Blog Ngô: Logic và cảm tính

(VOV) -Bản năng và lý trí, logic và cảm tính, nếu phải chọn một thì chọn cái nào?

Anh chị em ở VOV vừa có kết quả kiểm tra sức khỏe. Có người vừa khám đâu đó bèn lấy kết quả của 2 xét nghiệm ra so. Phần lớn họ thừa nhận và có cảm tình với kết quả thông báo họ còn khỏe, cholesterol thấp, uric thấp... Còn cơ sở nào mà chỉ số xét nghiệm chênh lệnh theo hướng chỉ ra bệnh thì họ “căm thù” rồi không ngớt dè bỉu, nói kết quả này sai, kia mới là đúng!?

Cái suy nghĩ rất bản năng như thế đáng yêu hơn đáng trách vì ai chẳng mong sự tốt đẹp. Thế nhưng trong cuộc sống, nhiều hành vi bản năng cần kiềm chế. Hồi tôi còn nhỏ, trong lớp nhỡ hắt hơi to một tiếng, thày quay xuống nhẹ nhàng: “Những cái gì thuộc về bản năng thì cần phải kiểm soát và tránh thể hiện lỗ liễu ở chỗ đông người.” Lời thầy tôi nhớ cho tới tận hôm nay.

Sau khi viết “Những cô giáo cô đơn giữa vùng cao” trên VOV.VN, bạn bè tới tấp lục vấn, “thật à”, “phét”. Lại có đứa hỏi rồi mủm mỉm cười quay đi, ra cái điều “đây biết tỏng rồi nhé, đừng tinh vi”. Khổ! Chẳng biết thanh minh thế nào, chỉ ngầm tự hào rằng mình luôn kiểm soát được bản năng và lý trí trong những hoàn cảnh tưởng như mù quáng và rồ dại nhất.

Chính vì đề cao lý trí và tính logic của vấn đề nên đôi lúc tôi cũng tự hỏi: Bản năng và lý trí, logic và cảm tính, nếu phải chọn một thì chọn cái nào? Lý trí và logic hẳn nhiên là cần. Vậy còn bản năng và cảm tính? Liệu chúng có hoàn toàn vô dụng, chỉ đáng vứt vào sọt rác cùng với nụ cười hỉ hả của những kẻ tôn thờ chủ nghĩa lý trí và logic như tôi?  

Câu trả lời manh nha trong một bộ phim giả tưởng nói về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo vừa chiếu trên vô tuyến. 

Trong phim có cảnh một chiếc xe hơi rơi xuống sông. Trong xe có một em bé 6 tuổi và một thanh niên 30 tuổi. Robot lao xuống sông để giải thoát. Tuy nhiên nó chỉ có thể cứu được một người. Robot chọn thanh niên 30 để cứu cho dù anh này ra dấu cứu em nhỏ đang ngạt trong xe. Song robot không đếm xỉa đến điều ấy. Nó thản nhiên cứu thanh niên khỏe mạnh 30 tuổi chỉ vì cơ hội sống sót của anh ta là 45% còn của cháu bé là 11%. Bộ não có trí tuệ nhân tạo với tốc độ tính toán siêu mạnh khiến nó đưa ra quyết định thuần túy lý trí, lạnh lùng, vô cảm nhưng rất logic. 

Bỗng dưng tôi rùng mình thấy sợ những suy nghĩ thiên về lý trí? Tự nhiên tôi liên tưởng tới những quan hệ sòng phẳng một cách trắng trợn; tới sự nhẫn tâm, thói vô cảm của con người trước cái xấu, cái ác trong cuộc sống hôm nay. Liệu nó có bắt nguồn từ cách nghĩ thuần túy lý trí và tuyệt đối hóa tính logic? Ngay cả lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực tôi rất quan tâm, thì hiện nay người ta chỉ hướng con mình vào các môn tự nhiên, tôn thờ tính logic của nó mà quên đi sự hư cấu, sự lãng mạn bay bổng, tính nhân văn cao cả có trong các môn xã hội, đặc biệt là văn học.

Cơ sở hoạt động của lý trí và logic dựa trên những cân nhắc thiệt hơn, còn cảm tính và bản năng dựa vào cảm xúc mà hành động. Cả hai cái ấy đều quay cuồng trong não bộ mà ra, thế mà sao khác nhau đến vậy. 

Mới đây, trên trang mạng của GS Nguyễn Văn Tuấn, ở Úc, tôi được đọc bài của GS giới thiệu cuốn Thinking, fast and slow (nghĩ nhanh nghĩ chậm) của Daniel Kahneman, một nhà tâm lí học nổi tiếng, từng đoạt Nobel kinh tế.

Daniel Kahneman đã chứng minh trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường quyết định một cách thiếu nhất quán, cảm tính và chủ quan. Trước thông tin rằng tỉ lệ mắc bệnh ung thư ở nông thôn cao hơn thành thị, chúng ta có thể nghĩ ngay rằng vì dịch vụ y tế ở nông thôn còn kém. Nhưng nếu có thông tin cho rằng ung thư nông thôn thấp hơn thành thị, có lẽ chúng ta lại nghĩ cư dân nông thôn không sống trong môi trường ô nhiễm như cư dân thành thị!?

Trong cuốn Nghĩ nhanh nghĩ chậm có một thí nghiệm độc đáo cho thấy chúng ta dễ bị con số lớn chi phối, tức là tư duy rất cảm tính. Đối tượng nghiên cứu được đưa cho 2 lựa chọn: Với phẫu thuật A, 90% sống sót; với phẫu thuật B, 10% tử vong. Phần lớn đối tượng chọn phẫu thuật A.

Tác giả muốn nhắn nhủ là khi ra chính sách cần phải vận dụng chứng cứ một cách cẩn thận chứ không nên cảm tính và bồng bột (theo hệ thống nghĩ nhanh) vì dễ dẫn đến sai lầm.

Tuy nhiên tác giả cũng nhấn mạnh chính cơ chế nghĩ nhanh này giúp cho con người tồn tại qua hàng triệu năm. Còn tôi thì cho rằng, sẽ là thảm họa nếu có thái độ độc tôn hoặc tách bạch rạch ròi lý tính hay cảm tính, bản năng hay lý trí trong hành động. Trong tư duy nên kết hợp hài hòa cả hai yếu tố này thì mới thấu tình đạt lý. Nghĩ nhanh vậy, chẳng biết đúng không?/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên