Bước chân người chiến sĩ Quảng Trị giữa đời thường

VOV.VN -Thậm chí cả trong giấc ngủ đôi lúc ba bật dậy và hát rồi gọi tên những người lính, những liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh.

Quảng Trị mảnh đất với bề dày truyền thống lịch sử, nơi mỗi tấc đất là một tấc xương máu, nơi những câu chuyện huyền thoại có thật đã thấm đẫm biết bao trang sử hào hùng của dân tộc.  Quảng trị - điểm đến của những người muốn tìm về với người thân, tìm về với lịch sử của dân tộc. Bởi nơi đây có quá nhiều chứng tích lịch sử không gì có thể xóa nhòa được.


Dòng sông lung linh ánh hoa đăng tưởng nhớ những liệt sỹ đã chiến đấu dũng cảm bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa 1972 (ảnh: Đình Thiệu)

Chiến tranh đã qua đi, những đứa trẻ như chúng tôi chưa bao giờ và không thể nào hình dung hết được sự khốc liệt của chiến tranh. Bằng sự tái hiện của các bộ phim tư liệu, những bản nhạc ca ngợi về người lính phần nào giúp tôi hiểu hơn về chiến tranh, về cái gọi là cảnh sinh ly tử biệt trong thời chiến.

Quê tôi không có nhiều cảnh đẹp như những vùng đất khác, nhưng lại có những nét đẹp riêng mà mỗi khi nói về quê mình tôi không tránh khỏi xúc động. Tôi có một anh bạn người Sơn Tây đã nói rằng anh đã mấy lần đến Thành cổ Quảng Trị và mỗi lần đến đều không cầm được nước mắt. Anh khóc cho những người không máu mủ ruột thịt, khóc cho những người chưa một lần gặp mặt. Những giọt nước mắt của sự chân thành và lòng biết ơn sâu sắc.

Quảng trị có 72 nghĩa trang và trong đó có 2 nghĩa trang cấp quốc gia; người đến Quảng Trị không phải vì muốn ngắm cảnh đẹp, không đến vì món ăn ngon mà họ đến đây với một tâm trạng hết sức đặc biệt đó là sự tri ân, sự kính trọng. Ai đến Quảng Trị mà không một lần ghé qua Thành Cổ 81 ngày đêm. (Trong thời gian từ 23 giờ ngày 31/7/1972 đến 23g ngày 2/8/1972, Mỹ đã huy động 204 lần chiếc B.52 và 306 lần chiếc máy bay ném bom bắn phá Thành Cổ Quảng Trị. Trung bình hàng ngày, trên một diện tích hơn 2 kilomet vuông, Thành Cổ QT hứng chịu 3850 tấn bom, 215 tấn đạn pháo các loại).

Vĩ tuyến 17, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, địa đạo Vĩnh Mốc.... Những bài hát hay về Quảng Trị như cỏ non Thành cổ, câu hò Hiền lương, ...đã khiến bao nhiêu người phải xúc động rơi lệ.

Bài thơ đã lấy đi không biết bao giọt nước mắt của những ai đã một lần đặt chân đến Quảng Trị:

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời cũng tự trong xanh và lộng gió

Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào

Trích bài thơ “Tâc đất Thành Cổ” của tác giả Nguyễn Đình Lân

Cựu chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị thả hoa đăng xuống sông Thạch Hãn, tưởng nhớ đồng đội- các Anh hùng liệt sỹ (ảnh: Đình Thiệu)

Tôi được sinh ra và lớn lên ở nơi mà người ta vẫn thường gọi là vùng đất tâm linh; nơi mà hàng vạn liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh. Ba tôi, một thương binh hạng 3/4 kiêm một cán bộ chính sách, cuộc đời ba mấy năm trong nghề có thể nói là hàng ngày đều tiếp xúc với những người đã mất. Giấy tờ, hồ sơ, phần mộ...tất cả là những thông tin về những chiến sĩ đã hy sinh trên chiến trường Quảng Trị.

Tháng 7, khi cái nắng oi bức của mùa hè kèm theo đó là những cơn gió phơn nắng cháy của Quảng trị càng khiến cho mảnh đất nơi đây trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những ngày này rất đông người thân của các liệt sĩ từ mọi miền đất nước đã đến Quảng Trị để mong tìm được nơi an nghỉ của liệt sĩ, để họ có thể cảm thấy an lòng và vơi đi nỗi niềm nhớ thương. Đây cũng là tháng mà cơ quan ba bận rộn nhất trong cả năm, khi có cả trăm đoàn khách đến viếng Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị. Công tác chuẩn bị được quan tâm chú trọng hơn bao giờ hết, lễ dâng hương, thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn luôn được diễn ra hết sức trang nghiêm để bày tỏ lòng biết ơn của những người đang sống với những người đã hy sinh vì nền độc lập tự do của nước nhà.

Công việc ở cơ quan bận rộn, không kịp thời gian để xem các văn bản, tài liệu; ba đem cả về nhà để nghiên cứu và tìm hiểu. Nhiều khi tôi cứ hỏi ba tại sao suốt ngày ba cứ nghe điện thoại dù đó là nửa đêm, ba không dành nhiều thời gian cho gia đình. Những lúc đó ba chỉ trả lời rằng:  “Nếu ngày xưa khi ba đi chiến đấu mà hy sinh thì giờ này mẹ và con cũng sẽ đi tìm ba như vậy”. Lúc đó tôi vẫn chưa thể hiểu nhưng có lẽ thời gian đã giúp tôi hiểu được điều đó một cách sâu sắc hơn.

Trong dịp 27/7 năm nay, thật tiếc là hôm đó tôi không thể cùng ba đi thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ.  Năm nay dường như đặc biệt với ba tôi khi cả nước tổ chức kỷ niệm 68 năm ngày thương binh liệt sĩ và cũng là lúc ba tôi tròn 60 tuổi. Cái tuổi mà con cái thường tổ chức lễ đáo tuế cho bậc sinh thành của mình.  Tôi tin dù ba có về hưu đi chăng nữa thì lòng yêu nghề và sự cống hiến của ba tôi vẫn luôn chiếm trọn trái tim của ba, người đã từng chiến đấu dũng cảm trong cuộc kháng chiến cứu nước.

Trong những ngày này, khi cả nước đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm, tôi biết ba sẽ là người có nhiều tâm trạng nhất, ba sẽ khóc khi xem những bài hát Trường Sơn, bài hát về người lính, ba khóc trong nỗi nhớ nhung nghẹn ngào với những đồng đội, chiến sĩ đã hy sinh. Thậm chí cả trong giấc ngủ đôi lúc ba bật dậy và hát rồi gọi tên những người lính, những liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh.

Ba bị thương khi chỉ mới 24 tuổi, có lẽ vì thế khi làm công việc chính sách ba lại rất dễ cảm thông với mọi người. Vết thương ở tay ba khiến từ bé bạn bè vẫn hay trêu tôi là có ba tay ngắn tay dài rồi cả hồi học tiểu học, khi mỗi lần cô giáo hỏi cả lớp ai thuộc diện con thương binh, hộ nghèo thì giơ tay lên. Ôi chao sao mà lúc đó tôi ghét phải giơ tay thế, mọi ánh mắt cả lớp cứ đổ dồn về phía tôi như thương hại, tan học chúng nó bảo là ba tôi thương binh thì chỉ ở nhà còn mẹ tôi phải là người bươn chải, kiếm sống cho gia đình. Nhưng đâu phải thế, ba tôi là thương binh thật nhưng không vì thế mà ngừng lao động, ngừng cống hiến. Dường như nghị lực của người lính càng là ý chí và động lực thôi thúc ba tôi cố gắng nhiều hơn nữa.  Sau này khi tôi lớn hơn, hiểu biết hơn 1 chút, nhìn vết thương ở tay ba và mỗi đêm khi trái gió trở trời ba lại đau nhức ở cánh tay càng khiến tôi thương ba nhiều hơn. Bệnh nghề nghiệp đã luôn chảy trong từng mảnh da thớ thịt của ba và rồi mùa đông năm 2011, vào một ngày trời Quảng Trị thật lạnh; ba cùng bác giám đốc sau khi đi từ Nghĩa trang Hướng Hóa để thực hiện nghi lễ truy điệu cho những anh hùng liệt sĩ; đến địa phận Đông Hà thì xe bỗng nhiên mất lái rồi cả ba và bác giám đốc đều bị thương nặng. Người ta đưa ba từ trong xe ra với ngập máu ở chân và rồi khi đưa vào bệnh viện nhiều người đã không nhận ra vì khuôn mặt ba lúc đó dường như đã bị biến dạng, hơn 10 bịch máu đã được truyền vào cơ thể của ba.  Không chỉ có ba mà cả bác giám đốc cũng bị thương nghiêm trọng, chân của bác bị kẹt trong xe phải dùng xà beng mới đưa được bác ra bên ngoài. Quãng thời gian đó thật kinh hoàng đối với tôi và cả đại gia đình tôi. Vụ tai nạn suýt một lần nữa lấy đi mạng sống của ba tôi và vì thế thật đặc biệt khi ba là người có 3 ngày sinh nhật trong một năm.

Đôi bờ Thạch Hãn hôm nay (ảnh: Đình Thiệu)

Cảm ơn trời Phật đã giúp ba tôi sống trở lại và dường như các vong linh liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây họ vẫn chưa muốn mang ba đi mà muốn ba tiếp tục công việc của người lính trên chiến trường không có bom đạn; đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tấm lòng bao la của một người lính trở về sau chiến tranh.

Niềm tự hào về quê hương và về ba càng ngày càng thấm sâu vào con người tôi, khi tôi đi học xa nhà, mỗi khi giới thiệu mình là người Quảng Trị. Đôi mắt tôi không thể giấu được sự tự hào vì là người con Quảng trị, mảnh đất đầy máu lửa nhưng vẫn anh dũng vươn lên. Có lẽ vì thế mà nhiều người vẫn nói người Quảng Trị có “tính lì” tôi nghĩ cũng nguyên nhân là vì thế. Đất đai cằn cỗi, gió phơn cát trắng...thế nhưng họ vẫn giàu nghị lực, quyết bám trụ và vững vàng tiến lên cùng với sự phát triển của đất nước.

Ước mong nhỏ bé của người con Quảng Trị như tôi đó là sẽ có thật nhiều, thật nhiều  những cuộc hành hương đến Quảng Trị, để lịch sử chiến đấu và tinh thần thép của người dân nơi đây được biết đến không chỉ trong nước mà còn khiến cả thế giới phải nghiêng mình khiếp sợ.

Tôi viết lên đây những dòng cảm xúc từ tận đáy lòng với tất cả sự biết ơn đối với quê hương Quảng Trị nơi tôi đã sinh ra và lớn lên; sự biết ơn sâu sắc đối với những liệt sĩ đã ngã xuống để đất nước được tự do như hôm nay và đó còn là sự kính trọng với người ba thương binh của tôi. Mong cho mảnh đất Quảng Trị yêu thương sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, không chỉ được biết đến với mảnh đất đầy bom đạn mà còn là một nơi phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội. Bản thân tôi luôn cố gắng phấn đấu và học tập, mong sớm được trở về quê hương để có thể như ba tôi, đóng góp một chút sức lực của mình vào sự phát triển của tỉnh nhà. Mong rằng những người con Quảng Trị dù đang ở đâu chăng nữa vẫn luôn dõi theo và cùng chung tay xây dựng quê hương ngày một tươi đẹp./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên