Nhớ Tết quê ngoại cùng khu vườn cổ tích

VOV.VN - Cứ mỗi dịp Tết, tôi lại về quê ngoại thăm “vườn cổ tích”, tìm bóng dáng bà ngoại và cả hình bóng cậu bé con ngày xưa ấy...

Năm nào cũng vậy, cứ áp tết, dù bận rộn đến mấy, tôi đều cố thu xếp thời gian về quê ngoại biếu tết. Trước là dâng lễ vật lên bàn thờ tổ tiên bên ngoại, thứ là thăm hỏi cậu út, người đang trông coi ngôi từ đường dòng họ Cao bên ngoại. Có một điều tự sâu thẳm trong lòng, ấy là tôi thăm lại "vườn cổ tích", tìm bóng dáng bà ngoại và cả hình bóng cậu bé con ngày xưa, ấy là tôi...

Vâng, "vườn cổ tích" là thửa đất vườn rộng 5 sào Bắc bộ, với ao chuôm vườn tược rợp bóng cây xoan, ổi, bưởi, hồng, na, táo, khế, chuối, dong giềng, lá dong... Ở giữa ngôi vườn rợp bóng cây ấy là ngôi nhà ngói cổ, cửa bức bàn, hiên rộng có dại tre. Cùng đó là mảnh sân lát gạch Bát Tràng rộng, bể nước nửa chìm nửa nổi, giếng khơi, dàn trầu không xanh tốt dưới bóng hàng cau cao vút. Rồi nữa, những cây hoa cảnh như tường vi, ngâu, lựu, trạng nguyên, vạn tuế... Mùa nào thức ấy, đủ để ngày ngày bà ngoại hái mang thắp hương trên bàn thờ tổ tiên...

Hình minh họa

Chủ nhân "vườn cổ tích" ấy là bà ngoại. Về làm dâu từ năm 18 tuổi, bà ngoại là dâu trưởng cùa dòng họ Cao thôn Un Xá. Sau mười lăm lần sinh nở, con cái nuôi đến trưởng thành còn 9 người. Khi ở độ tuổi ba mươi, sau một cơn bệnh thiên đầu thống, bà ngoại bị lòa hai mắt. Mắt lòa, bà ngoại vẫn sòn sòn năm một, ba năm đôi... Mẹ tôi là thứ hai, nhưng con gái lại là lớn nhất. Mẹ thừa hưởng nét đẹp, nết đảm đang, tần tảo, hiền dịu nơi bà ngoại. Những năm gia đình tôi còn ở Hà Nội, hàng năm, chỉ vào dịp nghỉ hè, mấy chị em chúng tôi mới được về thăm quê ngoại. Sau này, khi về hẳn quê sinh sống, chúng tôi hay được sang bên ngoại hơn. Nhưng thú vị, đáng nhớ nhất, vẫn là Tết quê ngoại.

Năm nào cũng vậy, sau lễ cúng đầu năm tại gia và thăm hỏi chúc Tết hàng xóm láng giềng, thân tôi bên nội, chiều mồng một Tết, năm thì bố, năm thì mẹ cho tôi về bên ngoại. Hai quê cùng huyện, khác xã, tuy liền nhau nhưng phải băng qua mấy cánh đồng rộng nên chặng đường xa chừng sáu, bảy cây số. Cứ men theo đường, theo bờ sông, rồi tắt ngang cánh đồng mà đi. Ấn tượng giờ tôi vẫn nhớ là cánh đồng trống không sau gặt, được cày ải rồi ngả nước, lồng lộng gió bấc giá rét, là ngôi quán cổ thâm u dưới bóng đa buông đầy rế dầy vẻ ma quái, những bãi tha ma làng nhấp nhô mộ cổ lẫn trong đám dứa dại um tùm. Nhớ là, khi ngang qua, tôi sợ rúm người, líu ríu nép vào bố, mẹ. Khi rặng tre làng ngoại hiện ra thì niềm vui khôn tả dâng ngợp lòng tôi, khiến tôi bứt ra chạy lên phía trước tung tăng tỏ vẻ thạo đường.

Chiều mồng một Tết, năm nào cũng có bác trưởng, cậu thứ ở Hà Nội về Tết sớm. Vì theo lệ, ngày mồng hai Tết, các con cháu dâu rể mới tề tựu về chúc Tết bà ngoại tôi. Tôi và vài đứa em con dì con cậu chơi với nhau, tha thẩn tầm quả trong vườn, lẩn thẩn tìm trong đám sắc pháo tươi hồng vương vãi xem quả pháo lẻ nào còn sót mang ra đốt đì đẹt. Đêm ấy, nhà chật người ngủ. Bà ngoại, bố (hoặc mẹ) và mấy bác, cậu, dì trò chuyện thâu đêm. Tôi cuộn mình trong chăn ấm, nghe lỏm chuyện người lớn rồi thiếp đi trong giấc mơ đẹp, để sáng sớm mồng hai, bà ngoại tôi hô hào mọi người dậy để làm cỗ...

Trưa mồng hai, ăn cỗ đến mấy chục người. Riêng đám trẻ con được bà ngoại tôi gọi từng đứa một, bà xoa đầu sờ nắn xem chúng tôi lớn hơn năm trước bao nhiêu, mừng tuổi mỗi đứa vài hào... Đôi mắt lòa của bà nhòa lệ vì vui... Chiều mồng hai, rời quê ngoài về nhà, tôi cắm cúi đi nhưng chốc chốc ngoái đầu nhìn lại quê ngoại cứ xa dần, và lòng đã ước ao chờ Tết năm sau...

Sau này, cậu út vẫn giữ nếp họp mặt anh chị em, con cháu vào mồng hai Tết. Có năm đông, người về hơn cả trăm người, ăn hơn chục mâm cỗ tết. Đông vui bao nhiêu, lại ôn lại chuyện xưa bấy nhiêu. Với tôi, thắp hương khấn các cụ bên ngoại, tôi đều khấn riêng bà ngoại và dường như đâu đấy vẫn thấp thoáng bóng bà...

Bà ngoại ơi, vị chủ nhân của "vườn cổ tích" của đám con cháu chúng tôi, của riêng tôi !... Nhớ bà, trong bài thơ “Về quê ngoại” đầu năm, tôi đã viết:

"Nhớ lời mồng một tết cha

Mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy

Hôm nay cháu trở về đây

Lạc trong vườn ngoại xanh dầy mưa xuân

Mỗi cây mỗi bước tần ngần

Tuổi thơ trèo hái như gần như xa

Trước sân cây mộc trổ hoa

Dàn trầu không cỗi như là ngày xưa,

Mảnh sân gạch cũ sớm trưa

Gậy tre lọc cọc bà vừa ngang qua

Vẳng nghe đâu đó tiếng bà,

Nhắc cháu chăm học giờ xa lắm rồi,

...

Cháu giờ tóc mỗi bạc thêm

Trở ra trời đã nhẹ êm bước chiều".../.

Giáp Tết về quê, ứa nước mắt

VOV.VN - Lửa đống rấm âm ỉ cháy, khói thơm nồng quấn quýt như một dải mây trầm mãi không thoát lên cao được, ôm choàng lấy xóm làng. Người đi mà mắt cay cay...


Tết và thôi thúc trở về

VOV.VN -Dẫu sao thì tôi cũng đã trở về. Trở về để lắng lại. Trở về để nhìn rõ mình hơn. Trở về để thêm yêu mảnh đất quê hương.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngược nắng mong manh
Ngược nắng mong manh

VOV.VN -Những ngày cuối năm, tác phẩm "Người đàn bà ngược nắng" của nhạc sỹ Trần Nhật Dương đã vang lên và ở lại với bè bạn và giới yêu nhạc.

Ngược nắng mong manh

Ngược nắng mong manh

VOV.VN -Những ngày cuối năm, tác phẩm "Người đàn bà ngược nắng" của nhạc sỹ Trần Nhật Dương đã vang lên và ở lại với bè bạn và giới yêu nhạc.

Tết và thôi thúc trở về
Tết và thôi thúc trở về

VOV.VN -Dẫu sao thì tôi cũng đã trở về. Trở về để lắng lại. Trở về để nhìn rõ mình hơn. Trở về để thêm yêu mảnh đất quê hương.

Tết và thôi thúc trở về

Tết và thôi thúc trở về

VOV.VN -Dẫu sao thì tôi cũng đã trở về. Trở về để lắng lại. Trở về để nhìn rõ mình hơn. Trở về để thêm yêu mảnh đất quê hương.

Hương mùi của mẹ
Hương mùi của mẹ

VOV.VN -Bao nhiêu năm vẫn vậy. Trong rất nhiều công đoạn chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, mẹ không quên nồi nước lá mùi già.  

Hương mùi của mẹ

Hương mùi của mẹ

VOV.VN -Bao nhiêu năm vẫn vậy. Trong rất nhiều công đoạn chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, mẹ không quên nồi nước lá mùi già.