Trần Đăng Khoa: Không thể đo vẻ đẹp mới bằng thước cũ

Ngay cả cái mới cũng luôn biến động từng ngày. Nếu không cập nhật thường xuyên, mình sẽ thành kẻ tụt hậu

Lâu lắm rồi, tôi mới được gặp lại người bạn thuở chăn trâu cắt cỏ. Chúng tôi học cùng nhau suốt mười năm phổ thông. Rồi cùng “xếp bút nghiên theo việc đao cung” trong đợt Tổng động viên nhập ngũ hồi tháng 2/1975. Sau chiến tranh, tôi tiếp tục theo học ngành văn chương báo chí. Còn anh về làng “gõ đầu trẻ”. Gia đình anh bốn đời làm giáo viên. Mấy hôm rồi, anh đưa cậu con út về Hà Nội thi Đại học. Rồi anh tạt vào tôi.

- Tớ định bổ đến cậu lâu rồi, từ khi đọc mấy bài viết của cậu bàn về Giáo dục trên báo VOV. Công nhận tờ báo hay. Đa dạng. Phong phú. Hấp dẫn. Có nhiều chuyện để đọc. Nhiều điều để suy ngẫm. Đúng là tờ báo của mọi nhà. Nhưng mấy bài của cậu bàn về Giáo dục thì lại nảy sinh rất nhiều chuyện cần phải bàn tiếp.

Trần Đăng Khoa: Có ai đem cái Giấy chứng nhận Tốt nghiệp Phổ thông đi xin việc đâu? (Ảnh minh hoạ)

- Thế thì chúng ta cùng bàn tiếp nhé. Một sự việc có thể nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Như thế mới vui chứ. Biết đâu có khi đó lại là những gợi ý để các vị quản lý, các nhà hoạch định chính sách tham khảo.

- Cậu vẫn hồn nhiên thật đấy. Già rồi mà vẫn ngây thơ. Cậu bảo, chỉ nên dồn tâm lực cho kỳ thi Đại học. Còn thi phổ thông, thì nên bỏ chứ gì?

- Đúng vậy. Nên bỏ. Vì nó chỉ là kiến thức sơ đẳng. Có ai đem cái Giấy chứng nhận Tốt nghiệp Phổ thông đi xin việc đâu. Thế thì có gì mà phải thi cử nghiêm trọng đến thế. Công an gác vòng trong vòng ngoài. Rồi Hội đồng nọ, Hội đồng kia coi thi, chấm thi. Kinh quá. Không phải chỉ các cháu học sinh, mà đến cả các bậc phụ huynh, bố mẹ các cháu cũng thấy bức bối, căng thẳng.

Mà nghiêm trọng hóa cái việc cỏn con đơn giản ấy để làm gì, trong khi chương trình chỉ là những kiến thức phổ cập đại trà, chỉ có tính xóa mù ở nấc sơ đẳng. Thay cho việc thi ấy, chỉ cần làm các bài kiểm tra, như kiểm tra cuối học kỳ hay kiểm tra hết năm học, rồi cho các cháu “tốt nghiệp”, để chúng đi đào than, đi cuốc đất, khoan giếng, cày bừa, cửu vạn, hay đi làm các việc “phu phen” khác. Cháu nào có tài thật sự thì học tiếp lên Đại học. Đại học là bậc đào tạo cán bộ, đào tạo tài năng cho đất nước. Nên  phải chọn rất nghiêm.

Đề thi vào Đại học có thể vẫn bám sát những kiến thức Phổ thông. Nhưng đề thi tốt nghiệp ra trường lại cần đề cập đến những vấn đề có tính vĩ mô. Có thể có thêm cả những đề phụ, ví như giải pháp đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo. Giải pháp chống tham nhũng, chống ùn tắc giao thông. Rồi giải quyết tranh chấp Biển Đông. Những vấn đề biển đảo… Biết đâu, ta sẽ phát hiện được nhiều tài năng, có thể đào tạo tiếp để trao những trọng trách lớn…

- Cậu đúng là một người mơ mộng. Ngày xưa, Vua chọn hiền tài qua các kỳ thi. Vua trực tiếp ra đề. Đề thi đều đề cập đến những vấn đề vĩ mô mang tầm quốc gia cả. Nhưng bây giờ làm gì có Vua. Chúng ta chọn, đề bạt cán bộ cũng theo tiêu chí khác, với cách làm khác. Thế thì quan tâm đến những chuyện xa vời ấy làm gì. Tớ chỉ muốn bàn về mấy chuyện cậu đã bàn trong mấy kỳ báo trước.

Nếu bỏ thi phổ thông thì học sinh nó sẽ không học đâu. Thầy quát thế nào chúng cũng không học. Đã học là phải thi chứ. Sở dĩ mấy năm gần đây, học sinh rất kém môn sử, hàng ngàn em bị điểm không môn sử, thành nỗi nhức nhối của toàn xã hội, cũng vì chúng ta ứng xử với bộ môn lịch sử đấy. Sử chỉ là môn học phụ, có năm thi, năm không. Tại sao không đưa môn sử vào chương trình thi chính như một môn thi bắt buộc? Bác Hồ bảo: “Dân ta phải biết sử ta”. Thế mà bây giờ, hỏi đến sử Việt, không ít  học sinh Việt lại chẳng biết gì.

Đau đớn nhất là cuộc gặp gỡ quốc tế vừa rồi, một cuộc gặp mặt dành cho những  sinh viên tiêu biểu được chọn lựa, khi bạn bè nước ngoài hỏi về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta, sinh viên ta lại ú ớ, chẳng nắm được gì cả, trong khi cậu sinh viên ở một nước láng giềng thì lại thuyết trình vanh vách, dù Trường Sa, Hoàng Sa đâu có phải là đất đai, lãnh thổ của họ (?). Đau thế chứ!

Có phải lỗi của các em không? Không! Lỗi tại cách giáo dục của chúng ta đấy. Chúng ta bắt các em phải học rất nhiều. Mà học toàn những chuyện đâu đâu. Học chẳng để làm gì. Trong khi có những việc rất thiết thân thì lại không biết. Nhiều em tốt nghiệp Đại học rồi vẫn chẳng hiểu gì về Luật Giao thông. Lẽ ra, những kiến thức về giao thông, các em phải nắm vững ngay từ khi mới bước chân đến bậc tiểu học. Rồi cả Luật Hình sự nữa, các em cũng cần phải biết chứ.

Tất nhiên, tôi không ấu trĩ muốn đưa Bộ luật Hình sự vào học ở trường phổ thông. Nhưng có những kiến thức cơ bản của Luật Hình sự, có thế biến thành những chuyện bình dị, để đưa vào chương trình học, giúp các em dễ dàng nắm bắt. Nếu các em biết đánh bạn, hay giết người là tội ác man rợ, phải chịu những hình phạt nặng như thế nào thì tôi tin các em sẽ không dám đâm chết cô giáo trên bục giảng, giết bạn thân để cướp xe đạp hay chém chết bà chủ quán chỉ để trốn nợ… một que kem.

Nhiều em hành động một cách hồn nhiên mà không biết mình đang phạm phải những tội ác tày đình. Đấy là lỗi tại chúng ta đấy chứ. Những năm gần đây, nhắc đến thi cử là lại nhức nhối chuyện phao thi. Vụ Đồi ngô Bắc Giang là một bài học cay đắng. Có thể khắc phục được không? Hoàn toàn có thể khắc phục được.

- Khắc phục bằng cách nào?

- Bằng cách ra đề. Rất giản đơn thôi. Tại sao thầy giáo giảng bài được phép mở sách, mở giáo án mà lại bắt học sinh cứ phải úp sách để trả lời. Bản chất của sách in ra là để mở chứ có phải để úp đâu? Vậy thì phải ra một đề thi có thể vô hiệu hóa tất cả mọi phao thi và tài liệu. Có thể cho phép các em được mang tất cả mọi tài liệu vào phòng thi. Điều này, Bộ Giáo dục chưa chỉ đạo, nhưng nhiều tỉnh, nhiều cơ sở đã “xé rào”, tìm lối thoát cơn bĩ cực của ngành Giáo dục.

Ví như đề thi môn ngữ văn vào lớp 10 chuyên Trường Trung học phổ thông tại Hà Nội vừa rồi. Đề thi khá hay, bàn về giá trị sống, tình yêu thương đồng loại – không phải trích từ sách khoa khoa mà là chọn từ tủ sách “Quà tặng cuộc sống” của báo Tuổi trẻ. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, đó là những chuyển biến tích cực, thật đáng mừng!

Bắt đầu có những cuộc phá lệ, “vượt rào” mạnh dạn và thông minh hơn, dám từ bỏ lối ra đề máy móc, giáo điều cũ. Những đề thi không có chỗ cho mấy anh học vẹt hay quay cóp, không chỉ là nơi để các em trả bài mà còn là một dịp giúp các em trải nghiệm. Với những đề thi như vậy, chúng ta khỏi lo thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, khỏi lo tái diễn chuyện “Đồi Ngô”, vì lấy đâu ra đáp án chung cho những đề thi tự luận?  

Mình đồng ý với cậu, trong công cuộc đổi mới giáo dục, cần tránh việc “đọc – chép” . Thày cô không nên biến học sinh thành những con vẹt, lặp lại những gì mình đã nói trên bục giảng. Việc nhớ máy móc các số liệu có cần thiết không, khi bây giờ trong thời đại phát triển công nghệ, nhiều số liệu đã có máy móc nó nhớ hộ cho rồi.

Mình rất tâm đắc với ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc, “đúng là không nên và không thể trông cậy hết vào google, vì google không phải là ông Thánh trong mọi chuyện. Nhưng đúng là, có những cái, không nhất thiết phải để trong đầu làm gì cho mệt, cũng không nhất thiết phải “ghi lòng tạc dạ” làm gì. Ông này ông kia sinh năm nào, hay sự kiện lịch sử ấy xảy ra năm bao nhiêu, đã có google, cần gì phải học thuộc!

Nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, trong đề thi của họ, tôi thấy còn ghi kèm các công thức toán – là những thứ mà sau này, nếu quên, người ta có thể tra google, không sao hết. Học sử, chẳng hạn, điều quan trọng hơn hết theo tôi là làm sao qua đó mình nắm bắt được các quy luật lịch sử, hiểu được lẽ đời thông qua thế sự trầm luân... Ghi ơn các anh hùng, vĩ nhân, theo tôi cũng không nhất thiết phải bằng việc nhớ các vị ấy sinh năm nào? Đánh bao nhiêu trận? Mà quan trọng hơn cả, là hiểu được tầm vóc tư tưởng và những đóng góp để đời của họ trong tiến trình phát triển của lịch sử.”.

Thế đấy. Thời đại đã khác rồi, cậu ạ. Không thể đo vẻ đẹp mới bằng những cái thước cũ. Và ngay cả cái mới cũng luôn biến động từng ngày. Nếu không cập nhật thường xuyên, mình sẽ thành kẻ tụt hậu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên