Giây lát từ... hầm Kim Liên

(VOV) -Con người có thể phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai nhưng cũng tạo ra thảm họa không đáng có.

Sáng qua, đang chạy xe dưới hầm đường bộ Kim Liên, Hà Nội, đến giữa chừng chợt thoáng một luồng lạnh chạy dọc sống lưng khi thấy những dòng nước rỉ ra từ thành hầm và ngay lập tức nhớ tới cái hầm kiên cố ở Nhật vừa sập khiến gần chục người mất mạng. 

Cũng ngay lập tức bụng bảo dạ, thôi, từ nay giã từ cái hầm này, cứ trên mặt đất mà đi dẫu rằng giao thông mặt đất cũng đầy hiểm nguy. Rồi lại liên tưởng, băn khoăn, rằng, liệu có bao người lạnh lưng và quyết định như mình.

Về chuyện này, báo chí dẫn lời các cơ quan có trách nhiệm của Nhật - rằng hầm sập là do thiếu những cái đinh vít gắn kết các tấm bê tông trên trần hầm, những nơi có vít thì lại lỏng lẻo. Ui chao, các tấm bê tông nặng và dày là thế mà xếp ghép lơ lửng trên đầu không bắt vít vào nhau thì rơi sập là chuyện hiển nhiên. Và với tình trạng ấy thì tai nạn xảy ra với 9 mạng người như thế, nói phủi phui chứ, vẫn còn là may mắn. 

Cũng chưa ai lý giải được vì sao những cái đinh vít có vị trí then chốt quan trọng là thế lại không cánh mà bay cũng như liệu nó đã từng có ở đấy trước khi biến mất hay không. Lại thấy báo chí dẫn lời Giáo sư Chikaosa Tanimoto của  Đại học Osaka cho rằng những phần kết nối trần hầm với cột chống và nối các cột đã xuống cấp có nguyên nhân từ động đất.  

Nghe đến động đất của Nhật lại ngay lập tức liên hoàn liên tưởng đến thủy điện Sông Tranh 2 của nhà mình. Mình mới chỉ chui qua hầm Kim Liên rò rỉ nước trong giây lát mà đã ớn lạnh thế, không hiểu cuộc sống của bà con trong vùng động đất ở khu vực thủy điện này như thế nào. 

Chưa xa, đập thủy điện Đak Mek 3 ở Kon Tum cũng vừa vỡ với những thiệt hại về người và của. Vậy mà chủ đầu tư còn lý giải nguyên nhân vỡ đập là một chiếc xe ben khi chở đá đi qua đã va vào thân đập. Trời ạ, chiếc xe ben kia mà biết nói năng thì chả biết chuyện gì xảy ra với người đã đổ tội lên đầu nó. 

Trước nữa, hồi đầu tháng 10, con đập chắn của công trình thủy điện Đakrông 3 ở Quảng Trị - con đập mà theo thông báo là được xây dựng theo công nghệ đập tràn piano của Pháp cũng đã xảy ra sự cố.

Chao ơi sao tai hoạ cứ không tự dưng mà đổ lên đầu người dân làm vậy. Tự dưng là do thiên tai, còn những sự cố này phải gọi là "nhân tai".

Lâu nay, rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng rồi nảy sinh sự cố. Nào là những hố tử thần trên các con đường mới tinh ở TP HCM, nào lún nứt trên các cây cầu hiện đại vừa mới khánh thành, như cầu Thăng Long, Thanh Trì, nào là đại lộ to đẹp ở Hà Nội, rồi đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình... Vô vàn mà kể, nhưng tất cả đều do chủ quan, do con người.

Lâu nay, người Nhật vẫn nổi tiếng là có công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến (hầm đường bộ Kim Liên nghe nói cũng xây theo công nghệ Nhật). Vậy mà sự cố chủ quan vẫn xảy ra, tai hoạ vẫn đổ lên đầu người dân. Và "nhân hoạ" ấy có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất cứ ai nếu có sơ xẩy.

Chao ôi, con người đã cảm nhận được thế giới, đã sáng tạo và làm thay đổi thế giới, đưa thế giới này phát triển. Chính con người đã phát hiện ra chân lý trái đất hình cầu xoay xung quanh mặt trời, đã đặt chân lên hành tinh khác, con người giờ đây đã có thể phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Thế nhưng cũng chính con người lại tạo ra thảm họa không đáng có.

Trở lại vụ vỡ đập thuỷ điện Đak Mek 3 ở Kon Tum, kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành cho thấy đập bị vỡ do được xây không đúng thiết kế cơ sở, tức bằng đất, cát, đá trong khi theo thiết kế, lõi đập phải là bê tông đá hộc, bơm vữa xi măng, đổ bê tông chất lượng cao.

Rồi đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, những người có trách nhiệm đã phải thốt lên rằng "một số cá nhân có dấu hiệu vô cảm đối với tài sản của doanh nghiệp và trách nhiệm phục vụ người tham gia giao thông". 

Và sự biến mất của những đinh vít then chốt trên trần hầm của Nhật Bản. Việc đưa những những con vít quan trọng này vào đúng chỗ là trách nhiệm của người thi công, việc quên hay lấy đi những con vít ấy là do con người.

Việc để nước rò rỉ trong hầm đường bộ Kim Liên (được coi là hầm hiện đại nhất nhì đất nước, thậm chí cả trong khu vực nữa) cũng đã được xác định do một vài khâu trong thi công.

Thật lo ngại! Đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, biết bao công trình đã và đang được hình thành. Trong số ấy ai dám khẳng đinh những công trình nào bảo đảm không xảy ra sự cố. Liệu còn có và sẽ có bao nhiêu người giống như nhân vật đã khẳng định chiếc xe ben không biết nói kia đã làm vỡ con đập.

Hầm sập ở Nhật đang được khắc phục nhưng 9 người đã chết, còn nhiều người mất tích.

Cá nhân mình hay ai đó, thậm chí rất đông người nữa có thể tránh để không phải chui qua hầm Kim Liên rò rỉ nước nhưng bà con bên cạnh thủy điện sông Tranh và ở rất nhiều nơi tương tự thế trên đất nước mình, trên thế giới này, sẽ đi đâu, ở đâu. Đấy chính là câu hỏi dành cho mỗi con người ở trên trái đất này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hầm Kim Liên lại bị nứt và thấm nước
Hầm Kim Liên lại bị nứt và thấm nước

(VOV) -Vết nứt ở hầm kéo dài từ nóc hầm xuống dưới nền đường, ngấm nước làm bong tróc nhiều mảng vữa.

Hầm Kim Liên lại bị nứt và thấm nước

Hầm Kim Liên lại bị nứt và thấm nước

(VOV) -Vết nứt ở hầm kéo dài từ nóc hầm xuống dưới nền đường, ngấm nước làm bong tróc nhiều mảng vữa.

Hầm Kim Liên bị ngập do trạm bơm… thiếu nước
Hầm Kim Liên bị ngập do trạm bơm… thiếu nước

Chỉ có 1 trong 4 máy bơm hoạt động để thoát nước sau trận mưa ngày 14/7, và máy bơm này cũng hoạt động chưa hết công suất vì… thiếu nước.

Hầm Kim Liên bị ngập do trạm bơm… thiếu nước

Hầm Kim Liên bị ngập do trạm bơm… thiếu nước

Chỉ có 1 trong 4 máy bơm hoạt động để thoát nước sau trận mưa ngày 14/7, và máy bơm này cũng hoạt động chưa hết công suất vì… thiếu nước.

Hà Nội: Tai nạn liên hoàn trong đường hầm Kim Liên
Hà Nội: Tai nạn liên hoàn trong đường hầm Kim Liên

Vụ va chạm đã khiến giao thông trong hầm Kim Liên (Hướng Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt) ùn tắc trong nhiều giờ.

Hà Nội: Tai nạn liên hoàn trong đường hầm Kim Liên

Hà Nội: Tai nạn liên hoàn trong đường hầm Kim Liên

Vụ va chạm đã khiến giao thông trong hầm Kim Liên (Hướng Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt) ùn tắc trong nhiều giờ.