Trung Quốc cố tình biện minh cho yêu sách vô lý về Biển Đông

VOV.VN - Trung Quốc đang cố tình giải thích sai quy định của pháp luật quốc tế, cố tình nhập nhằng các thuật ngữ nhằm biện minh cho yêu sách vô lý của mình.

Kể từ khi Tòa trọng tài theo phụ lục 7 của Công ước LHQ về luật biển 1982 quyết định tiếp nhận vụ Philippines kiện Trung Quốc, vấn đề pháp lý trong tranh chấp tại Biển Đông đã nổi lên thành chủ đề được dư luận quốc tế quan tâm. Không nằm ngoài mối quan tâm đó, tại Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông diễn ra trong 2 ngày 23-24/11 tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), các đại biểu đã có 2 phiên thảo luận về các khía cạnh luật pháp trong các tranh chấp tại Biển Đông, trong đó đáng chú ý là việc thảo luận quan điểm về yêu sách lịch sử mà chuyên gia của Trung Quốc đã nêu ra tại Hội thảo lần này.

Tại Hội nghị, Tiến sỹ Nong Hong, một trong những chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về Biển Đông đã có bài tham luận với chủ đề “Các khái niệm lịch sử và những quy chế khác ở Biển Đông”. Trong bài phát biểu này, bà Nong Hong cho biết, yêu sách lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông thể hiện qua đường lưỡi bò, chồng lấn với yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia yêu sách khác trên Biển Đông. Bà Nong Hong biện minh rằng, nguyên nhân của những tranh cãi hiện nay là do khái niệm quyền lịch sử trong Công ước LHQ về Luật biển 1982 không được định nghĩa rõ ràng.

Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Mathieu Duchâtel, Phó Giám đốc Chương trình Trung Quốc và Châu Á thuộc Hội đồng đối ngoại Châu Âu, sự mập mờ, không rõ ràng nằm trong chính yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc.

“Trên khía cạnh pháp lý, yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử không rõ ràng. Chúng ta không biết rằng quyền lịch sử mà Trung Quốc đề cập là gì, liệu nó có phải là quyền về kinh tế hay là quyền về một vùng lãnh thổ cụ thể nào đó hay là quyền này liên quan đến việc xác định tính pháp lý của thực thể. Vì thế tôi cho rằng, cách mà Trung Quốc sử dụng khái niệm quyền lịch sử rất mơ hồ, khó hiểu”, Tiến sỹ Mathieu Duchâtel nói.

Yêu sách về lịch sử của Trung Quốc vừa không rõ ràng vừa không đáp ứng các điều khoản của luật pháp quốc tế. Đó là chủ quyền phải được chủ sở hữu ban đầu thực hiện thông qua một quá trình mà được các quốc gia ven biển công nhận. Đây cũng chính là vấn đề mà Giáo sư Alex Oude Elfrink, Viện trưởng Viện Luật biển thuộc Đại học Utrecht của Hà Lan thắc mắc liên quan đến yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc: “Một câu hỏi đặt ra liên quan đến quyền lịch sử mà Trung Quốc yêu sách là quyền này không bị các nước khác phản đối và quan điểm về vấn đề này phải được các nước khác chấp nhận”.

Trên thực tế, cho đến nay, chưa có bất kỳ quốc gia nào, kể cả các quốc gia ven Biển Đông và các quốc gia khác trên thế giới chấp nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Khi Trung Quốc chính thức đưa ra yêu sách đường lưỡi bò dựa trên quyền lịch sử vào năm 2009, các nước ven Biển Đông đã ngay lập tức và cùng với cộng đồng thế giới yêu cầu Trung Quốc phải giải thích rõ hơn về yêu sách này. Vì thế, có thể nói rằng Trung Quốc đã không đáp ứng yêu cầu của luật pháp quốc tế để quyền lịch sử của họ tại Biển Đông được công nhận.

Đáng lưu ý là tại hội thảo lần này, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc được bà Nong Hong lý giải là những đặc quyền có tính lịch sử. Và loại quyền thuyết phục nhất là quyền đánh cá truyền thống vì Trung Quốc cho rằng các ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt trên Biển Đông từ xa xưa. Luận điểm này của Trung Quốc rõ ràng là rất yếu bởi từ xa xưa, tại Biển Đông, không chỉ có ngư dân Trung Quốc mà ngư dân nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam đều đánh bắt cá tại đây.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Nghiên cứu sinh về luật biển quốc tế tại Đại học Cambrigde (Anh) cho rằng quan điểm của bà Nong Hong chưa thuyết phục:  “Quan điểm mà Tiến sỹ Nong Hong đưa ra là chúng ta nên có sự cân bằng giữa các yêu sách dựa trên quyền lịch sử, các yêu sách dựa trên Công ước luật biển. Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, khi một quốc gia đã trở thành thành viên của Công ước thì quốc gia đó cam kết thực hiện theo các quyền và nghĩa vụ mà Công ước đặt ra. Các quyền theo ý kiến của Tiến sỹ Nong Hong là các quyền đánh cá lịch sử thì Công ước đã quy định rất rõ những quyền và nghĩa vụ quốc gia đối với việc khai thác các tài nguyên, cụ thể là cá trong quy chế về vùng đặc quyền kinh tế. Thế nên, tôi cũng không rõ ý kiến của Tiến sỹ Nong Hong là cân bằng thì phải cân bằng như thế nào khi mà quốc gia một mặt vừa đòi quyền và nghĩa vụ theo Công ước, mặt khác lại đòi quyền và nghĩa vụ đánh cá lịch sử trong khi Công ước đã quy định rất là rõ các quyền đánh cá phải thực hiện như thế nào rồi”.

Có thể thấy rằng, Trung Quốc đang cố tình giải thích sai quy định của pháp luật quốc tế, cố tình nhập nhằng các thuật ngữ nhằm biện minh cho yêu sách vô lý của mình. Cho dù cho có thu hẹp quyền lịch sử trong phạm vi quyền đánh bắt cá thì lập luận của Trung Quốc vẫn thiếu cơ sở để được luật pháp quốc tế công nhận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên