Ăn nhiều muối dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm

VOV.VN - Các bệnh không lây nhiễm tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, ung thư… đang chiếm 2/3 gánh nặng bệnh tật và số ca tử vong ở nước ta.

Cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì có 8 người từng bị bệnh tăng huyết áp. Một trong những nguyên nhân khiến 12 triệu người Việt Nam đang bị tăng huyết áp là do ăn nhiều muối so với mức khuyến cáo là nên ăn dưới 5 gam muối một người mỗi ngày.

Ăn mặn có mối liên hệ với các bệnh về dạ dày.

Vậy, vì sao ăn nhiều muối lại dẫn đến tăng huyết áp, tim mạch? Làm thế nào để thay đổi thói quen này? Nhân Ngày Sức khỏe thế giới, phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sỹ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về vấn đề này.

PV: Thưa ông, hiện nay, trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ 9,5 gam muối mỗi ngày, cao gấp đôi so với mức khuyến cáo. Xin ông cho biết cơ chế gây hại cho sức khỏe khi ăn nhiều muối như vậy?

TS Trương Đình Bắc: Ăn nhiều muối làm tăng nồng độ Natri trong huyết tương và khi đó sẽ tăng tính thẩm thấu của thành mạch, làm dịch từ gian bào sẽ vào trong lòng mạch, lòng động mạch sẽ bị thu hẹp lại.

Trong khi đó máu liên tục bị tim bơm đẩy ra để dẫn đến các cơ quan. Từ đó dẫn đến áp suất thành mạch tăng lên.

Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên bệnh lý tăng huyết áp, rồi dẫn đến tim mạch (với các biến chứng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim), hiện nay 2 biến chứng gây tử vong rất nhiều.

Một điều đáng tiếc là đại đa số người dân chưa ý thức được tác hại của việc ăn nhiều muối đối với sức khỏe và bệnh tật. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi được vì đó chỉ là thói quen ăn uống. Nếu chúng ta cứ giảm dần lượng muối trong thực phẩm, trong việc chế biến thức ăn hàng ngày cơ thể sẽ đáp ứng quen dần với thay đổi này.

Người dân cũng nên sử dụng các sản phẩm tự nhiên và khi lựa chọn những sản phẩm sẵn có thì nên lựa chọn những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, chứa ít muối.

PV: ớc ta đã có quy định phải công bố hàm lượng muối trên bao bì thực phẩm để người dân biết được lượng muối mà họ tiêu thụ khi sử dụng thực phẩm chế biến sẵn chưa, thưa ông?

TS Trương Đình Bắc: Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu, xây dựng quy định này, trong đó hướng đến việc quy định: phải công khai hàm lượng muối trong các sản phẩm chế biến sẵn.

Nhiều nước trên thế giới hiện nay còn có quy định liều lượng muối tối đa trong 100 gam sản phẩm để các nhà sản xuất căn cứ vào tiêu chuẩn đó để họ chế biến.

PV: Ngoài việc đưa ra những khuyến cáo, vận động người dân ăn giảm muối và xây dựng quy định công bố hàm lượng muối trong thực phẩm chế biến sẵn, Bộ Y tế còn có biện pháp can thiệp nào khác, thưa ông?

TS Trương Đình Bắc: Chúng tôi đã phối hợp với Bộ GD-ĐT để triển khai bữa ăn học đường, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý trong trường tiểu học, áp dụng một phần mềm tính khẩu phần ăn do Viện Dinh dưỡng xây dựng.

Chúng tôi thấy rằng, tác động vào thói quen ăn uống, ăn giảm muối cho thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng để các em ý thức được những tác hại của sản phẩm bất lợi.

Hiện nay, việc áp dụng phần mềm dinh dưỡng hợp lý trong trường tiểu học đã tính hàm lượng đúng mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là khẩu phần ăn cả ngày chỉ sử dụng 5 gam muối đối với người lớn và 2 gam đối với trẻ em./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người Việt đang ăn rất mặn: Ăn 1 bát phở phải nhịn muối cả ngày
Người Việt đang ăn rất mặn: Ăn 1 bát phở phải nhịn muối cả ngày

VOV.VN -  Người Việt đang ăn gấp đôi lượng muối Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi ngày, ít người biết rằng chỉ cần ăn một bát phở đã đủ nhu cầu muối.

Người Việt đang ăn rất mặn: Ăn 1 bát phở phải nhịn muối cả ngày

Người Việt đang ăn rất mặn: Ăn 1 bát phở phải nhịn muối cả ngày

VOV.VN -  Người Việt đang ăn gấp đôi lượng muối Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi ngày, ít người biết rằng chỉ cần ăn một bát phở đã đủ nhu cầu muối.