Lão Khoa: Mấy nhời của gã mõ làng

Tôi chỉ là một gã Mõ làng, trải cái chiếu quê ra giữa Sân đình ảo, có cái tên rất hiện đại: “VOV online”, rồi mời các cụ ra đàm đạo.

Thưa bạn đọc khả kính!

Như hôm ra mắt làm Cộng tác viên chuyên mục “Blog tòa soạn”, tôi đã thưa trước với các “Thượng Đế” rằng, tôi chỉ là một gã Mõ làng, một cái bóng vật vờ như Mẹ Đốp, trải cái chiếu quê ra giữa Sân đình ảo, có cái tên rất hiện đại: “VOV online”, rồi mời các cụ ra đàm đạo.

Tôi không ngờ các cụ đến rất đông. Mà nhiều “cụ” lại còn rất trẻ, còn xưng “cháu” với gã Mõ làng cũng chưa phải đã già. Nhiều cụ bàn quá hay. Nhiều comment (bình luận phản hồi) như một bài báo hoàn chỉnh, còn sâu sắc, thâm hậu hơn bài viết của Mõ nhiều.

Cũng nhờ có cụ chép lại trong trí nhớ của mình mà tôi tìm lại được một bài thơ đã thất lạc, viết cách đây hơn 30 năm trước, bài “Đứng trước Chùa Giải oan”. Bài này hồi đó chẳng báo nào in cả, dù ai cũng bảo là thích. Sau rồi Tạp chí “Văn nghệ Đất tổ” của Vĩnh Phú in. Sau rồi mất bản thảo. Tôi cũng chưa có dịp về Phú Thọ lục tìm lại. Nay nhờ trí nhớ bạn đọc mà tôi tìm lại được đứa con lưu lạc của mình và bổ sung “hắn” vào Tuyển tập thơ sẽ ra mắt trong dịp tới.

Nhiều lời bình luận rất hay, nhưng là Chuyên mục chung, các Thượng Đế đang trò chuyện với độc giả toàn cầu, nên lão Mõ Khoa không thể nhảy bổ vào hầu chuyện được. Xin mong được lượng thứ!

Trở lại với “Một chuyện thật”. Theo dịch giả Hoàng Hưng, câu chuyện này hoàn toàn có thật xảy ra ở Trung Quốc, đã được CNN và BBC đưa. Đây là một bài báo. Nhưng tôi thấy nó là một Truyện ngắn đặc sắc. Bởi với một lượng chữ rất ngắn, như một cái tin ngắn, nhưng vẫn có đầy đủ cốt truyện, nhân vật, tính cách nhân vật, tình huống. Và cái kết thực sự bất ngờ. Đây mới đúng là Văn học hiện đại.

Thời nay, người ta ngại đọc dài (Tất nhiên dài mà hấp dẫn và hay thì vẫn rất tốt. Một vốc chữ mà nhạt, dở thì cũng rất khó đọc, thậm chí không đọc nổi). Nhưng nhìn chung, văn hiện đại, không nên dây cà dây muống. Chính vì thế, trên thế giới xuất hiện nhiều tác phẩm kinh điển rút gọn. Đến cả những kiệt tác như “Don Kihote”, “Chiến tranh và hòa bình”, người ta cũng co lại còn trên dưới một trăm trang. Ta cũng hiểu vì sao thể loại Truyện cực ngắn đã trở nên thịnh hành.

Tôi cũng luôn vươn tới thể loại Truyện dài nhưng lại viết rất ngắn. Tôi không thích một đôi dòng cuối, vì truyện thật sự đã hết khi ông già bị đuổi khỏi xe chợt bật khóc khi đọc mẩu tin thông báo về vụ tai nạn thảm khốc. Mọi người không hiểu ông khóc vì lẽ gì. Lũ con cháu ông lại nghĩ ông lão lẩm cẩm. Người già vẫn thường lú lẫn mà.

Nếu là tôi, tôi sẽ kết như thế. Không cần mấy lời luận bàn cùng với mấy câu hỏi vu vơ làm câu chuyện mất tính khách quan, lại khép mất cánh cửa mở vào cõi vô biên trong tâm trí bạn đọc.

Tất nhiên đó chỉ là suy nghĩ rất thiển cận của tôi. Bài viết đúng là văn hiện đại, cũng là thể loại mẫu mực của văn chương Blog. Vì thế, tôi “rinh” nó về chuyên mục  cho bà con tham khảo.

MỘT CHUYỆN THẬT

Một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi.

Giữa đường, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô lái xe xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô. Tất nhiên là cô lái xe kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng.

Lúc ấy một người đàn ông trung niên nom yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay; nhưng ông đã bị chúng đánh đập. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng. Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường.

Một giờ sau, ba tên du côn và cô lái xe tơi tả trở về xe và cô sẵn sàng cầm lái tiếp tục lên đường…

“Này ông kia, ông xuống xe đi!” cô lái xe la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình.

Người đàn ông sững sờ, nói: “Cô làm sao thế? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?”.

“Cứu tôi ư? Ông đã làm gì để cứu tôi chứ?”

Cô lái xe vặn lại, và vài hành khách bình thản cười.

Người đàn ông thật sự tức giận. Dù ông đã không có khả năng cứu cô, nhưng ông không nên bị đối xử như thế. Ông từ chối xuống xe, và nói: “Tôi đã trả tiền đi xe nên tôi có quyền ở lại xe”.

Cô lái xe nhăn mặt nói: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.”
Điều bất ngờ là hành khách, vốn lờ lảng hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe, họ nói: “Ông ra khỏi xe đi, chúng tôi có nhiều công chuyện đang chờ và không thể trì hoãn thêm chút nào nữa!”

Một vài hành khách khỏe hơn tìm cách lôi người đàn ông xuống xe.
Ba tên du côn mỉm cười với nhau một cách ranh mãnh và bình luận: “Chắc tụi mình đã phục vụ cô nàng ra trò đấy nhỉ!”

Sau nhiều lời qua tiếng lại, hành lý của người đàn ông bị ném qua cửa sổ và ông bị đẩy ra khỏi xe.

Chiếc xe bus lại khởi tiếp hành trình. Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ.

Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút.

Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra trong hai mắt cô. Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô lái xe: “Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả?”
Cô lái xe không nói gì cả, nhưng chiếc xe bus tiếp tục lao nhanh hơn.
Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài vực như mũi tên bật khỏi cây cung.

Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn”.

Một chiếc xe chở hành khách rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng.

Người đàn ông đã bị đuổi xuống xe đọc tờ báo và khóc. Không ai biết ông khóc cái gì và vì sao mà khóc!

Bạn có biết vì sao ông ta khóc?

Nếu bạn có trên xe bus, bạn có đứng lên như người đàn ông kia?

Chúng ta cần những người như ông để tạo nên và duy trì một xã hội bình thường!
Khi ta đối xử với người khác bằng cả tấm lòng, ta sẽ nhận được hơi ấm và tình yêu từ mọi người!

Đây là một câu chuyện rất bi thảm. Bạn sẽ làm gì nếu như bạn là người lái xe?/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên