Phó Thủ tướng: Cộng đồng ASEAN mang lại nhiều lợi ích cho người dân

VOV.VN - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Cộng đồng ASEAN có nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài.

Ngày 31/12/2015 Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được hình thành, kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người được xây dựng trên 4 trụ cột chính là: Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung; Một khu vực kinh tế cạnh tranh; Phát triển kinh tế cân bằng và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Cho đến thời điểm này, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nước hưởng lợi khi AEC có hiệu lực, nhưng cơ hội cũng đi kèm thách thức. 

Cùng với đó quá trình hội nhập đang làm phát sinh ngày càng nhiều vụ việc liên quan đến công dân Việt Nam ở nước ngoài. Tất cả những điều này sẽ được Ngành ngoại giao xử lý ra sao? Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời đầu tiên của năm nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ giải đáp những vấn đề này của người dân. 

Ảnh: Chinhphu.vn

PV: Thưa Phó Thủ tướng như vậy là Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức được thành lập 3 ngày, vậy những cơ hội chính của người Việt khi cộng đồng kinh tế này được thành lập là gì?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đây là sự kiện hết sức quan trọng của 10 nước ASEAN và cũng bắt đầu mang lại cơ hội cho khoảng 630 triệu người dân của 10 nước. Thuận lợi lớn nhất là tạo ra môi trường hòa bình ổn định cho 10 nước, trên cơ sở người dân sống trong khuôn khổ được đảm bảo hòa bình ổn định, các nước cùng chia sẻ trách nhiệm. 

Các cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, an ninh cũng đảm bảo cho người dân sống trong không gian hữu nghị có các cơ chế hợp tác để giải quyết các vấn đề nếu có xảy ra liên quan đến 10 nước. 

Có thể nói Cộng đồng ASEAN có nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, việc của chúng ta là làm sao để người dân cảm thụ được hết lợi ích mang lại, đó cũng là mục tiêu của các nhà ASEAN hướng tới, lấy người dân làm trung tâm.

PV: Cho đến thời điểm khi Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức có hiệu lực, theo đánh giá của Phó Thủ tướng, người dân và doanh nghiệp của chúng ta đã sẵn sàng như thế nào để đón nhận cơ hội và các thách thức đặt ra?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hiện nay, nhận thức của người dân và doanh nghiệp của chúng ta không phải nằm trong Top đầu trong ASEAN, điều này cũng tạo ra thách thức lớn nếu chúng ta không nắm được cơ hội của cộng đồng ASEAN mang lại, chúng ta sẽ mất đi cơ hội, và đối mặt với nhiều thách thức hơn.

PV: Theo một kết quả khảo sát mới nhất có đến 63% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng Cộng đồng kinh tế ASEAN không có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Phó Thủ tướng nghĩ sao về vấn đề này?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đây là con số đáng lo ngại, như chúng ta đã biết Cộng đồng ASEAN đã thành hiện thực, như vậy cam kết của các nước đều thực hiện, vì vậy, chúng ta sống trong Cộng đồng ASEAN mang lại lợi ích như vậy, trong khi các doanh nghiệp trong ASEAN hết sức tận dụng cơ hội vì đây là thị trường lớn, các cam kết của ASEAN đảm bảo tăng cường thương mại, đầu tư trong nội khối ASEAN nếu như các doanh nghiệp bạn tận dụng sẽ tạo ra sự cạnh tranh hết sức lớn đối với doanh nghiệp chúng ta, nếu chúng ta không tận dụng mở rộng hoạt động thương mại được thì sẽ thua trên sân nhà.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, trong năm qua chúng đã nâng cấp khuôn khổ quan hệ hợp tác chiến lược với Malaysia, đưa tổng số Đối tác chiến lược lên 15 nước, đối tác toàn diện lên 10 nước. Một số người dân băn khoăn là việc thiết lập các quan hệ đối tác này sẽ đem lại những lợi ích cụ thể gì?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Việc xây dựng các mối quan hệ này đóng góp vào việc xây dựng hòa bình ổn định để Đất nước phát triển, vấn đề thứ hai đây là những đối tác hết sức quan trọng về kinh tế 80% thương mại của Việt Nam là với 15 nước đối tác chiến lược và 10 nước đối tác toàn diện và toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng như hàng hóa nhập khẩu từ các nước này. Như vậy người dân dù là sản xuất hay tiêu thụ đều thụ hưởng từ mối quan hệ này.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, việc hội nhập cũng tạo ra nhiều cơ hội giao thương nhưng cũng làm nảy sinh ra nhiều vụ việc liên quan đến công dân Việt Nam ở nước ngoài. Vậy thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã có những bước đi nào nhằm làm tốt hơn nữa công tác bảo hộ công dân?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Trong năm 2015 để tăng cường thêm công tác bảo hộ công dân Bộ Ngoại giao đã thiết lập đường dây nóng 24/24, 7 ngày/tuần để lắng nghe thắc mắc công dân khi gặp sự cố ở bên ngoài lãnh thổ. 

Và trong năm qua đã tiếp nhận gần 6.700 cuộc gọi, các cơ quan đại diện ở nước ngoài cũng yêu cầu trực 24/24 để bảo hộ công dân khi cần thiết, và chúng tôi đã bảo hộ cho hơn 2.600 công dân trong năm qua.

PV: Có thể nói năm 2015 là năm hội nhập khi chúng ta đã ký kết xong nhiều Hiệp định hợp tác song phương, đa phương. Phó Thủ tướng có thể đánh giá công tác đối ngoại đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hội nhập như thế nào trong năm qua?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Trong năm 2015, Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đã tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng quan hệ với các đối tác các nước, thông qua hình thức kết nối thông tin doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thông qua các Diễn đàn đầu tư, thúc đẩy thương mại. 

Nhiệm vụ nữa là hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư ở nước ngoài nhất là khi gặp những vấn đề khó khăn phức tạp ở các nước, ví dụ là tập đoàn Vieetel đầu tư nhiều nước trên thế giới.

PV: Vậy trong năm 2016, Ngành ngoại giao sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hội nhập kinh tế thế giới ra sao, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Năm 2016 chúng ta tiếp tục chủ trương tăng cường thúc đẩy quan hệ chính trị tạo cơ sở tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vận động các nguồn vốn ODA về Việt Nam cũng như thúc đẩu các nước mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước của doanh nghiệp chúng ta. 

Thứ hai là hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng cơ hội với các đối tác, và tăng cường tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN để hướng doanh nghiệp, người dân đến Cộng đồng kinh tế đang phát triển và trong năm 2016 đi vào thực hiện./. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên