Trần Đăng Khoa: Trẻ Việt trong mắt người Nhật

Các vị giám khảo, có người từng có những sáng chế đặc sắc mà cũng phải bất ngờ trước tư duy của các em.

Trong số báo trước, tôi có bàn về trẻ em với bao nỗi băn khoăn: “Hình như chúng ta vẫn không hiểu con trẻ”. Viết cho trẻ con, người lớn chúng ta cứ “cưa sừng làm nghé” giả vờ ngô nghê, và cứ tưởng ngô nghê là con trẻ. Trong khi đó, con trẻ lại chững chạc, già dặn, suy nghĩ rất sâu sắc. Nhiều em còn quan tâm đến những vấn đề lớn, mang tính toàn cầu.

Để chứng minh cho nhận định “trẻ em không ngô nghê”, tôi có lược thuật một buổi “Hội thảo Khoa học” của Trường Đội Lê Duẩn cách đây đã gần hai mươi năm, do chính các em tự tổ chức, điều hành. Trong cuộc “Hội thảo Khoa học” ấy, các em luận bàn nhiều vấn đề lớn, như việc quy hoạch Thủ đô Hà Nội, làm sao có thể đưa Hà Nội vào nề nếp, quy củ, để trở thành một Thủ đô hiện đại, thông thoáng, văn minh. Đặc biệt là việc giải quyết nơi vui chơi cho trẻ em, chỗ giải trí cho người già.

Thí sinh với mô hình Cột đèn thông minh
Nhiều vấn đề nan giải mà chúng ta đang lúng túng hôm nay, các em cũng đã bàn bạc, đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ cách đây đã gần hai thập kỷ. Bây giờ, tư duy và nhận thức của các em còn vượt xa cái thời cũng đã xa xôi ấy.

Nhiều bạn đọc cứ chất vấn tôi: “Có phải thật thế không?”. “Có đúng là trẻ con nghĩ như thế không? Hay là ông bịa đặt?”. “Tôi ngờ không khéo ông cứ nhét ý tưởng của mình vào miệng con trẻ, rồi lấy trẻ con bỡn cợt người lớn!”

Khổ! Tôi đâu dám liều lĩnh như thế, hỡi các Thượng đế khả kính!

Dự cuộc “Hội thảo” ấy, bên cạnh lão Khoa, còn có rất nhiều người. Trong đó có cả Bộ trưởng, Thứ trưởng, các quan chức Hà Nội cùng rất nhiều phóng viên báo chí. Tất cả các “nhân chứng” ấy, hiện vẫn đang khỏe mạnh, minh mẫn. Nhiều người vẫn còn tại chức. Nếu đưa ra những thông tin bịa đặt, làm sao thoát được sự “kiểm soát” của họ. Đối với phóng viên, chỉ đưa một tin sai, bạn đọc có quyền nghi ngờ tất cả những gì còn lại.

Trong khi chúng ta nhìn trẻ con như những sinh linh bé nhỏ và ngây ngô thì ở nhiều nước, người ta trân trọng coi con trẻ như những người bạn sáng tạo. Họ bỏ ra không ít tiền tạo các sân chơi trí tuệ cũng chỉ để được nghe tiếng nói của trẻ con.

Đã 4 năm nay, tôi liên tục nhận lời mời làm Giám khảo cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” của Công ty Honda Nhật Bản tại Việt Nam. Dù bận thế nào, tôi cũng có mặt. Tôi muốn hiểu trẻ em Việt Nam hôm nay ra sao. Và điều thú vị hơn, tôi muốn biết người Nhật như thế nào. Tại sao họ cũng ăn hạt gạo như ta, cũng trải qua chiến tranh như ta, mà sao họ phát triển hùng mạnh như thế?

Chúng ta dạy con em chúng ta, thường vẽ ra trước mắt các em bao nhiêu ảo ảnh về một đất nước giàu mạnh, rừng vàng, biển bạc, khoáng sản phong phú, đất đai phì nhiêu, nhân dân anh hùng, khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa nắng thuận hòa thích hợp với trồng trọt. Trang sách nào cũng đẹp, nhưng thực tế ngoài đời lại khác. Khoáng sản của chúng ta tuy có phong phú thật, nhưng đó là sự phong phú của mẹt hàng xén. Tí cúc bấm. Tí chỉ xanh chỉ đỏ. Cái gì cũng có, nhưng chẳng cái gì thành cái gì.

Còn mưa nắng thuận hòa ư? “Áo mẹ mưa bạc màu. Đầu mẹ nắng cháy tóc”. Mưa và nắng đều dữ tợn. Ấy là chưa kể những trận bão lốc, lũ quét. Một cơn bão như cơn bão vừa qua, không đổ trực tiếp vào nước ta, mà Hà Nội cây đã đổ hàng loạt. Nhiều tuyến phố thành biển nước.

Người Nhật ngược lại, họ hướng các em nhìn thẳng vào sự thật: “Nước Nhật là một nước bại trận trong chiến tranh. Đã thế còn phải chịu hai quả bom nguyên tử, mà hiểm họa của nó để lại, không biết đến đời nào mới giải quyết hết”. “Về tài nguyên, chúng ta tuyệt nhiên không có gì cả. Thiên nhiên cũng không ủng hộ chúng ta. Chúng ta phải liên tục hứng chịu sóng thần và động đất”.

“Chúng ta còn phải trả một khoản tiền rất lớn để thuê người nước ngoài, để nhập khẩu hàng hóa, bởi trình độ học thuật của chúng ta quá lạc hậu so với các quốc gia phương Tây. Mọi thứ của cải, mọi đồng ngoại tệ nước Nhật tích cóp được lại phải dâng cho nước ngoài hết… Chúng ta phải thấy xót xa, phải lấy đó làm điều nhục nhã”. “Người Nhật còn biết trông vào đâu? Chỉ còn trông vào hai bàn tay và khối óc của chính mình”.

“Trời không cho ai hơn ai cái gì. Tất cả đều bình đẳng. Chỉ con người làn nên sự phú quý. Muốn phú quý phải học. Sự khác nhau giữa người thông minh với kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi. Chỉ có vượt lên bằng trí tuệ và công sức lao động miệt mài, chúng ta mới thoát khỏi đói nghèo và u tối”.

Người Nhật luôn chịu học. Họ lắng nghe bất kỳ ai, kể cả sáng kiến của con trẻ. “Ý tưởng Trẻ thơ” là một trong những chuỗi hoạt động vì cộng đồng của họ. Qua việc tổ chức thành công cuộc thi này tại Nhật Bản và Thái Lan, họ quyết định đưa cuộc thi tới Việt Nam nhằm tạo ra một sân chơi lý thú, bổ ích cho lứa tuổi nhi đồng. Tổ chức cuộc thi này, công ty Honda mong muốn khuyến khích các em luôn có ước mơ cho riêng mình và chấp nhận thử thách để biến ước mơ thành hiện thực, thông qua đó các em khám phá niềm vui từ sáng tạo. Đồng thời, họ cũng muốn hướng các em vào một thế giới chuyển động và phát huy được các phẩm chất cá nhân, tự chứng minh khả năng tư duy và sự khéo léo của bản thân để hướng tới một sự phát triển toàn diện và vượt trội.

Cuộc thi tiến hành ba bước. Bước thứ nhất, các em phải đưa ra được một ý tưởng sáng tạo. Ý tưởng đó phải thể hiện được bằng tranh cùng với bản thuyết trình ngắn gọn.

Bước thứ hai. Những ý tưởng nào được Ban Giám khảo tuyển chọn thì các em phải chuyển ra thành mô hình có tính chuyển động.

Bước thứ ba, đây cũng là phần thi quan trọng nhất, các em phải bảo vệ được “công trình khoa học” sáng tạo của mình trước Hội đồng Giám khảo gồm 7 người. Trong đó có 5 người Việt và 2 người Nhật.

Thí sinh với ý tưởng Cá cảnh báo sóng thần
Đến nay, cuộc thi đã được tổ chức 10 năm liên tiếp tại Nhật Bản, 8 năm tại Thái Lan và 5 năm tại Việt Nam. Thành công của cuộc thi không chỉ được ghi nhận qua số lượng ý tưởng tham gia từng năm không ngừng tăng lên, mà còn ở chất lượng, sự phong phú ở đề tài và tranh vẽ. Điều đó cho chúng ta thấy được ý tưởng, ước mơ của các em nhỏ thực sự là một kho tàng thú vị, điều quan trọng là cách chúng ta khơi gợi, tạo cho các em những sân chơi bổ ích để các em có cơ hội thể hiện.

Tại Việt Nam, sau 5 năm tổ chức, Công ty Honda đã nhận được 617.514 ý tưởng của học sinh tiểu học khắp mọi miền Tổ quốc. Với 300 ý tưởng xuất sắc được chuyển thể thành những mô hình thực tế sinh động, sáng tạo. Các em đã chứng tỏ được khả năng sáng tạo, sự khéo léo và khả năng bảo vệ và phản biện nhạy bén, sắc sảo và thông minh.

Cũng cho đến nay, đã có 19 ý tưởng đặc biệt xuất sắc, được đánh giá cao, ngoài tiền Giải thưởng, các em còn được tặng chuyến tham quan cùng một suất cho bố, mẹ hoặc người thân đến Nhật Bản, Hồng Kong…  Các em được giao lưu với các bạn nhỏ đến từ Thái Lan hay Nhật Bản.

Ngoài số tiền không nhỏ chi cho các em tham gia cuộc thi, sau 5 năm tổ chức, Công ty Honda Việt Nam cũng đã trích ra 4,2 tỷ đồng cho các hoạt động khác, như trao tặng học bổng cho học sinh nghèo và các hoạt động từ thiện có ý nghĩa khác.

Tôi đặc biệt hứng thú trước những ý kiến tranh luận của các em với các thành viên trong Hội đồng Giám khảo trong việc Bảo vệ “công trình khoa học” của mình. Các em đưa ra nhiều giải pháp rất thông minh nhằm giải quyết nạn ách tắc giao thông, khắc phục lũ lụt, sóng thần hay động đất...

Nhiều em cho rằng, hầu hết các tai nạn giao thông thảm khốc ở Việt Nam đều xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. Có người do say rượu. Có người do ngủ gật. Có cách nào khắc phục được không? Tại sao nhà sản xuất không sáng chế ra những chiếc xe thông minh, ở đó có những bộ cảm biến mẫn cảm đặc biệt, cứ có mùi rượu là tắt máy, không vận hành được. Có em sáng chế chiếc mũ bảo hiểm có khả năng đánh thức người gủ gật.

Tôi cũng đặc biệt thích thú khi có em đưa ra một mô hình xe máy, xe ô tô chạy bằng năng lượng điện tự chế. Chiếc xe khởi động bằng ác quy. Rồi khi xe chạy sẽ lấy sức gió tự nhiên để quay cánh quạt sinh điện, cung cấp năng lượng cho xe vận hành và sạc lại hệ thống ắc quy.

Rồi những căn nhà cao cẳng cho người dân vùng lũ lụt. Máy tái chế rác thải. Chiếc giường ru bà ngủ. Máy trông trẻ sơ sinh. Chiếc kính dành cho người khiếm thị. Bãi đỗ xe nhiều tầng. Nhà máy thủy điện bằng sóng biển...

Hàng trăm sáng kiến độc đáo và thú vị. Ngay cả các vị giám khảo, có người vốn là một nhà khoa học đã từng có những sáng chế đặc sắc mà nhiều khi cũng phải bất ngờ trước tư duy của các em.

Trẻ con của chúng ta đấy.

Tất nhiên tôi không ngây thơ mà ảo tưởng nghĩ rằng, những ý tưởng của các em sẽ giúp các nhà khoa học Nhật Bản sáng chế máy móc. Đó chỉ là trò chơi, là ước mơ của con trẻ. Cũng qua trò chơi ấy, các nhà sản xuất Honda của Nhật Bản biết được khát vọng, thị hiếu của khách hàng tương lai của họ. Và biết đâu, có khi chính những ước mơ nhuốm màu cổ tích của con trẻ ấy lại chả gợi ý cho họ những phát minh tuyệt diệu trong tương lai.

Qua kinh nghiệm của Nhật Bản, tôi nghĩ chúng ta cũng nên tổ chức những sân chơi cho các em. Thay cho những trò chơi vô bổ trên các kênh truyền thông, chúng ta có thể tạo một sân chơi bổ ích để các em tập xử lý các tình huống, từ các tình huống xẩy ra khi các em ở nhà một mình, cho đến việc các em tập làm quản lý, lãnh đạo. Người xem cũng có thể trực tiếp tham gia qua điện thoại, đưa ra những tình huống để các em xử lý. Nhiều cách ứng xử của các em có thể giúp người lớn chúng ta tham khảo. Cũng qua đó, chúng ta có thể phát hiện được những em có năng khiếu để có thể tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo các em trở thành những nhà quản lý, những nhà lãnh đạo trong tương lai.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên