Công cuộc bảo vệ chủ quyền

Việc bảo vệ chủ quyền biển đảo với những người lính biển được coi là một sứ mệnh vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó

Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, biết bao người lính biển đã ngã xuống nơi này. Tên các anh đã thành tên đảo nhỏ, tên các anh đã khắc sâu trong tim bao thế hệ người lính biển về sự hy sinh quên mình, tinh thần kiên cường dũng cảm, “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”.

Tuần tra bảo vệ đảo

Những người lính chẳng tiếc máu xương

Quần đảo Trường Sa - chủ quyền của Việt Nam có từ lâu đời và được khẳng định trên bản đồ thể giới. Vậy mà đối phương vẫn ngang nhiên xâm phạm, bất chấp luật pháp quốc tế, với mưu đồ bành trướng độc chiếm biển Đông. Một trong những sự xâm phạm trắng trợn nhất là “Sự kiện Trường Sa” cách đây 23 năm về trước.

Đầu năm 1988, “nước ngoài” cho quân đóng chiếm một số bãi thuộc quần đảo Trường Sa như Chữ Thập, Châu Viên, Huy gơ - Một sự đóng chiếm bất hợp lý. Trước tình thế ấy, những người lính hải quân của đoàn vận tải M25 đã hạ quyết tâm canh giữ với phương châm “một tấc không đi, một ly không rời”. Trên tinh thần chính đáng: Bảo vệ cột mốc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, những người lính dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ  - tàu HQ604, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ - tàu HQ505, cùng 70 cán bộ chiến sĩ của 2 phân đội công binh T83, 22 chiến sĩ của đoàn M46, và 4 cán bộ chiến sĩ của Đoàn Đo đạc biển và vẽ bản đồ đã mưu trí sáng tạo, chiến đấu anh dũng, làm chủ vùng biển. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc được cắm trên đảo. Lá cờ kiêu hãnh ấy đã nhuộm máu của những người lính. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời” đã chiến đấu ngoan cường, bằng mọi giá phải cắm được cờ trên đảo. Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi nhắm mắt đã hô vang: “Thà hy sinh chứ nhất định không chịu mất đảo. Hãy để máu của mình tô thắm cờ truyền thống của quân chủng Hải quân”.

Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu

Sứ mệnh người lính biển thời bình

Như một sự tiếp nối truyền thống của những người đi trước, thế hệ những người lính biển thời bình hôm nay hiểu sâu sắc rằng: Bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ là sứ mệnh thiêng liêng, mà còn là tình yêu cao hơn hết thảy dành cho Tổ quốc, cho một nền độc lập và phồn thịnh của một dân tộc vốn có bề dày lịch sử chống giặc ngoại xâm; anh dũng, mưu trí, sáng tạo, kiên cường trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất, tinh tế mềm dẻo trong ngoại giao.

Trong thời bình, những người lính biển không một phút nghỉ ngơi. Nơi biên giới rừng sâu hay biển xa đảo vắng, những lúc bồng súng gác trong sương gào gió lạnh vẫn khắc khoải một tình yêu Tổ quốc đến vô bờ. Bởi họ hiểu, mỗi dải đất biên cương, mỗi tấc đảo chủ quyền đã thấm đẫm mồ hôi công sức, máu của bao đồng đội. Sứ mệnh của người lính biển thời bình hôm nay có gì đẹp và hãnh diện hơn là đem sức trẻ cống hiến cho Tổ quốc, cho chủ quyền biển đảo. Tuy sự cống hiến ấy không kém gian nguy, hy sinh thầm lặng.

Thời bình, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo với những người lính biển được coi là một sứ mệnh vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó./.

Đại tá Trương Công Thế bế cháu bé ra đời đầu tiên ở Trường Sa

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên