Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa tập trung phát triển kinh tế biển đảo

VOV.VN -  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ 16 và dự thảo Báo cáo chính trị trình ĐH lần thứ 17 tiếp tục xác định tập trung khai thác tối đa kinh tế biển đảo và ven biển.

Khánh Hòa nổi tiếng là vùng đất tuyệt đẹp có biển cả, núi non hùng vĩ, thơ mộng. Hàng chục đảo có chim yến cư trú, ban tặng sản vật quý hiếm được ví như vàng trắng trên đất Khánh Hòa. Nghề khai thác yến sào đã có hàng trăm năm nay. Với nhiều sản phẩm phong phú, Yến sào Khánh Hòa đã mang về cả ngàn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước. 

Ông Võ Văn Cam, Trưởng Ban Kỹ thuật, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa khẳng định: Thành công này đã mở ra hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi và khai thác yến sào tại địa phương.

"Công ty đã nghiên cứu làm những con đập để thiên tai tới thì bảo vệ được quần thể chim yến, bảo vệ được tổ yến không rơi xuống biển. Công ty cũng đã mở rộng lòng hang yến, vách đá để chim làm tổ. Công ty cũng đã chủ động được nguồn giống ấp nở, di đàn ra những hang yến mới để đáp ứng ngày càng phát triển", ông Võ Văn Cam cho biết.

Một góc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Minh Ngọc

Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế biển giai đoạn 2011- 2015, các cấp ủy Đảng ở tỉnh Khánh Hòa đã chọn được hướng đi phù hợp về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. Thành phố Cam Ranh xác định 4 ngành kinh tế mũi nhọn là: ngành công nghiệp đóng, sửa tàu biển, dịch vụ cảng biển, đánh bắt nuôi trồng và du lịch biển. 

Cảng biển Cam Ranh được đầu tư nâng cấp đủ sức đón tàu 5 vạn tấn. Hàng hóa qua cảng Cam Ranh tăng nhanh. Nuôi trồng đánh bắt, hải sản ngày càng ổn định. Hơn 10.000 lồng tôm hùm mang lại nguồn thu cao đưa Cam Ranh trở thành nơi nổi tiếng về nuôi trồng và chế thủy sản ở khu vực Nam Trung bộ. 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Nhiệm kỳ 2010-2015, chúng tôi xác định kinh tế biển là những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế ở địa phương phát triển. Bước đầu Cam Ranh cũng đã có định hướng phát triển du lịch biển. Các doanh nghiệp du lịch đã đầu tư một số cơ sở dự án để phát triển ngành nghề du lịch biển. Kinh tế biển vẫn là kinh tế trọng điểm và có sự đóng góp rất lớn đến sự phát triển của Cam Ranh".

Khu du lịch nổi tiếng Vinpearl Nha Trang

Vịnh Nha Trang biển nước trong xanh với 350 loài san hô và hàng ngàn loài sinh vật biển quý trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Để bảo vệ vịnh Nha Trang trong lành, Dự án thí điểm Khu bảo tồn biển Hòn Mun được triển khai đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cư dân địa phương hạn chế đánh bắt hải sản, bảo tồn đa dạng sinh học trong vịnh. 

Ông Trương Kỉnh, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang cho biết: Việc lắp đặt phao neo quanh đảo Hòn Mun giúp các tàu du lịch thả neo, tránh tình trạng thả neo lên rạn san hô; khôi phục diện tích rừng ngập mặn tại Đầm Báy.

Bảo tồn môi trường biển đảo gắn với khai thác lợi thế từ biển đảo, tỉnh Khánh Hòa chủ động đăng cai và tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện lớn về chủ đề biển đảo, khai thác có hiệu quả các khu du lịch. Ngành “công nghiệp không khói” đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. 

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: tỉnh Khánh Hòa phát triển kinh tế biển đảo không phải bằng mọi giá mà theo hướng bền vững lâu dài, gắn với bảo vệ môi trường. Những  năm qua, địa phương đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cải thiện môi trường thành phố Nha Trang; góp phần giải quyết các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước trong vịnh Nha Trang.

"Từ lợi thế tiềm năng sẵn có, Khánh Hòa tập trung phát triển kinh tế biển, du lịch biển, khai thác biển rồi hàng hóa, đánh bắt, chế biến, và tạo ra một vùng kinh tế biển, là động lực lớn nhất để hình thành cái chuỗi đô thị ven biển. Có như vậy, 3 vùng kinh tế trọng điểm của Khánh Hòa ngày càng phát triển", ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định.

Ông Nguyễn Tấn Tuân trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV

Đến nay, giá trị kinh tế biển của Khánh Hòa chiếm tỷ lệ hơn 30% so với tổng sản sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh; hệ thống cảng biển được hình thành và ngày càng hoàn thiện hơn, cảng Cam Ranh có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn đến 5 vạn tấn; xây dựng cảng Nha Trang trở cảng chuyên dùng cho du lịch. 

Năm 2014, chế biến thủy sản tỉnh Khánh Hòa cũng mang lại giá trị kim ngạch hơn 466 triệu đô la Mỹ, chiếm hơn một nửa giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Người dân vùng đất “cát trắng- nắng vàng” đang hướng đến mục tiêu đến năm 2020, Khánh Hòa trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khát vọng giàu lên từ biển đã và đang trở thành hiện thực trên vùng đất làm say đắm, quyến rũ bao người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên