Không còn bắn giết nhau vì biên giới, lãnh thổ

(VOV) -Phải trưởng thành hoặc trả giá, trải nghiệm đến một ngưỡng nào đó người ta mới thực sự hoà giải, cư xử với nhau chân thành, công bằng.

1. Trong một chuyến công tác nước ngoài, bên cạnh công việc thì điều gì với bạn quan trọng không kém? –Với tôi, đó là cuộc đua nước rút với thời gian, được đánh dấu bằng những ký hiệu khoanh tròn và gạch chéo trên tấm bản đồ du lịch.

Một địa danh được coi là đã khám phá xong khi bạn có những bức hình thật ưng ý để quăng lên “Phây” (Facebook) hàm ý: Been there, done that! (Tôi đã từng ở đây!)

Bởi vậy ta mới có câu “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhưng các cụ cũng có câu rất thâm thúy “Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong”.

2. Những du khách đến nước Bỉ không thể bỏ qua Grand Place - một quảng trường nổi tiếng đã được UNESCO ghi danh cùng với quần thể kiến trúc nguy nga, sang trọng của những tòa nhà quanh đó.

Trong tổng thể kiến trúc đó, ngay giữa trung tâm Vương quốc Bỉ tươi đẹp, ít ai ngờ chỉ cách Grand Place vài dãy nhà, có một ngôi nhà bề ngoài đẹp đẽ nhưng trong đó là những căn phòng được người thất nghiệp thuê giá 255 euro/tháng với diện tích chưa đầy 10m2. Mấy căn phòng này vừa được Thanh tra kết luận không đủ tiêu chuẩn để ở - sự kiện gây sốc đối với nhiều công dân nước này tuần qua.

Họ không ngờ nước Bỉ nhân văn là thế mà vẫn có người kiếm lời từ sự nghèo khổ của những người không may mắn. Hiện các tổ chức xã hội và cơ quan nhà nước đang chung tay hỗ trợ những người thất nghiệp thuê những căn phòng này.

Ảnh: Mỹ Trà


3
. Nếu đã đọc bài “Nên đến Vương quốc Bỉ một lần”, bạn sẽ cảm nhận thấy một Vương quốc Bỉ giàu có và nhân ái với mức sống cao cũng như phúc lợi xã hội ưu việt - vương quốc của hạnh phúc.

Có bạn đọc phản hồi: Tôi muốn đến Vương quốc Bỉ một lần rồi chết cũng được!

Vậy mà trong buổi họp giao ban tuần của các lãnh đạo chủ chốt của Đài Phát thanh Truyền hình Quốc gia Bỉ (RTBF) mà tôi được tham dự, nội dung chính hôm đó là bàn về kịch bản đối phó cho trường hợp có thể Hoàng gia Bỉ trong thời gian tới sẽ thoái vị vì không muốn là gánh nặng cho thần dân trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Vương quốc Bỉ sẽ không còn là vương quốc khi không có…quốc vương! Đúng là phải ở trong chăn mới biết chăn có…gì!

4. Đã đến lúc tổng kết những việc làm được và chưa kịp làm trong chuyến đi ngắn ngủi đầy cảm xúc và kết thúc loạt 3 bài về đất nước xinh đẹp này (quá ưu ái phải không?).

Nhiều người tiếc nuối vì tôi đã không đến được Waterloo nơi diễn ra trận đánh nổi tiếng kết thúc ngôi vị Hoàng đế nước Pháp của Napoléon, khép lại giấc mơ bá chủ Châu Âu.

Một giấc mơ đã khiến nước Pháp kiệt quệ để cho nước Anh – một trăm lần nghèo đói thua kém vượt mặt. 

Tuy nhiên, nơi mà tôi cho rằng mình thực sự đã bỏ lỡ, lại là đây:

Ảnh: Internet


Khác với những hình ảnh hàng rào dây thép gai và bốt canh gác, đường biên giới giữa Bỉ và Hà Lan được coi là biểu tượng hòa bình của hai quốc gia khi chỉ là những hình chữ thập rời rạc màu trắng mang tính tượng trưng.

Đường biên giới không chạy thẳng mà chạy vòng vèo, có khi xuyên thẳng vào cửa một ngôi nhà, ngang qua một siêu thị hay quán cà phê…

Để tìm hiểu nguồn cơn của sự thú vị lạ kỳ này phải tham khảo lịch sử Châu Âu từ Thế chiến thứ 1 đến thứ 2 nơi Bỉ từng nhiều lần là chiến trường chính của châu lục này với biết bao hi sinh, mất mát, tang thương.

Lịch sử có bài học của nó và cuộc sống thì có qui luật riêng. Như câu nói của một vị đạo sư “Trên nền đau khổ nảy mầm yêu thương”, có lẽ chả cần lúc nào cũng ôn đi ôn lại đau thương làm gì khi dòng chảy cuộc sống luôn biết cách ứng xử với các bài học của quá khứ.

Có lẽ Tây âu đã đủ văn minh, đủ trưởng thành từ những bài học đau thương của quá khứ để có thể cùng sống với nhau, yêu thương đùm bọc nhau trong một mái nhà. Thế mới có những đường biên giới kỳ lạ và đáng yêu như thế...

Tôi đã đứng rất lâu lặng ngắm một biên giới như thế...

Cũng như con người, các nước lớn, nhỏ nhiều khi cư xử chẳng khác gì những đứa trẻ. Khi còn nhỏ chúng ích kỷ giữ khư khư không chịu chia sẻ với bất cứ ai miếng bánh. Lớn hơn một chút thì cậy lớn đi giành đồ của đứa nhỏ hơn.

Thậm chí mình to lớn, giàu có hơn, có bát ăn bát để mà vẫn ti tiện tranh chấp từng milimet với hàng xóm, láng giềng theo kiểu ỷ lớn, hiếp bé, lấy thịt đè người bất chấp luân lý, luật pháp...

Phải trưởng thành hoặc trả giá, trải nghiệm đến một ngưỡng nào đó người ta mới thực sự hoà giải, cư xử với nhau chân thành, công bằng, thậm chí, cao hơn là yêu thương.

Tôi biết có những quán cà phê biên giới ở Châu Âu mà bạn có thể ngồi trên một chiếc ghế, chân bên này là nước Bỉ, bạn khua chân sang bên kia đã là...Hà Lan.

Tôi ước gì mình được ngồi vào chiếc ghế đó mà không có cơ hội. Dĩ nhiên sẽ chụp vài kiểu ảnh để cống hiến lên “Phây” (facebook) để "chém" vài câu như “been there, done that”...

Tất nhiên, ở đấy, tôi không thể không mơ ước về những điều tốt đẹp sinh sôi giữa con người với con người, quốc gia với quốc gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên