn - người ngồi bên tay phải mình, cũng với ý nghĩa như chén đầu, với tượng trưng những điều tốt đẹp mình mong chờ cúng sẽ đến với người bạn ấy. Rượu uống xong, 2 chiếc chén sẽ được xoay úp, thể hiện tấm thịnh tình và những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới đã được người uống nhận trọn vẹn và cũng đã chúc đầy đủ cho người ngồi kế bên phải.

Rượu chén đôi sẽ đi một vòng khép kín từ phải qua trái mỗi người. Sau khi uống cạn và úp chén, người vừa uống sẽ rót đầy rượu vào 2 chén đó rồi chuyển cho người tiếp theo ngồi kế bên phải. Đến lượt ai cầm chén, người ấy cũng làm tương tự như người trước đã làm: Uống cạn chén thứ nhất chúc cho mình, và uống tiếp chén thứ hai cho người bạn ngồi bên phải, với ý nghĩa không đổi. Hai chén rượu cứ thế đi một vòng quanh mâm cơm. Trong lòng ai cũng lâng lâng niềm vui, cảm kích vì sự trọng thị của gia chủ. Vòng rượu đầu tiên cũng là duy nhất mang ý nghĩa chúc tụng trong năm mới.

Dọc đường Tây Bắc mùa xuân, còn bắt gặp rất nhiều những dân tộc khác như đồng bào Dao, Lô Lô, Phù Lá, Tày, Nùng, Mường, Nhắng… với những nét văn hoá đặc trưng. Tất cả tạo nên một bức tranh mùa xuân đẹp, hạnh phúc và đầy tươi sáng dù cho đường về bản còn lắm đá tai mèo, lắm những chàng vì rượu ngô và mèn mén say mèm nhưng đọng lại trong lòng những người đã đi qua, chiêm ngưỡng là sự bình yên, thư thái của người dân tộc vùng Tây Bắc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên