Blog Vườn: Tết, sống chậm…

(VOV) - Đến bây giờ, nhiều điều có thể trông nhờ dịch vụ, người ta lại muốn tự tay làm.

Gần Tết, thấy ngoài chợ người ta chưa mua sắm gì mấy. Ai đó bảo, do kinh tế khó khăn. Nhưng khó đến mấy, thì những đồ thiết yếu vẫn phải mua, “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” mà. Lý do có vẻ thuyết phục hơn là bây giờ mọi thứ đều sẵn, chỉ cần ra chợ một buổi là sắm sanh đủ mọi thứ cho cái Tết, kể cả cái Tết kéo dài 9 ngày nghỉ như năm nay.

Rồi chỗ này chỗ khác thấy rủ nhau gói bánh chưng. Người ngại làm thì bảo: bây giờ ai thèm khát gì đâu, ăn hết bao nhiêu mà bày vẽ cho cực thân. Nhưng những “hội” gói bánh chưng vẫn ì xèo mua đỗ xanh, gạo nếp, mua lá dong, mua lạt, chuẩn bị những cái nồi to như cái thùng, và nhất là củi gộc để đun bánh.

Gói bánh chưng để cho "có không khí Tết"

Gói bánh ăn chẳng hết thì đem biếu. Biếu thông gia, biếu xóm giềng. Gói bánh đi chia cho những người khó khăn nghèo khổ, những bệnh nhân phải nằm viện không được về nhà ăn Tết. Nét đẹp này năm nay được nhiều nơi người ta rủ nhau làm.

Có chị em còn đua nhau làm mứt. Mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt quất… Ngoài hàng thì sẵn lắm, có đắt đỏ gì đâu. Giở ra làm mứt tại nhà, chắc chắn là không đỡ tốn tiền hơn, lại thêm phần bận bịu. Ví như, chị em mách nhau, bí quyết để ráo mứt là phải thật nhỏ lửa, đảo bằng tay trần (chứ không dùng đũa hay muôi) để kiểm soát tốt độ nóng, đường mới bám đều, mứt mới trắng và thơm. Cứ y như ngày xưa ấy.

Tỉ mẩn đến thế được, chắc là rỗi việc?

Không thì bày vẽ ra thế làm gì cho mệt người ?

Chỉ là thỏa mãn sở thích. Là làm những điều để hoài niệm Tết xưa. Là sống chậm, tận hưởng những niềm vui giản dị…

***

Nhớ hồi bao cấp, cái Tết được chuẩn bị từ trước đó cả tháng. Những chị em gom từng cân đường, cân bột mì, chục trứng để làm bánh quy gai, làm mứt.

Mỗi gia đình được phiếu mua hàng Tết. Trong túi hàng Tết có gói mứt Tết, gói bánh kẹo, 1 lạng mì chính, một mảng bóng bì lợn độ 2 lạng … và gì nữa nhỉ? Gạo nếp, đỗ xanh thì mua ở cửa hàng lương thực, cũng theo tiêu chuẩn đầu người.  

Mua hàng Tết thời bao cấp

Ở thành phố, các gia đình rủ nhau đụng lợn, gói bánh chưng. Dăm ba nhà cùng tổ dân phố, hay tổ công đoàn các cơ quan, đi liên hệ đâu đó mua được con lợn, rồi mổ lợn, chia nhau ăn Tết. Mỗi nhà một phần, đủ cả nạc, xương, mỡ, thủ… mỗi phần một ít, mang về để gói giò xào, nấu đông, làm nhân bánh chưng.

Hôm đụng lợn, đúng là vui như Tết. Các gia đình tụ tập bên nhau, ồn ào, náo nhiệt. Mỗi người một chân một tay, băm chặt, chế biến một số món ăn như lòng, dồi ngay tại chỗ. Ngay sau hôm đó là gói bánh chưng. Thịt ướp muối, hạt tiêu thơm lừng. Lá dong mua về, rửa sạch để ráo. Lạt dang cũng bán đầy ngoài chợ. Đỗ xanh thì ngâm, đãi sạch. Có người cầu kỳ mua cả lá riềng về giã lấy nước nhuộm gạo cho bánh được xanh.

Hồi ấy khuôn bánh không bán sẵn nhiều như bây giờ. Gói bánh chưng, người ta gói vo thôi. Người khéo thì bánh vuông vức, chặt tay. Người vụng thì như đùm mắm tôm. Ai khéo tay được hàng xóm mời sang gói bánh giúp.

 Luộc bánh là một trong những phần hấp dẫn nhất của cái sự “ăn Tết”. Có một bọn vừa trông nồi bánh chưng, vừa chơi tú lơ khơ hay tam cúc. Ai thua bị vẽ râu bằng nhọ nồi đen nhẻm. Trời bên ngoài lạnh, ngọn lửa đượm làm hồng môi má các cô gái trẻ rủ rỉ túm tụm bên nhau. Than tốt nên thường vùi khoai sắn, một lát là chín, lấy que cời than cời ra, bóc miếng khoai miếng sắn nóng hôi hổi, thật thơm thật bùi. 

Phải sau 10 đến 12 tiếng đồng hồ, bánh chưng chín rền. Người ta vớt bánh rồi ép cho ráo nước, đoạn buộc thành từng cặp treo ở nơi có gió, để còn được lâu hơn là cất trong tủ lạnh. Mà hồi đó, mấy ai có tủ lạnh để cất đồ ăn đâu.

Sáng 30, đi chợ mua các thức làm cơm cúng, mua thêm mấy mớ mùi già. Chiều 30, cơm nước xong, đun nồi lá mùi già để tắm tất niên. Cái hương lá mùi già cũng đượm mùi Tết, đến nỗi cô bạn tôi ở xa, cứ ước ao bao giờ về quê dịp Tết để tắm nước mùi già, tẩy trần cho thanh sạch…

Mùng 1 Tết, trẻ con mặc áo mới tha thẩn chơi trong nhà ngoài ngõ, người già đi lễ chùa. Lời ăn tiếng nói phải giữ gìn, không ai nóng nảy, nặng lời; không ai đánh đổ đánh vỡ, kẻo dông cả năm.

Sang mùng 2 thì tôi thường theo mẹ về quê ngoại. Tết ở quê, đường làng ngõ xóm vui lắm. Người ta đi chúc Tết. Đến mỗi nhà, việc đầu tiên là thắp hương vái tổ tiên của gia chủ. Sau đó ngồi uống nước trà, ăn hạt dưa, nói những lời chúc tốt đẹp cho một năm mới “khỏe mạnh, làm ăn bằng năm bằng mười năm ngoái…”. Nhà nào có xích mích, Tết cũng vẫn sang chúc nhau, lấy lại hòa khí. Lệ này ở các làng quê Bắc bộ, nay vẫn giữ.

***

Dạo này Tết ở phố, chả có mấy người đến nhà nhau. Mọi người đi du lịch cũng nhiều, không có điều kiện thì ở nhà, làm mọi điều mà mình thích. Có người ngủ muộn cho “đã”, quanh năm phải thức khuya dậy sớm rồi. Có người tối ngày online, đọc báo xem phim chơi games nghe nhạc. Ăn rồi lại ngủ, rồi lo sau Tết... béo ra. Thế là rủ nhau về quê chơi, thăm đình thăm chùa, ghé chơi nhà này nhà khác. Nhà nào có quê thì về quê mình, ai không có quê thì về quê bè bạn.

Thư thả, sống chậm…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên