Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các hoạt động kinh tế biển

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nêu quyết tâm trở thành quốc gia mạnh về biển.

Tối 8/6 tại thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức trọng thể lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới (8/6) với chủ đề “Bảo vệ Đại dương trách nhiệm của thế hệ trẻ”. Đây là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam diễn ra tại thành phố Nha Trang từ ngày 1/6. Dự và phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, hưởng ứng các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn môi trường biển vì sự phát triển bền vững...

Với chủ đề “Trí tuệ Việt Nam, Tuổi trẻ Việt Nam cho sự phát triển bền vững biển, đảo Tổ quốc”, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là chương trình lớn của quốc gia mang ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn nhằm khơi dậy ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Việt Nam sẽ là quốc gia mạnh về biển

Là quốc gia có bờ biển dài khoảng 3.260 km với hàng nghìn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo xa bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn, tỉ trọng các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển chiếm tới 48% GDP cả nước. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức gay gắt về bảo vệ biển, đảo, sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển và ô nhiễm môi trường biển….

Phát biểu tại lễ mít tinh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP và chiếm 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước…

Thủ tướng một lần nữa khẳng định ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc trên cơ sở vận dụng sáng tạo bài học lịch sử kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao chính nghĩa và lẽ phải, phát huy nội lực đi đôi với tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các hoạt động kinh tế biển.

Để triển khai hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và pháp luật về lĩnh vực biển, đảo, quản lý tài nguyên và môi trường biển; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; nghiên cứu, hình thành các doanh nghiệp mạnh đồng thời huy động các thành phần kinh tế trong nước và nguồn lực quốc tế để khai thác có hiệu quả các tiềm năng từ biển và hải đảo; tăng cường và thực thi có hiệu quả các biện pháp đồng bộ để bảo vệ ngư dân, các lực lượng làm kinh tế và các hoạt động hợp pháp trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc; huy động tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên biển đảo; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng như với các tổ chức quốc tế trong các vấn đề có liên quan đến biển, đảo trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích quốc gia và pháp luật quốc tế, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải quốc tế.

Các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân…

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc. Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình. Chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích trên biển”.

Thủ tướng cũng nêu rõ: Việt Nam yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, tuân thủ cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường các nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm. Các bên liên quan cùng nhau nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa một bên là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và một bên là Trung Quốc, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC)... để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, vì an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên