Blog Xíu: Tết chậm

Tết là gì nhỉ, là điểm bắt đầu hay là nơi trở về?

Đứa nhỏ mắt tròn xoe hỏi bố Tết là gì? Ồ, Tết là gì nhỉ? Tết là năm mới, phong tục, lì xì mừng tuổi, là bánh chưng, áo mới… Cách đây mấy chục năm, mình chỉ hồi hộp mong chờ tết như vậy. Mà sao giờ lại thấy những âm vang khác trong chính chữ Tết.

Nghỉ ngơi được ít hôm, ngồi trước máy tính, trước cuốn sách ông bạn mới tặng, nghĩ lang bang về Tết. Cuối cùng thì Tết là gì nhỉ, là điểm bắt đầu hay là nơi trở về?

Dịp cuối năm, ai nấy đều hối hả, mua mua sắm sắm, nợ nần, ân oán thanh toán sòng phẳng. Hôm rồi đi taxi, bác tài quê xa nhăn nhó: chạy xe hùng hục trong năm, giờ công ty thưởng Tết có 300.000 đồng. Ngần ấy thì tết nhất gì anh ơi. Kiểu này chắc không dám ló mặt về quê. Mình chợt thoáng nhớ đến Nguyễn Công Hoan với những đoản truyện xót lòng. Nhân vật của ông ngày ấy vẫn đang sống trong những người nghèo thời nay.

Bếp giữ lửa, giữ luôn cả hạnh phúc gia đình.

Mọi người có phúc phận riêng, bác tài taxi thân mến ạ. Có những bộ mặt hởn hơ lắm, khác xa với bản mặt xanh xao của bác năm cùng tháng tận. Nhưng ngày xuân phần lớn thấy gương mặt nào cũng ngơ ngác, dáng đi nào cũng hớt hải. Chiều cuối năm vẫn hì hà hì hụi việc công, việc tư, việc làng, việc xóm. Người ta phải tranh thủ đi biếu xén giả ơn, gửi gắm nguyện vọng… Chả mất gì, ăn tiêu cả năm, nhịn bớt chút để hầu sếp, cho nó lành…

Ào ào để rồi mấy ngày tết trôi nhanh trong tĩnh lặng. Một guồng quay như cũ sẽ lại tiếp tục hối thúc ngay sau đó ít ngày. Tết để mình chùng lại. Mấy trăm ngày trong năm ai cũng căng ra, đầu sôi lên, tim đập thình thịch những nhịp gió bụi. Giờ chậm lại để nghĩ những điều, làm những việc mà trong năm không có thời giờ mà chạm đến. Cuối năm hàng nghìn thứ chuyện ập vào buồn-vui lẫn lộn. Soi ngẫm những dòng chữ ấm lòng và cả những vụ án lạnh sống lưng; chuyện người tốt cưu mang đùm bọc chia sớt, chuyện người xấu ứng xử với nhau như thời đồ đá. Phải chắt ra, phải lọc đi để mà răn nhủ mình trong đời sống…

Dịp cuối năm, lang thang lên núi định tìm mấy nhánh đào về chơi tết. Dọc đường qua bản, bọn trẻ con ngoan ơi là ngoan đứng thành hàng vẫy tay chào mỗi lần xe tới. Phong phanh quá, nhiều đứa con cởi truồng, da tím tái, mặt đen nhẻm đứng bên những gốc đào núi sần sùi lác đác vài bông hoa hoang dã. Mình đi kiếm hoa, còn lũ trẻ đi lượm củi. Những hình ảnh ngày trước chợt hiện dần trước mắt.

Ngoảnh lại bao mùa tóc bạc mẹ cha. Những buổi chiều cuối năm, mưa rét, cha đạp chiếc xe cũ về cổng nhà. Phía sau yên xe là một đống gỗ tạp được chằng buộc cẩn thận. Sẽ là những đêm thắp lửa trong gian bếp ẩm mốc, đầy bồ hóng. Củi lửa xua mùa đông đi nhanh hơn trong cái mùi hăng hắc cay xè mắt mũi. Nồi bánh chưng sẽ ngập ngừng sôi; nồi lá thơm, lá mùi tắm tất niên sẽ nao nao tỏa vào không gian hương vị thật dễ chịu. Sau này, đi nhiều vùng mới thấy không chỉ nhà mình, mà nhiều nơi, bà con đều coi trọng cái bếp. Nó giữ lửa, giữ luôn cả hạnh phúc gia đình.

Có những chuyến hành trình ngày rét đậm, sương mù trời, gió núi ào ạt thổi sâu vào khe cửa. Chăn đệm nghèo không đủ ấm, chúng tôi phải mò ra bếp, vẫn còn lấp ló chút tàn lửa cuối chiều. Khe khẽ nhóm là lửa lại bừng các gương mặt tái nhợt của cả chủ và khách. Cao lương, mỹ vị yến tiệc đâu bằng mấy tảng thịt lợn ám khói cháy xèo trong than hồng đêm lạnh. Bếp nhiều vùng núi chiếm vị trí quan trọng ngay trên nhà sàn. Đó là nơi sinh hoạt chuyện trò, là nơi giấu kín nỗi ngượng ngùng trai gái, nơi trầm ngâm như đá của những cụ già trán nhăn như những vệt đất rừng nghìn năm…

Và cũng phải lao vội về quê, hương khói mồ mả; quà tết nhanh chú bác cô dì, rồi lại chui vào cái khối bê tông vuông vức, bức bối ở phố mà trong năm nó như một cái nhà trọ đúng nghĩa. Giờ mới thấy nó cần đến bàn tay chăm sóc của mình. Bức tường lạnh, đống sách vương vãi trên những ngăn tủ bụi mốc; đặc biệt là chiếc bếp lạnh như tiết trời ngoài kia. Có ăn cơm nhà mấy đâu mà ấm lửa. Bọn trẻ giờ nhiều lúc cũng phải hưởng cái không khí cơm đường cháo chợ của bố mẹ chúng…

Đôi khi ý nghĩ lại trùng với ông bạn mấy ngày tết chỉ thích trốn vào ngôi chùa vắng, đọc dăm cuốn sách, nghĩ vụn vài điều, ngắm hoa đại rơi từng cánh thơm thảo, nghe tiếng chuông thỉnh thật đều của sư trụ trì. Cả đời tất bật thức khuya dậy sớm, giờ thèm cơn ngủ của những đứa trẻ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên