Chủ quyền của Việt Nam từ minh chứng lịch sử

Trong tất cả các bản đồ địa lý của Việt Nam đều ghi nhận “Bãi cát vàng” (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là lãnh thổ của Việt Nam từ đầu thế kỷ XVII

Trường Sa - quần đảo với hơn 1.000 hòn đảo lớn, nhỏ nằm phơi mình giữa biển Đông. Một quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam từ thế kỷ XVII. Mặc dù hiểu về Trường Sa hôm qua và hôm nay, không phải người nào cũng tường tận, tuy nhiên, thẳm sâu trong trái tim mỗi con dân đất Việt - Trường Sa luôn là quần đảo thiêng liêng và thân thương nhất. Ở nơi ấy, từng tấc đảo, từng con sóng đã thấm đẫm mồ hôi, công sức, xương máu của nhiều thế hệ người Việt.

Với ý nghĩa chân chính là bảo vệ bờ cõi, lãnh hải chủ quyền của Tổ quốc, Trường Sa và những người lính nơi này chưa một phút bình yên. Theo dòng chảy của thời gian, Trường Sa như một trầm tích về những gì mà nhiều người chưa biết đến.

Bia ghi nhớ đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy, nay là tỉnh Khánh Hòa

Cách đây hơn 6 thế kỷ, trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã có ngư dân sinh sống. Trong tài liệu “Thiên Nam Tứ Chí lộ Đồ thư” của Đỗ Bá viết vào đầu thế kỷ XVII đã xác nhận rằng: “Chúa Nguyễn đã lập nên đội Hoàng Sa để khai thác quần đảo”. Tuyển tập nêu rõ: “Ngoài khơi biển Đông nước Nam có một quần đảo cồn cát dài khoảng 400 lý, rộng 20 lý nhô lên từ đáy biển, gọi là bãi cát vàng. Mỗi năm vào cuối mùa đông, chúa Nguyễn đều cho một hạm đội gồm 18 thuyền viên ra đảo để thu thập những hóa vật, đem về một số lớn vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Đây là di chứng của ngư dân đi thuyền bị đắm trôi dạt vào đảo”.

Minh chứng lịch sử trên cho thấy, Việt Nam đã khám phá và biết đến đảo Trường Sa ít nhất từ thế kỷ XV và sinh sống tại đây từ nhiều thế kỷ. Đến thế kỷ XVII, chính quyền nhà Nguyễn đã biết tổ chức khai thác đảo có hệ thống. Đây là dấu ấn kiên định, mang tính chất ý nghĩa lịch sử, khẳng định chủ quyền Trường Sa là của Việt Nam.

Dấu ấn sớm nhất ghi lại sự có mặt của ngư dân Việt Nam ở quần đảo Trường Sa là từ năm thứ 3 trước Công nguyên. Khi đó, đông đảo ngư dân đã đến đây đánh cá mang về đất liền bán hoặc trao đổi lấy lương thực, thực phẩm. Thời gian sinh sống ở đảo từ 5 tháng - 3 năm/đợt. Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, không chỉ có ngư dân Việt Nam mà có cả thủy thủ đến từ một số nước lớn ở Châu Âu như Richard Sparetly, Wiliam Sparetly cũng đến quần đảo Trường Sa, nhưng đã tự rút lui sau khi có sự phản kháng từ phía nhà Nguyễn của Việt Nam. Đó là vào năm 1883.

Trường Sa Lớn nhìn từ phía biển

Tất cả các bản đồ địa lý của Việt Nam đều ghi nhận “Bãi cát vàng” (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là lãnh thổ của Việt Nam từ đầu thế kỷ XVII. Trong cuốn “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, Hoàng Sa và Trường Sa được xác định rõ thuộc về địa danh tỉnh Quảng Ngãi. Đó là nơi ngư dân Việt Nam có thể đến khai thác các sản phẩm biển và các đồ vật còn sót lại từ các vụ đắm tàu. Cũng ở thế kỷ XVII, dưới triều nhà Lê, quần đảo Trường Sa là nơi hội tụ giao thương kinh tế. Các hoạt động giao thương kinh tế ấy được tiếp nối khi nhà Nguyễn lên cầm quyền ở thế kỷ thứ XVIII.

Từ sự minh chứng chủ quyền lịch sử, ngày 7/7/1951, thay mặt nhân dân Việt nam, Chủ tịch phái đoàn Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu đã dự Hội nghị San Francisco về “Hiệp ước hòa bình” với Nhật Bản. Tại đây ông đã tuyên bố rằng, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhân dân Việt Nam có quyền bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của mình. Hội nghị ấy có 51 nước tham gia, song không một thành viên nước nào phản đối hoặc bảo lưu ý kiến. Họ thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam có tiền lệ từ lâu đời trong lịch sử.

Trải qua nhiều thập kỷ khai thác và giữ gìn, Việt Nam đã tiến hành hàng trăm cuộc khảo sát địa lý, tài nguyên, thế trận an ninh quốc phòng, kinh tế trên quần đảo. Kết quả những lần khảo sát ấy được ghi chép rõ ràng trong văn học và lịch sử Việt Nam, được xuất bản từ thế kỷ XVII./.

Kỳ sau: Công cuộc bảo vệ chủ quyền

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên