LHQ cảnh báo nguy cơ cạn kiệt nguồn lương thực

Không đảm bảo cung cấp nguồn lương thực đồng nghĩa với việc tương lai sẽ đẩy 3 tỷ người trên toàn cầu vào cảnh cùng khổ.  

Liên Hợp Quốc vừa lên tiếng cảnh báo các nguồn lương thực, nước và nhiên liệu đang cạn kiệt không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của dân số toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng.

​Uỷ ban cấp cao của LHQ về bền vững toàn cầu nhấn mạnh, thời gian không còn nhiều để có thể đảo ngược xu thế này trong bối cảnh 20 năm tới, nhu cầu của dân số thế giới tăng thêm 50% nguồn lương thực, 45% nguồn năng lượng và 30% nguồn nước so với hiện nay. Những nhu cầu này sẽ tăng theo cấp số nhân khi dân số thế giới tăng từ 7 tỷ người hiện nay lên 9 tỷ người vào năm 2040.

Đảm bảo an ninh lương thực đang là một trong những vấn đề cần được quan tâm (Ảnh minh họa)

Không đảm bảo cung cấp những nguồn lực căn bản này đồng nghĩa với việc đẩy 3 tỷ người trên toàn cầu vào cảnh cùng khổ. Mặc dù số người cùng khổ trên thế giới đã giảm từ 46% năm 1990 xuống 27% hiện nay và nền kinh tế toàn cầu đã tăng 75% kể từ năm 1992, nhưng điều kiện sống được cải thiện và tập quán tiêu dùng thay đổi đã nhanh chóng làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên toàn cầu: 5,2 triệu ha rừng bị mất hàng năm, 85% số loài thuỷ sản đã bị khai thác quá mức hoặc cạn kiệt. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng 38% từ năm 1990 đến năm 2009 làm tăng nhanh nguy cơ nước biển dâng cao và khí hậu ngày càng cực đoan hơn.

Uỷ ban cấp cao của LHQ kêu gọi các nước hành động đẩy nhanh phát triển bền vững với tinh thần khẩn cấp và ý chí chính trị cao. Mô hình phát triển toàn cầu hiện nay không bền vững và không thể đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến về các nguồn đảm bảo cuộc sống của dân số thế giới trong tương lai gần. Chuyển đổi mô hình phát triển đã trở thành nhu cầu cấp thiết và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây là cơ hội để thúc đẩy các cuộc cải tổ lớn.
Uỷ ban trên đã đề xuất 56 kiến nghị về phát triển bền vững, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu thay đổi chính sách kinh tế càng nhanh càng có hiệu quả lớn. Chính phủ các nước cần nhanh chóng thoả thuận các mục tiêu phát triển bền vững để thực hiện thành công./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên