Blog Ngô: Chưa tròn vai

Những hiện tượng người này lại làm phần việc của người kia chỉ có thể gọi là sự bức xúc vượt quá giới hạn và tiềm ẩn nhiều bất ổn

Một nghịch lý đầy mâu thuẫn, con người luôn hướng tới sự hoàn thiện nhưng nhiều người lại đang tâm hủy hoại tiến trình rất nhân văn và được xem như quy luật ấy.  

Đoạn video ông tây lao ra đường chặn người vi phạm giao thông ở Hà Nội chắc chắn là hình ảnh có lượng truy cập cao thứ nhì trong mấy ngày qua. Cư dân mạng cũng dành cho đoạn clip này vô khối bình luận, trong đó nhiều người tự trọng lên tiếng tự vấn và cảm thấy xấu hổ.  

Hình ảnh ông tây điều khiển giao thông làm xôn xao cư dân mạng mấy ngày qua (Ảnh: DT)

Cách nay chưa lâu, cũng tại mảnh đất văn vật này, clip một thanh niên trông rất ngầu, quần đùi, cởi trần, điếu cày trên tay, khệnh khạng điều khiển giao thông khiến cộng đồng mạng được phen vỡ bụng. Cái cười xót xa ấy vụt tắt khi hôm nay, mọi người chứng kiến cảnh ông tây vung tay xua đuổi những người vi phạm giao thông trên một đất nước mà ông chỉ đóng vai trò là khách.  

Người nước ngoài sang Việt Nam sợ nhất là giao thông. Bởi thế việc làm của ông hẳn xuất phát từ những bức xúc ghê gớm. Có người bảo ông say, cứ cho là như vậy, nhưng lúc say lại là lúc thể hiện cảm xúc chân thật nhất.  Có biện hộ kiểu gì thì sự kiện nói trên cũng khó có thể đỡ nổi. 

Ông tây điều khiển giao thông đúng vào thời điểm diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Chắc ông không biết được kỳ thi này người ta còn khuyến khích cả thí sinh tố giác gian lận với chỉ dấu của ngành giáo dục bằng việc cho phép sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình trong phòng thi. 

Ông tây điều khiển giao thông, chắc cũng như bao ông bà tây khác, sợ nhất là giao thông và sợ nhì là ăn uống mất vệ sinh. Nếu ông đọc được, nghe được tiếng Việt hẳn ông biết khẩu hiệu: “Hãy là người tiêu dùng thông thái”. Ba bốn bộ ở Việt Nam còn chẳng quản nổi miếng ăn nên phải đùn đẩy cho người dân, thì việc các ông bà tây sợ ẩm thực xứ này âu cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. 

Ông tây điều khiển giao thông, dẫu “liều mình như chẳng có” lao ra cản người vi phạm giao thông nhưng sự dũng cảm chưa thấm vào đâu so với các hiệp sỹ đường phố quên tính mạng mình để bắt cướp. Họ được tôn vinh, đương nhiên, nhưng cổ vũ và hô hào thì lại nghe sặc mùi lạm dụng. 

Một anh thanh niên điều khiển giao thông bằng… điếu cày, một ông tây cách nửa vòng trái đất bỗng dưng xuất hiện làm nhiệm vụ của người cảnh sát, một thí sinh ngơ ngác được khuyến khích tố giác gian lận phòng thi, một vài cá nhân dũng cảm được hô hào cho phong trào bắt cướp, một bộ máy thừa người nhưng vẫn bắt dân phải “thông thái” để chọn cái thứ cho vào miệng… nói lên cái gì? Dùng từ nào để gọi tên hiện tượng trên?  

Cổ nhân nói: tề gia - trị quốc - bình thiên hạ, về bản chất  nhấn mạnh mỗi cá nhân phải đóng cho tròn vai, bất kể trong môi trường nào: gia đình, xã hội hay trên phạm vi quốc tế. 

Chúng ta ai cũng biết đoạn phim hài Sác-Lô làm công việc xiết bu-loong trong nhà máy. Anh làm chăm chỉ, hăng say đến độ tan ca ra đường nhìn ti của chị em cũng vẫn tưởng là ốc và đưa cờ-lê lên… vặn.  

Đoạn phim hài muốn nói tới cái nghiệt ngã trong buổi bình minh của một xã hội công nghiệp khi văn minh máy hơi nước đã qua, động cơ đốt trong bắt đầu xuất hiện. Song, cái ẩn ý sâu sa hơn ở đây là, con người trong một xã hội hiện đại cần phải nỗ lực hết sức để đóng cho tròn vai, làm cho hết trách nhiệm.  

Một xã hội hướng tới hiện đại vào 2020, với tính chuyên môn hóa ngày càng cao, mà người này làm phần việc của người kia (một cách có tổ chức) lại được tâng bốc lên là “có tinh thần trách nhiệm” thì thật kỳ khôi. Những hiện tượng như thế chỉ có thể gọi là sự bức xúc vượt quá giới hạn và tiềm ẩn nhiều bất ổn chứ chẳng hay hớm gì. Và bản chất của nó là mỗi cá nhân, từng tổ chức trong bộ máy đóng chưa tròn vai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên