Nhớ Mai Thúc Lân-Người cộng sản nặng tình quê hương

VOV.VN - Gần 3 năm gần gũi, tôi rất đỗi ngưỡng vọng ông Mai Thúc Lân - một người Cộng sản từ việc nước đến chuyện nhà.

Mới đó mà đã 49 ngày ông Mai Thúc Lân về cõi vĩnh hằng. Người thân, bạn bè cùng nhiều bà con quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng vẫn chưa thể tin ông đã theo ông bà tổ tiên. Tôi càng không muốn nghĩ ông đã ra đi.

Với tôi, sự ra đi của ông quá đột ngột. Vừa mới cuối Tháng Bảy năm nay thôi, tôi còn được ngồi ăn cơm với vợ chồng ông và con cháu của ông trong một quán ăn ở thành phố Đà Nẵng mà ông thích. Ông ăn uống rất giản dị, không cầu kỳ. Trưa hôm đó, ông ăn ngon miệng với những món đậm hương vị quê hương: canh chua cá lóc, tôm thịt rang, cá bống kho mặn… Giọng nói của ông vẫn vang vang, ánh mắt tràn đầy niềm vui. Thật không ngờ, đây là lần cuối cùng ông trở về thăm quê!

Trong cuộc đời làm báo, tôi may mắn có nhiều năm gắn bó với ông. Năm 1994, ông trở về quê nhà nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Vài tháng sau, tôi được Ban Biên tập Báo Quảng Nam – Đà Nẵng phân công đi đưa tin về các hoạt động của Bí thư Đảng bộ tỉnh.

Tác giả (trái) và Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân.

Gần 3 năm gần gũi bên ông, tôi rất đỗi ngưỡng vọng ông - một người cộng - sản - mẫu - mực từ việc nước đến chuyện nhà. Tính cách ông Mai Thúc Lân là dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và nặng tình quê hương. Ông không ngại nêu quan điểm khác với ý kiến những người có chức vụ cao hơn. Tính cách ấy rõ chất Quảng Nam: hay cãi, quyết liệt, ngang phè, ghét thói xu nịnh, giả dối, không theo đuôi ở chốn quan trường…

Ông là người liêm khiết, sống giản dị, thẳng thắn, chân tình, giàu lòng yêu thương. Tôi và nhiều người kính trọng ông điều ấy.

Còn nhớ năm 1996, tôi được ông cho phép đi đưa tin về hoạt động của Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng về dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII diễn tại Hà Nội từ ngày 28/6 đến ngày 01/7. Lúc đó, tôi đã nghe ông phát biểu thẳng thắn nhiều nội dung sâu sắc góp ý cho các Văn kiện trình Đại hội Đảng.

Bây giờ, đọc lại sổ tay phóng viên của mình, thấy những lời ông nói còn nóng hổi tính thời sự. Tối ngày 22/6/1996, khi thảo luận ở Đoàn, ông nói thẳng tưng: “Nhiều đồng chí cán bộ Trung ương có đơn thư tố cáo liên quan đến nhà đất, hối lộ, gửi tiền ra ngân hàng nước ngoài, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vẫn chưa được kết luận, cũng không ai bị xử lý đã làm xói mòn niềm tin trong nhân dân. Trung ương đã như vậy thì địa phương càng khó chống tham nhũng”. 20 năm trước, ông đã từng lên tiếng cảnh báo “tham nhũng đang đe dọa sự tồn vong của đất nước”. Sau này, khi về nghỉ hưu, ông vẫn luôn đau đáu nỗi lo và bảo rằng, cán bộ mình dạo này hư quá!!!. Ông thật sự lo lắng về nguy cơ mất chế độ nếu Đảng không sớm khắc phục những khuyết điểm,sai lầm.

Đi với ông, tôi học được nhiều điều hay lẽ phải, đặc biệt là những kinh nghiệm giải quyết công việc, xử lý tình huống. Ông thường nhắc chúng tôi giữ đạo làm người, sống chân thành, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Ông dặn tôi, làm báo cần phải có cái tâm trong sáng, viết đúng sự thật, đứng về phía nhân dân và bênh vực kẻ yếu. Có lẽ ông là người Bí thư Tỉnh ủy duy nhất cho phép một phóng viên trẻ như tôi ngày ấy được ngồi nghe và đưa tin về các cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trừ những cuộc họp bàn về nhân sự (sau này không có phóng viên nào được như thế).

Chú ý quan sát một cái nhíu mày, một chút trầm ngâm hay một lời nói gai góc của ông trước vấn đề nào đó cũng giúp tôi nghĩ ra một đề tài hay. Một lần đi tiếp xúc cử tri tại huyện Đại Lộc, nghe bà con phản đối tình trạng “cò chạy chính sách”, ông rất bất bình. Ông yêu cầu chính quyền địa phương kiểm tra, giải quyết ngay chuyện bất công này. Một tuần lễ sau, tôi trở lại làng quê ấy viết bài điều tra về nạn cò chính sách ở làng quê cách mạng. Không bao lâu sau, những tên cò bị tôi “điểm mặt” trong bài báo đã bị xử lý đúng người, đúng tội.

Chính ông đã tạo niềm tin cho những người làm báo mạnh dạn đấu tranh chống tiêu cực. Không ít lần chúng tôi viết bài phê phán, đụng chạm cán bộ chủ chốt của tỉnh. Có người phản ứng, viết như thế không có lợi cho địa phương. Ông hỏi lại, anh em báo chí viết như thế đúng hay sai? Nếu viết đúng thì mình tiếp thu sửa chữa. Còn viết sai thì tuỳ theo tính chất, mức độ mà xem xét, xử lý theo luật báo chí. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm sau khi ông tỏ rõ quan điểm ủng hộ của người lãnh đạo cao nhất địa phương. Cũng có người “khẩu chưa phục” nhưng đành lặng thinh…

Ông là mẫu người hành động, người của công việc. Tháng nào ông cũng dành thời gian lặn lội đến tận cơ sở, vùng khó khăn, miền núi để hiểu rõ cuộc sống người dân. Qua những chuyến đi như thế, ông càng thấy quê mình bà con còn nghèo khổ quá. Điều đó khiến ông day dứt, trăn trở. Nhớ mãi chuyến đi với ông về huyện miền núi Tiên Phước – quê hương cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Sau khi làm việc với lãnh đạo địa phương, ông đến thăm bà con xã Tiên Phong, nơi có nhiều người dân đang đói vì 2 vụ liên tiếp mất mùa. Ông ghé vào thăm gia đình một bà mẹ liệt sỹ gần 78 tuổi có con gái và rể đều hy sinh cho cách mạng để lại mình bà nuôi dạy năm đứa con dại. Hoàn cảnh gia đình cụ bà nghèo tả tơi, nhà cửa trống trơn. Ông lặng lẽ rút ví rồi lấy ra 100 ngàn đồng tặng mấy đứa trẻ. Anh em chúng tôi đi theo cũng góp vào một chút làm quà cho bọn nhỏ. Mắt ông nhòa lệ. Đã quá giờ ăn trưa mà không một ai thấy đói. Ông cùng chúng tôi ăn vội tô mỳ Quảng rồi tiếp tục làm việc.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)

Tôi khâm phục ông về tinh thần trách nhiệm và sức làm việc dẻo dai, không ngại gian khó. Khi Bộ Chính trị có chủ trương chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, tôi mạnh dạn hỏi: “Chú ở Đà Nẵng hay vào Quảng Nam?”. Ông nói ngay: “Tớ về Quảng Nam, còn cậu thế nào?”. Tôi liền thưa: “Cháu vào Quảng Nam với chú”. Ông cười vui vẻ. Vậy là từ lúc đó, cả ông lẫn tôi đều quyết định về với tỉnh mới bộn bề khó khăn, vất vả. Trong lúc Trung ương chưa phân công cụ thể ai đi, ai ở thì ông đã nhận lãnh trách nhiệm nặng nề. Năm đó, ông đã ngoài tuổi 60 chỉ cân nặng hơn 40kg mà vẫn sẵn sàng xông vào nơi gian khó.

Tính ông là thế. Đã nói là làm. Luôn nhận việc khó về phần mình, không toan tính thiệt hơn. Bây giờ, xin hỏi mấy ai làm được như ông?

Khi ông về làm Phó Chủ tịch Quốc hội rồi nghỉ hưu, tôi ít có dịp gần ông. Mỗi lần ra Hà Nội công tác, tôi đều ghé thăm ông, lại nói chuyện trên trời dưới đất. Đọc báo, nghe đài, xem ti vi biết tin quê nhà có chuyện dư luận quan tâm, ông gọi điện cho tôi hỏi rõ tình hình. Những ngày đầu Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển nước ta, ông gọi về hỏi chuyện ngư dân miền Trung đi biển có nguy hiểm không? Ông nhắc tôi, hãy cảnh giác với những người tưởng chừng là bạn. Khi trên mạng xôn xao về sức khoẻ ông Nguyễn Bá Thanh, ông cũng gọi điện hỏi thực hư ra sao?.v.v... Những chuyện ấm lạnh buồn vui ở quê nhà, ông luôn quan tâm lo nghĩ.

Từ lâu, ông đã xem tôi như con cháu trong nhà. Trong cuốn “Hồi ký Mai Thúc Lân: Chuyện đời, ấm lạnh - buồn vui”, ông kể: “Những đợt nhà tôi về Hà Nội hoặc đi thành phố Hồ Chí Minh thăm con cháu, để đỡ trống vắng, Phan Van Kha (Thư ký ông Mai Thúc Lân- NV) thường rủ Phạm Tấn Tư, phóng viên Báo Quảng Nam – Đà Nẵng vào ngủ ở cơ quan với tôi, cùng xem ti vi và nói chuyện trên trời dưới đất”.

Gần gũi ông, tôi càng hiểu tấm lòng của một người nặng tình quê hương. Ngày đầu nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, ông đã tranh thủ về quê thăm bà con, họ hàng và đi viếng mộ, thắp hương ông bà ở nghĩa trang Điện Dương, huyện Điện Bàn. Lần cuối cùng về quê, ông cũng đưa vợ và con cháu đến thắp hương ở nhà thờ tộc rồi đi viếng mộ ông bà. Những ngày cuối đời, nằm trên giường bệnh ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ông dặn dò người em họ Mai Quý Trung giúp sửa sang, tôn tạo lại mộ ông cố của mình…

Sống xa quê nhưng lòng ông luôn nặng tình, nặng nghĩa với mảnh đất mà ông cùng các anh em mình đã chôn nhau cắt rốn.

Tự đáy lòng mình, tôi luôn trân quý và biết ơn ông đã thương yêu, dìu dắt tôi trưởng thành. Những dòng này như một lời tri ân bày tỏ tấm lòng thành kính tưởng nhớ ông.

Cầu mong ông thanh thản, yên giấc ngàn thu!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Công Phượng và Báo chí
Công Phượng và Báo chí

VOV.VN - Chuyện Công Phượng ầm ĩ thời gian gần đây như giọt nước tràn ly và buộc mỗi người phải nghiêm túc xem lại cách làm báo ở ta.

Công Phượng và Báo chí

Công Phượng và Báo chí

VOV.VN - Chuyện Công Phượng ầm ĩ thời gian gần đây như giọt nước tràn ly và buộc mỗi người phải nghiêm túc xem lại cách làm báo ở ta.

Nhà giáo Đình Cao
Nhà giáo Đình Cao

VOV.VN - Chẳng học hàm học vị gì ghê gớm, nhưng chương trình có nhà giáo Đình Cao tham gia là thương hiệu của VOV2 và được nhiều thính giả yêu thích.

Nhà giáo Đình Cao

Nhà giáo Đình Cao

VOV.VN - Chẳng học hàm học vị gì ghê gớm, nhưng chương trình có nhà giáo Đình Cao tham gia là thương hiệu của VOV2 và được nhiều thính giả yêu thích.

Nhớ ngày “Hiến cam các nhà giáo”!
Nhớ ngày “Hiến cam các nhà giáo”!

VOV.VN - Dù xã hội thay đổi nhưng thiết nghĩ, việc tặng quà thầy cô cũng rất bình thường, tự nhiên nếu nó xuất phát từ tình cảm tri ân thực sự.

Nhớ ngày “Hiến cam các nhà giáo”!

Nhớ ngày “Hiến cam các nhà giáo”!

VOV.VN - Dù xã hội thay đổi nhưng thiết nghĩ, việc tặng quà thầy cô cũng rất bình thường, tự nhiên nếu nó xuất phát từ tình cảm tri ân thực sự.

Cô ơi, em nhớ cô
Cô ơi, em nhớ cô

VOV.VN - Nhà cô giáo lúc ấy đúng là thiên đường, đầy ắp niềm vui và tiếng cười. Quây quần bên cô, chúng tôi tìm thấy hơi ấm của một người mẹ.

Cô ơi, em nhớ cô

Cô ơi, em nhớ cô

VOV.VN - Nhà cô giáo lúc ấy đúng là thiên đường, đầy ắp niềm vui và tiếng cười. Quây quần bên cô, chúng tôi tìm thấy hơi ấm của một người mẹ.