Blog Ngô: Những cô giáo cô đơn giữa vùng cao

(VOV) -Cái khổ, cái khó về vật chất có thể hình dung, nhưng sự thiếu thốn về tình cảm thì chỉ có đến mới thấu hiểu

Hồi còn làm việc ở cơ quan Thường trú Đài TNVN khu vực Tây Bắc, có điều kiện dọc ngang các bản làng heo hút, tôi mới thấy cuộc sống  giáo viên, nhất là giáo viên cắm bản khổ cực thế nào. Cái khổ, cái khó về vật chất có thể hình dung, nhưng sự thiếu thốn về tình cảm thì chỉ có đến mới thấu hiểu.

Cuối năm 1997, bám theo mấy chị ở Hội Phụ nữ huyện Phong Thổ, Điện Biên, tôi leo lên mấy bản người Dao ở xã Dào San. Xì Lờ Lầu là bản xa nhất, khó đi nhất, còn Tông Qua Lìn, Pa Vầy Sử, Vàng Ma Chải cũng chỉ đến được bằng đôi chân. Trên đường đi thi thoảng lại thấy dân bản khoác súng kíp đứng ở bìa rừng, hỏi chăn trâu à, bà con lắc đầu, nói không, canh trâu bò phía bên kia tràn sang.  

Ở Vàng Ma Chải, tôi đến một lớp học cắm bản nằm lẻ loi giữa một quả đồi cạnh bản. Lớp học lợp lá rừng, ghế là những cọc tre cắm xuống đất, bàn là hai thân tre ghép lại. Bảng đen là mấy tấm ván cong queo ghép vội. Tôi ngắm cái bảng mà không biết bằng cách nào cô giáo có thể viết được một dòng chữ thẳng hàng trên cái bảng ấy. Phía đầu hồi là “buồng” cô giáo, sang hơn phòng học ở chỗ được thưng bằng lá rừng.

Trong cái phòng đầu hồi của cô giáo có 3 vật dụng: chiếc giường được ghép lại từ tre luồng, cái va li gò bằng tôn đựng đồ dùng cá nhân, và dưới đất lỏng chỏng hai cái nồi móp méo nhọ nhem đang bị gà bới đổ tung cạnh ba hòn đá bắc làm kiềng. Nếu không có một cô giáo trẻ đang ngồi thu lu trên giường, chắc chắn mọi người nghĩ đấy là cái lán hoang.

Cô giáo trẻ lắm, tầm 20, vừa được điều từ dưới thị trấn Phong Thổ lên nửa năm nay. Em trân trân nhìn tôi mắt ậng nước miệng mấp máy nói ba tháng nay mới được nghe tiếng phổ thông. Chưa hết câu, em đã gục xuống, nấc lên dỗi hờn. Tôi ngồi xuống bên cạnh nhìn em khóc, nghe em khóc. Ngoài kia, hoàng hôn xuống từ bao giờ, từng cơn gió cuốn theo những đám mây mù xộc vào lán lạnh buốt.

Nước mắt tưởng chừng không bao giờ cạn. Chợt em vùng đứng dậy, nói đến giờ rồi. Tiếng kẻng ở đầu lán vang lên.

Tám giờ tối. Những đốm sáng ma quái khi tỏ khi mờ xuất hiện dưới chân núi, rồng rắn đi lên từ nhiều phía, hướng về lán. Những đốm lửa sáng dần,  đến gần lán thì thấp thoáng những gương mặt nhem nhuốc, tay sách, tay đèn.

Đêm đó, tôi cố tình rượu say trong bản, chẳng ngủ được, nhưng cũng không đủ can đảm để tới chiếc lán gọi là phòng học ấy cho dù chỉ 15 phút đi bộ, cho dù vẫn chưa kịp biết tên cô giáo và em cũng chẳng biết tên tôi.

Trước chuyến lên Dào San, tôi có gần nửa tháng lang thang với lộ trình Sơn La - Phiêng Cằm - Phiêng Mụ - Chiềng Nơi - Đông Vai - Chiềng Chung (huyện Mai Sơn).

Bây giờ có đường cho xe máy đến mấy bản này rồi, nhưng cách đây trên chục năm thì hơi khác. Hồi đó ông Tiến ở Mặt trận tổ quốc huyện đã phải “đào ngũ” vì quá ớn đoạn đường phía trước. Không có ông Tiến dẫn đường tôi vẫn đi. Cứ ở đâu có dân, có bản là sống được, lo gì.

Sau hai ngày lội bộ từ Phiêng Cằm, tôi tới Chiềng Nơi. Chẳng biết có quá lời, nhưng bà con dân bản bảo tôi là “cán bộ trung ương” đầu tiên tới đây. Họ lom lom ngó mình như người ngoài hành tinh, chỉ thiếu nước đến rờ rờ vào chân xem chân người hay chân ngựa mà thôi.

Ở Chiềng Nơi có trường nội trú dân nuôi do thầy Lò Văn Chiến nhà ở cạnh trường làm hiệu trưởng. Gọi trường cho oách, thực ra chỉ là những chiếc lán  100% tre, nứa và cây rừng. Trường khá đông, nếu đi đủ phải được gần 100. Trường có năm thầy nhưng duy nhất một cô. Dễ nhận ra nhất là thầy Chiến (vì già) và cô (vì trẻ và xinh), còn các thầy khác trông cũng giống học sinh: xộc xệch, rối bù, gầy guộc và nhem nhuốc.   

Cô giáo tên Hiền, người Thái, nhà cách đó chừng nửa ngày đường nên trú tạm nhà thầy Chiến. Thầy Chiến đã lập gia đình nên việc này không có gì ngại. Tôi, “cán bộ trung ương”, cũng được nghỉ lại nhà thầy hiệu trưởng.

Buổi sáng hôm ấy, dưới gầm sàn nhà thầy Chiến, tôi giúp cô giáo Hiền giã nốt cối gạo. Em đứng trước, tôi đứng sau. Em không nói gì. Tôi chẳng tìm ra chuyện gì để nói. Ngốc thế! Cũng may tiếng cười khúc khích của em xua tan sự đơn điệu và căng thẳng vô lý. Trước mặt tôi là bờ vai trần và cái gáy trắng hồng của em, mồ hôi lấm tấm rịn ra từ đấy. Bất giác tôi đặt một tay lên bờ vai ấy. Toàn thân em run nhẹ, cái gáy trắng hồng chuyển sang đỏ rực, một vài giọt mồ hôi trên lọn tóc mai lúng túng rụng xuống mu bàn tay. Tôi cảm nhận rõ độ nóng và vị mặn chát. Rồi cũng vô thức như lúc đặt bàn tay lên bờ vai em, tôi lặng lẽ rút tay về, nắm chặt vào thanh vịn.

Hôm tạm biệt thầy cô trường Chiềng Nơi, em nói với thầy Chiến rằng bản Mông trên đỉnh Đông Vai vừa bắn được con gấu, em lên đó mua túi mật về làm thuốc cho bố, tiện thể dẫn tôi vượt Đông Vai tìm đường ra Chiềng Chung.

Với sự từng trải của người đàn ông có vợ, thầy Chiến nghĩ một lúc rồi bảo mật gấu khó phân biệt, để mai thầy lên mua cho. Nói xong thầy vội bước ra cửa gọi hai học sinh dẫn tôi vượt đỉnh Đông Vai. Tôi nén tiếng thở ra nhè nhẹ, vừa thấy tiêng tiếc nhưng rõ ràng là thanh thản và nhẹ nhõm.

Cô Hiền đã lập gia đình. Thầy Chiến sau khi được điều ra Phòng GD Mai Sơn công tác, nay lại làm hiệu trưởng một trường nào đó. Còn tôi thì vẫn nhớ như in những kỷ niệm ở Chiềng Nơi, trong đó có bức ảnh em gái người Mông có khuôn mặt đẹp như Phật Bà mang cái bụng lùm lùm. Tôi vẫn giật mình mỗi khi nhớ lại ánh mắt sắc lẹm, vẻ mặt nghiêm trọng của cậu học sinh người Mông lúc vụt bước vào nhà ông trưởng thôn khi vòng xòe đang độ say, ghé tai thầy Chiến, sau đó cả hai mất hút trong rừng đêm…

Còn nhiều điều không thể kể hết, chỉ muốn gặp lại thầy Chiến, cô Hiền để nói một câu rằng, tôi mãi mãi kính trọng các thầy các cô, và Chiềng Nơi là ngôi trường để lại cho tôi nhiều day dứt, băn khoăn nhất trong cuộc đời làm báo của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên