Trần Đăng Khoa: Cần mạnh tay chấm dứt nạn cướp giật, chèo kéo du khách

VOV.VN -Để chấm dứt vấn nạn này, cùng với những giải pháp được TPHCM đề xuất, cần nghiêm trị những kẻ làm nhục quốc thể, nhất là đối với khách quốc tế.

Mấy ngày rồi, qua các kênh truyền thông, chúng ta thật sự xấu hổ vì nạn chặt chém, cướp giật của những kẻ mất hết tính người đối với khách du lịch. Chuyện này đã “cũ như trái đất”, bởi nó vẫn diễn ra hàng ngày. Đối với người Việt chúng ta còn khả dĩ, vì chúng ta đã quen với trò mạt hạng này, quen đến thành trơ lỳ, vô cảm, nhưng với khách quốc tế thì thật đáng xấu hổ.

Muốn đất nước Việt Nam thành một địa chỉ tin cậy, nồng ấm của khách quốc tế mà đối xử tàn bạo, rừng rú như thế thì liệu người ta có còn muốn đến lần thứ hai với chúng ta nữa không?

Cô Sheri vừa tới Hà Nội. Cô đi tầu từ Huế. Tầu chạy quá chậm giờ, lại không còn ghế nằm, nên cô rất mệt mỏi. Xuống sân ga, nhiều tài xế taxi tới chào mời cô. Có người hộ tống cô ra tận xe đang mở cửa sẵn, đưa hành lý của cô lên xe. Một người đàn ông khác ngồi chung xe với cô, còn một người thì cầm lái. Lẽ ra cô phải từ chối, lao ra khỏi xe ngay, nhưng lại nghi ngại.

Xe vừa qua góc phố, giá tính cước của xe đã nhảy từ 6000 đồng đến 20.000 đồng. Sheri biết điều đó, nhưng cô vẫn không xuống xe. Đường trên bản đồ cô mang theo chỉ thấy có một đoạn ngắn tới khách sạn cô đặt, nhưng xe chạy loanh quanh. Cô tưởng lái xe không biết đường.

Đến khách sạn, cô phải trả 220.000 đồng, cô biết mình bị lừa. Không có tiền lẻ, cô đưa tờ 500.000 đồng cho tài xế, người đàn ông đó ra khỏi xe và đi mất. Cô nghĩ anh ta tìm chỗ đổi tiền. Người lái xe trở lại, đưa cho cô một bao thuốc lá kèm tờ 20.000 đồng.

Sheri nổi khùng và bắt đầu to tiếng với người lái taxi. Anh ta giận dữ ném đồ đạc của cô xuống lề đường. Nữ du khách giằng co với người tài xế nhằm đòi lại tiền. Người qua đường nhìn họ, nhưng không ai làm gì để ngăn cản.
Sau trải nghiệm không mấy dễ chịu đó, Sheri không còn cảm tình với Hà Nội nữa mặc dù cô chỉ mất hơn 20 USD. Cô vẫn tự nhủ mình còn may mắn vì hành lý bị lái xe quăng xuống đường, nhưng không bị mất gì cả. Đối với cô, đó là chuyến đi đầu tiên và có lẽ cũng là chuyến đi cuối cùng. 

Ảnh minh họa

Tệ hại hơn, ở thành phố Hồ Chí Minh, nữ du khách người Ai Cập Alaa Mohammad Abdu Ali Aldoh đang đứng xem bản đồ trên đường Lương Hữu Khánh, thì bất ngờ bị hai thanh niên chạy xe máy áp sát, giật túi xách rồi tháo chạy.

Hoảng loạn, cô gái ngất lịm, được mọi người đưa vào lề đường. Lúc tỉnh lại, nạn nhân khóc nức nở vì toàn bộ giấy tờ, hộ chiếu, thẻ ngân hàng... đã mất cùng chiếc túi. Vụ việc đã được trình báo với Công an.

Chiều 16/3 vừa rồi, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cùng công an, chính quyền phường Phạm Ngũ Lão, nơi cô bị cướp giật, đã trực tiếp xin lỗi nữ du khách và sắp xếp chỗ ở cho cô tại một khách sạn. Đó là một ứng xử rất kịp thời của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. 

Việc làm này gợi ta nhớ đến ông Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, khi ông thay mặt Tổng cục Du lịch xin đến xin lỗi một du khách nước ngoài, người Australia, vì một anh lái xích lô đã nâng giá xích lô cao hơn giá quy định nhiều lần. Hành động man rợ đó đã vấy bẩn Thủ đô Hà Nội và bôi nhọ du lịch Hà Nội và du lịch Việt Nam.

Cùng với lời xin lỗi chân thành, ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã giải quyết ngay hậu quả sai sót: Hoàn trả bà Schultz Ilona Jane số tiền bị người đạp xích lô “cướp giật” và tặng bà món quà lưu niệm của ngành du lịch Việt Nam.

Ông hứa sẽ xử lý nghiêm sự vụ và hy vọng việc làm không đẹp của người lái xe xích lô không làm mất đi vẻ đẹp của Việt Nam trong mắt bà Schultz Ilona Jane.

Việc làm rất bình dị của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã thành một vẻ đẹp gây xôn xao trong đời sống xã hội, vì trước ông, hầu như chúng ta không có văn hóa xin lỗi.

Bao nhiêu người từng bị oan khiên, thậm chí có người hóa thân tàn ma dại vì một việc làm vô trách nhiệm của một người hay một nhóm người, mà khi được minh oan, dù chỉ là chiếu lệ, nhưng người bị hại cũng không bao giờ được nhận một lời xin lỗi, dù chỉ là hình thức có tính xã giao.

Cũng chính vì thế, có người lại gợi ý ngành du lịch “nên thành lập một đơn vị chuyên trách xin lỗi”, hay cao hơn thế, “Bộ Văn hóa cần phải có ngay một Ủy ban Xin lỗi” thì lại thành chuyện “quá mù ra mưa” rồi! Sẽ ra sao nếu đất nước lại có cả một Ủy ban xin lỗi! Thật là một sáng kiến rùng rợn! Bởi xin lỗi không phải câu nói chớt qua đầu lưỡi, mà là lời sám hối, rất cần đến sự thành tâm.

Ai có lỗi, hay ngành nào có lỗi thì phải tự tìm đến người bị hại mà xin lỗi. Và cùng với lời xin lỗi là một việc làm cụ thể nhằm giải quyết hậu quả mà mình đã gây ra. Nếu có cơ quan xin lỗi chuyên trách, thì lỗi không thuyên giảm mà sẽ càng gia tăng gấp bội. Bởi kẻ gây ác lại rũ được trách nhiệm, nên cứ làm bừa, làm ẩu, vì đã có người khác giải quyết hậu quả. Và kẻ “giải quyết hậu quả” cũng chỉ làm chiếu lệ, làm mang tính hình thức, vì đó cũng không phải lỗi của mình.

Và vì thế, một việc làm tưởng như có trách nhiệm mà lại hóa vô trách nhiệm. 

Có một sự thật cay đắng: Dù ngành Du lịch của chúng ta có đang gồng mình giữ gìn và xây đắp vẻ đẹp du lịch Việt Nam, thì du lịch của chúng ta cũng vẫn đang xuống cấp trầm trọng, vì cách phục vụ và dịch vụ du lịch luôn thiếu tính chuyên nghiệp, đã thế lại quấy quá, tạm bợ và mông muội.

Không có cách nào đuổi khách du lịch hiệu quả bằng trò mè nheo, ăn cắp và “chặt chém”. Trò mọi rợ này đã diễn ra ở khắp mọi nơi, từ Hà Nội, Huế, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh thành và cả những vùng sâu vùng xa heo hút nhất. Cứ “chặt” được là “chặt”. “Chém” được là “chém”.

Bất kể đối tượng nào. Dù ta hay Tây. Từ nâng giá xích lô, xe ôm, taxi, từ gian lận tính cước rất tinh xảo qua đồng hồ điều khiển từ xa bằng điện thoại di động, đến móc túi, cướp giật trắng trợn, rồi nâng giá món ăn, bắt chẹt cả chỗ ngồi. Không đâu như ở ta. Đến cả cái ghế ngồi trong nhà hàng hay trên bãi biển cũng phải trả tiền. Mà trả với cái giá cắt cổ. Đó là những trò mọi rợ bức tử ngành du lịch một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Khi bị phát giác, cách làm phổ biến là xin lỗi du khách rồi hoàn lại tiền. Việc làm đó có thể chấp nhận được nhưng chưa đủ. Để chấm dứt vĩnh viễn những trò nhiễu nhương này, cần phải có một giải pháp mạnh. Đó là phạt thật nặng những kẻ phá hoại ngành du lịch và làm nhục quốc thể, nhất là những hành xử mọi rợ đối với khách quốc tế.

Không phải chỉ sa thải, cắt giấy phép hoạt động, mà cùng hình thức đó, còn phải phạt tiền, không phải phạt gấp mười, mà hàng trăm lần, ngàn lần, hoặc hơn thế nữa, nếu việc làm đó để lại một hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của ngành du lịch hay danh dự của quốc gia.

Ở rất nhiều nơi, công tác du lịch người ta làm rất tốt. Ai đã một lần ghé qua, đều muốn được trở lại, không phải chỉ chiêm ngưỡng những cảnh quan, danh thắng, mà còn muốn được gặp lại những con người xởi lởi, chu đáo, lịch sự và tận tình.

Không phải chỉ ở các nước có tiềm năng du lịch lớn, ở ngay bên cạnh ta như Trung Quốc, hay Thái Lan, ở đó, ngoài danh lam thắng cảnh phong phú, kỳ vĩ, mỗi người dân bình thường của họ cũng đều có thể là những hướng dẫn viên du lịch, mà ngay trên đất nước ta cũng có miền đất du lịch trong lành như Đà Nẵng, Hội An…

Ở đó không có nạn móc túi, cướp giật, không có người ăn xin, kẻ lừa đảo. Không có cảnh chặt chém. Khách ta cũng như Tây. Tất cả đều một giá và được chỉ dẫn phục vụ rất tận tình, chu đáo. Tại sao người ta làm được mà mình lại không làm được? Lỗi do đâu?

Qua kênh truyền thông, chúng ta biết riêng năm 2015, Sở Du lịch TPHCM nhận được công hàm từ đại diện các nước Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại thành phố, phản ánh tình trạng công dân của họ bị cướp giật, mất hộ chiếu, tài sản...

Trước tình trạng ấy, UBND TP HCM kiến nghị Trung ương cho phép thí điểm lập lực lượng Cảnh sát du lịch để xử lý hiệu quả các vấn đề an ninh, an toàn cho du khách. Trong thời gian chờ được chấp thuận, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị Sở Du lịch nghiên cứu đề xuất thành lập lực lượng hỗ trợ, bảo vệ du khách trên cơ sở lực lượng trật tự viên du lịch, để hạn chế tối đa những hiện tượng không đẹp mà chúng ta đã nói ở trên.

Đó là việc làm hay. Chúng ta mong thành phố HCM làm thí điểm rồi nhân rộng ra cả nước. Nhưng để chấm dứt vấn nạn này, cùng với những giải pháp mà TPHCM đề xuất, cần phải nghiêm trị những kẻ làm nhục quốc thể, nhất là đối với khách quốc tế.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trần Đăng Khoa: Làng và phố - một vẻ đẹp nhập nhằng
Trần Đăng Khoa: Làng và phố - một vẻ đẹp nhập nhằng

VOV.VN -Ngay cái tên đã nhập nhằng rồi. Làng phố. Làng là làng. Mà phố là phố. Làng ở thôn quê. Còn phố nơi phồn hoa đô thị...

Trần Đăng Khoa: Làng và phố - một vẻ đẹp nhập nhằng

Trần Đăng Khoa: Làng và phố - một vẻ đẹp nhập nhằng

VOV.VN -Ngay cái tên đã nhập nhằng rồi. Làng phố. Làng là làng. Mà phố là phố. Làng ở thôn quê. Còn phố nơi phồn hoa đô thị...

Trần Đăng Khoa: Xem “Người trở về” nghĩ về điện ảnh Việt Nam
Trần Đăng Khoa: Xem “Người trở về” nghĩ về điện ảnh Việt Nam

VOV.VN -Đây là bộ phim hay nhất về chiến tranh mà tôi được xem trong mươi năm trở lại đây. Sự thành công của "Người trở về" cho ta niềm hy vọng. Hình như Điện ảnh của ta đã qua thời “bĩ cực”?

Trần Đăng Khoa: Xem “Người trở về” nghĩ về điện ảnh Việt Nam

Trần Đăng Khoa: Xem “Người trở về” nghĩ về điện ảnh Việt Nam

VOV.VN -Đây là bộ phim hay nhất về chiến tranh mà tôi được xem trong mươi năm trở lại đây. Sự thành công của "Người trở về" cho ta niềm hy vọng. Hình như Điện ảnh của ta đã qua thời “bĩ cực”?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Vì sao "chảy máu" nhân tài?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Vì sao "chảy máu" nhân tài?

VOV.VN -Muốn đất nước phát triển, phải trông vào các tài năng và những người thật sự có năng lực. Tạo môi trường minh bạch, trong sạch để thu hút nhân tài.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Vì sao "chảy máu" nhân tài?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Vì sao "chảy máu" nhân tài?

VOV.VN -Muốn đất nước phát triển, phải trông vào các tài năng và những người thật sự có năng lực. Tạo môi trường minh bạch, trong sạch để thu hút nhân tài.

Bộ trưởng dùng xe riêng hoặc xe buýt đi làm, có sao đâu?
Bộ trưởng dùng xe riêng hoặc xe buýt đi làm, có sao đâu?

VOV.VN - Ở các nước tiên tiến, các Bộ trưởng, thậm chí đến cả Thủ tướng cũng tự lái xe riêng đi làm hoặc đi xe buýt chứ không sử dụng hoặc trang bị xe công.

Bộ trưởng dùng xe riêng hoặc xe buýt đi làm, có sao đâu?

Bộ trưởng dùng xe riêng hoặc xe buýt đi làm, có sao đâu?

VOV.VN - Ở các nước tiên tiến, các Bộ trưởng, thậm chí đến cả Thủ tướng cũng tự lái xe riêng đi làm hoặc đi xe buýt chứ không sử dụng hoặc trang bị xe công.

Trần Đăng Khoa: Điều kỳ diệu của Facebook và những hệ lụy
Trần Đăng Khoa: Điều kỳ diệu của Facebook và những hệ lụy

VOV.VN -Từ ngày có Facebook, cả thế giới rộng lớn như trong lòng bàn tay. Có người bảo Facebook là một thế giới "cổ tích giữa đời thường", nhưng bên cạnh đó, xứ sở kỳ diệu ấy cũng bụi bặm lắm...

Trần Đăng Khoa: Điều kỳ diệu của Facebook và những hệ lụy

Trần Đăng Khoa: Điều kỳ diệu của Facebook và những hệ lụy

VOV.VN -Từ ngày có Facebook, cả thế giới rộng lớn như trong lòng bàn tay. Có người bảo Facebook là một thế giới "cổ tích giữa đời thường", nhưng bên cạnh đó, xứ sở kỳ diệu ấy cũng bụi bặm lắm...