Thủ đô sau 20 năm nữa

Đã qua gần 50 năm từ ngày giải phóng Thủ đô, Hà Nội có nhiều đổi thay đáng tự hào, kiêu hãnh và cả ngỡ ngàng cho bạn bè quốc tế.

Đã nhiều lần được định hướng về không gian đô thị, song có lẽ hiếm thấy lần nào được nâng tầm như trong ngày Quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7-2011.

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao

Không phải đến bây giờ chúng ta mới đánh giá được lợi thế về vị trí của Hà Nội với cả nước mà ngay từ xa xưa, thế kỷ thứ III trước Công nguyên kinh đô nước Việt đã dịch chuyển từ Bạch Hạc - Việt Trì về Cổ Loa (Đông Anh) trung tâm của vùng lúa nước, văn hoá sông Hồng. Thành Cổ Loa còn lại ngày nay đã là minh chứng cho đô thị cổ Việt Nam với nhiều giá trị di sản hiếm thấy trên thế giới. Qua nhiều biến động thăng trầm phải đến 1010 khi Lý Thái Tổ rời đô về Đại La thì từ đây Thăng Long – Hà Nội càng khẳng định rõ vị thế trung tâm trong “Thiên đô chiếu” của Vua Lý Thái Tổ, bản luận chứng khoa học, đầy đủ nhất, chính xác nhất về địa điểm xây dựng Thủ đô đã khẳng định: “Xem khắp nước Việt đó là chỗ đất danh thắng, thật là đô hội trọng yếu để bốn phương sum họp và là đo thành bậc nhất đáng đặt làm kinh sử cho muôn đời sau…”.

Hơn nghìn năm phát triển, Hà Nội luôn khẳng định vị thế của mình, Đảng và Nhà nước luôn xác định và đặt nhiều kỳ vọng về vai trò Hà Nội với cả nước. Và lần quy hoạch chung này lại xác định rõ và nâng tầm cao hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đó là “Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt, là trung tâm văn hoá, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước, là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á, Thái Bình Dương”. Muốn vậy Hà Nội phải là thành phố năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế, có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi. Trọng trách này không chỉ đặt ra với người dân Hà Nội mà còn là với cả nước.

Nếu như năm 1954 Thủ đô chỉ có 8 quận, huyện với 37 vạn dân ở nội thành và 16 vạn dân ở ngoại thành. Qua 4 lần điều chỉnh địa giới, sức hút của Thủ đô, lợi thế về văn hoá, kinh tế, việc làm đã tạo nên không ít biến động và từ sau khi mở rộng (tháng 8-2008) Hà Nội đã có tới 6,1 triệu dân (đứng thứ 2 ở Việt Nam sau thành phố Hồ Chí Minh). Gia tăng dân số đô thị là xu thế tất yếu của cả thế giới và Việt Nam nhưng quy mô đến đâu, phân bố như thế nào là cả vấn đề lớn cần tính toán, lựa chọn. Hơn 2 năm nghiên cứu quy hoạch chung Thủ đô, đây là vấn đề được trao đổi, nhiều căn cứ được đề ra và cuối cùng được xác định với dự báo đến năm 2020 dân số khoảng 7,3 – 7,9 triệu (trong đó số dân sống trong đô thị tỷ lệ đô thị hoá khoảng 58 – 60%).

Dân số đến năm 2030 khoảng 9 – 9,2 triệu (tỷ lệ đô thị hoá khoảng 65 – 68%). Với số lượng dân số này được phân bố theo mô hình chùm đô thị gồm thaàn phố trung tâm, nội đô (nội đô lịch sử, nội đô mở rộng) và 5 đô thị vệ tinh: Hoà Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn cùng với các thị trấn sinh thái như Phùng, Tây Đằng, Kim Bài, Vân Đình, Thường Tín, Quốc Oai, Chúc Sơn… Cùng với các điểm dân cư theo mô hình trên đã là việc khó cần có cơ chế, quản lý đặc thù song giảm dân số trong nội đô lịch sử (đường vành đai 2: Minh Khai, Đường Láng, đường Bưởi đến Nam sông Hồng) từ gần 1,2 triệu dân hiện nay xuống còn khoảng 80 vạn người lại là vấn đề khó. Ngay từ quy hoạch chung được duyệt năm 1998. Khi đó dân số chỉ là 96 vạn cũng đã đặt vấn đề phải giảm dân số còn 80 vạn nhưng đã chưa làm được mà còn tăng tới 1,2 triệu. Ở đây rất cần có cơ chế chính sách đặc thù và sự tham gia của cộng đồng mới thực hiện thành công để có điều kiện nâng tầm giá trị, bảo tồn, tôn tạo không gian cảnh quan đô thị, văn hoá của khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Gươm, hồ Tây, Thành cổ…

Phát triển xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn tới cũng là bước đột phá mới của Hà Nội. Hiện nay đất xây dựng cả ở thành thị và nông thôn khoảng 45.000 ha chiếm khoảng 13,7% đất tự nhiên (trong đó đất xây dựng ở các đô thị chỉ 18.000 ha) thì lần quy hoạch này đã xác định đến năm 2020 tổng diện tích đất xây dựng dô thị và nông thôn khoảng gần 123.000 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 73.000 ha (gấp hơn 4 lần hiện nay), với chỉ tiêu 160m2/người. Đến năm 2030 tổng đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 160.000 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng gần 95.000 ha (gấp gần 5,3 lần hiện nay). Những năm qua bình quân mỗi năm Hà Nội chỉ phát triển được gần 200 ha mà còn nhiều bất cập như giao thông không đồng bộ, liên hoaà, thiếu trường học, không gian xanh, dịch vụ thương mại, công trình công cộng… thì những năm tới mỗi năm phải phát triển bình quân 4.000 – 5.000 ha quả là thách thức mới với các nhà quản lý.

Hơn thế nữa để Hà Nội đặt mục tiêu như mong muốn của cả nước còn phải phát triển đồng bộ, hiện đại các khu chức năng, khu trung tâm, nhà ở, giáo dục văn hoá, thể dục thể thao, du lịch thương mại, công nghiệp, giao thông, cấp thoát nước, nghĩa trang, bảo vệ môi trường…

Hai mươi năm sau, để Hà Nội xứng tầm với cả nước, với khu vực và thế giới là một giai đoạn đột phá mới mà ở trên chỉ nêu vài vấn đề. Định hướng được Đảng, Nhà nước xác định trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô… là sự kiện, là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, quản lý, song nhiệm vụ quan trọng hơn là tổ chức thực hiện, là tạo được sự đồng thuận, quyết tâm cao.

Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, hy vọng rằng với mùa xuân mới, cả nước và nhân dân Hà Nội sẽ xây dựng được Thủ đô như nhiều thế hệ hằng mong ước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên