Vi khuẩn khiến cá đỏ như máu ở Hà Tĩnh nguy hại thế nào?

VOV.VN - Loại vi khuẩn Serratia marcescens nghi khiến cho cá đỏ như máu ở Hà Tĩnh từng nhiều lần xuất hiện, cần hết sức đề phòng, tránh nguy cơ gây bệnh.

Như tin đã đưa, sau khi nhận được trình báo của chị Nguyễn Thị Phương (khối phố 3, thị trấn Nghi Xuân, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) về việc nồi cá bạc má chị mua ngoài chợ về kho ăn không hết, để đến sáng hôm sau, số cá đó chuyển sang màu đỏ, ông Phan Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh đã cho đơn vị lập biên bản, niêm phong 3 con cá bị đổi màu.

Mẫu cá này cũng được gửi ra Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để xét nghiệm.

 Cá đổi màu đỏ qua một đêm ở Hà Tĩnh.

Cũng theo ông Hùng, nguyên nhân khiến cho cá đổi sang màu đỏ qua một đêm như vậy có thể là trong quá trình chế biến, thực phẩm không sử dụng hết hoặc bảo quản không đúng cách tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, trong đó có vi khuẩn Serratia marcescens.

Serratia marcescens là một loài trực khuẩn hình que Gram âm, kỵ khí tùy nghi, thuộc họ Enterobacteriaceae. Loài vi khuẩn này thường được tìm thấy trong đất, nước, thực vật và động vật. Phương thức lây truyền của vi khuẩn này bằng cách trực tiếp hoặc bằng ống thông.

Chủng vi khuẩn này có sắc tố màu đỏ đặc trưng, rất dễ chẩn đoán và phát hiện trong phòng xét nghiệm; vi khuẩn có màu đỏ khiến thực phẩm biến thành màu đỏ. Chúng có thể gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm trùng tiết niệu… ít có khả năng gây dịch.

Theo các tài liệu y học, năm 1819, Bartolomeo Bizio, một dược sĩ từ Padua, Italia, phát hiện và đặt tên Serratia mercescens khi ông xác định được vi khuẩn là nguyên nhân của một sự đổi màu máu kỳ diệu của Polenta (bột bắp).

Ban đầu nó được xem là vi khuẩn vô hại, và thường được sử dụng như một dấu ấn trong ngành sinh học vì có thể dễ dàng nhận ra màu đỏ khuẩn lạc của nó (năm 1896).

Mãi cho đến sau năm 1950, chính phủ Hoa Kỳ đã làm thử nghiệm với Serratia marcescens và thấy những ảnh hưởng bất lợi do vi khuẩn này gây ra.

Một chuyên gia y tế dự phòng cho biết, trong chín tháng đầu năm 2016, nhiệt độ trên cả nước không nóng quá mà cũng không lạnh quá, luôn dao động trong khoảng 20 - 37°C - là nhiệt độ lý tưởng rất lý tưởng cho các loại vi khuẩn phát triển, trong đó có vi khuẩn Serratia marcescen. Theo thống kê từ năm 2014 đến nay, trên cả nước xuất hiện khá nhiều hiện tượng thực phẩm để qua đêm chuyển sang màu đỏ bất thường.

Chẳng hạn, ngày 07/09/2016, chị Hậu (ở xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) mua thịt lợn của bà Mẫn tại chợ Ngã Tư Sòng đem về luộc ăn, phần thịt còn dư lại trong bữa ăn, bà Hậu cất trong tủ lạnh mai ăn tiếp. Sáng hôm sau bà Hậu phát hiện miếng thịt đã đổi màu bất thường.

Sau đó, Chi cục ATVSTP Quảng Trị gửi mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với Serratia marcescens.

Trước đó, ngày 30/03/2016, chị Bích (trú Cam an, Cam Lộ, Quảng Trị) mua thịt và xương lợn tại chợ Ngã Tư Sòng, về nấu ăn, phần thịt thừa còn lại chị đem bảo quản ở nhiệt độ phòng, một ngày sau chị Bích định mang số thịt đó ra xào rau thì thấy miếng thịt đã chuyển sang màu đỏ bất thường.

Ngày 28/3/2014, chị Nguyễn Thị An (trú tại nhà số 72 đường Đốc Thiết, Tp Vinh, Nghệ An) đi chợ mua 3 lạng thịt về ăn. Sau khi luộc chín, miếng thịt không có biểu hiện gì khác lạ. Buổi trưa hôm đó, gia đình chỉ ăn hết một phần, phần còn lại, chị An bỏ vào ngăn mát của tủ lạnh cất giữ.

Đến chiều hôm sau (29/3), chị An mang miếng thịt lợn ra thì phát hiện thịt xuất hiện những nốt màu đỏ, nước chảy ra có màu hồng nhạt. Xét nghiệm và có kết quả dương tính với Serratia marcescens.

Ngày 15/4/2014, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Nghệ An cử cán bộ thực hiện lấy mẫu đột xuất sản phẩm trứng vịt chợ Quán Lau, T.P Vinh đem đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với Serratia marcescens.

Ngày 25/03/2016, ông Trần Quang Thái (ở huyện Bình Chánh, TP HCM) phản ánh phát hiện cơm trong nồi đổi từ màu trắng sang đỏ quạch như máu sau khi để qua đêm. Gạo được ông mua gần chợ Bình Chánh. Hàng xóm thấy kỳ lạ nên lấy một ít gạo về nấu thử, để qua hôm sau cũng thấy hiện tượng chuyển sang màu đỏ tương tự...

Theo các chuyên gia, để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, ông Hùng cũng lưu ý, mọi người cần chú ý thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; thường xuyên khử trùng bề mặt các khu vực dùng để chế biến thực phẩm như tủ lạnh, bàn ăn... bằng dung dịch diệt khuẩn chuyên dụng. 

Khi ăn uống, phải thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn ngay sau khi chế biến xong, hạn chế để thực phẩm qua đêm, tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, lên men.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tìm hiểu về vi khuẩn: Là thù hay là bạn của con người?
Tìm hiểu về vi khuẩn: Là thù hay là bạn của con người?

Alexander Fleming mới khám phá thuốc penicillin chưa tới một thế kỷ. Còn các vi khuẩn hiện diện trên địa cầu trước con người và tiếp tục tiến hóa.

Tìm hiểu về vi khuẩn: Là thù hay là bạn của con người?

Tìm hiểu về vi khuẩn: Là thù hay là bạn của con người?

Alexander Fleming mới khám phá thuốc penicillin chưa tới một thế kỷ. Còn các vi khuẩn hiện diện trên địa cầu trước con người và tiếp tục tiến hóa.

Viêm niệu đạo ở nam giới phần lớn do vi khuẩn
Viêm niệu đạo ở nam giới phần lớn do vi khuẩn

Viêm niệu đạo ở nam giới (người đã trưởng thành) do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó do vi khuẩn chiếm một tỉ lệ đáng kể.

Viêm niệu đạo ở nam giới phần lớn do vi khuẩn

Viêm niệu đạo ở nam giới phần lớn do vi khuẩn

Viêm niệu đạo ở nam giới (người đã trưởng thành) do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó do vi khuẩn chiếm một tỉ lệ đáng kể.

Phát hiện “siêu vi khuẩn” kháng hầu hết các loại kháng sinh
Phát hiện “siêu vi khuẩn” kháng hầu hết các loại kháng sinh

VOV.VN - Các nhà khoa học tại Đại học Murdoch, tây Australia lần đầu tiên phát hiện được một chủng vi khuẩn thương hàn kháng hầu hết các loại kháng sinh.

Phát hiện “siêu vi khuẩn” kháng hầu hết các loại kháng sinh

Phát hiện “siêu vi khuẩn” kháng hầu hết các loại kháng sinh

VOV.VN - Các nhà khoa học tại Đại học Murdoch, tây Australia lần đầu tiên phát hiện được một chủng vi khuẩn thương hàn kháng hầu hết các loại kháng sinh.