Tuyến đường “kiểu mẫu“: Đẹp hơn hay tư duy thụt lùi?

VOV.VN -Việc treo biển hiệu ở một tuyến đường ở Hà Nội tưởng là nhỏ nhưng đã thu hút sự chú ý của xã hội trên nhiều phương diện với nhiều luồng ý kiến.

Rõ ràng, có những vấn đề đô thị không hề nhỏ và đó thực sự là việc cần giải quyết một cách nghiêm túc và thấu đáo hơn là những cách làm phong trào ghi thành tích.

Từ một tuyến đường “kiểu mẫu”

Đó là tuyến đường Lê Trọng Tấn, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Công trình mới được thi công mở rộng và khánh thành - thông xe ngày 7/5/2016. Đây là tuyến đường đẹp, hiện đại. Có thể nói qua về công trình này như sau: Sở Giao thông - vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng số vốn là 225 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Toàn tuyến dài 1,5km, mặt đường rộng 15m với 4 làn xe -  rộng gấp 3 lần đường cũ; vỉa hè rộng 12-15m; mặt đường trải thảm bê tông nhựa theo công nghệ mới; hạ tầng được đầu tư đồng bộ với hệ thống thoát nước, chiếu sáng, đèn giao thông, cây xanh, bồn hoa.

Hình ảnh tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) với “đồng phục” biển hiệu.

Một điểm mới của con đường này là việc quy định thống nhất các biển hiệu của các cơ sở kinh doanh mặt đường. Cụ thể: các biển quảng cáo mặt đường Lê Trọng Tấn được quy hoạch đồng bộ, thống nhất từ chất liệu, màu sắc, chiều cao. Tất cả các biển quảng cáo được sơn với 2 màu xanh lam hoặc đỏ tươi, chữ trắng với đường nét phân mảng giống nhau, không có hình ảnh.

Chiều cao biển trung bình so với mặt đất được cố định khoảng 3,2m - 3,3m, chiều cao bảng biển là 1,1m, chiều rộng bằng chiều rộng mặt tiền. Tất cả biển của các nhà liền kề đều định vị trên một mặt phẳng. Hiện, đây là con đường đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam thực hiện quy định “đồng phục” với màu sắc (xanh và đỏ). Mục đích của việc này là để tăng mỹ quan và sự ngăn nắp cho đô thị.

Điều đầu tiên cần phải ghi nhận là vấn đề thẩm mỹ đô thị đã được quan tâm. Lâu nay, ở trong các đô thị Việt Nam thiếu hẳn mảng thiết kế đô thị. Đô thị phát triển từ trên những mặt bằng quy hoạch rồi tới công trình đơn lẻ, không có sự kết nối để tạo thành không gian đô thị có thẩm mỹ. Thực tế thẩm mỹ đô thị Việt Nam còn quá nhiều hạn chế, nếu không muốn nói là nhếch nhác, xô bồ, lộn xộn, phản cảm. Việc lập lại trật tự đô thị là điều cần thiết để có sự sạch sẽ, mỹ quan. Có lẽ, từ việc này công tác thiết kế đô thị sẽ được quan tâm và triển khai, nhất là ở những đô thị lớn.

Biển hiệu trên đường Lê Trọng Tấn, có những ý kiến ủng hộ, song ý kiến phản đối nhiều hơn.
Tuy vậy, việc “đồng phục” hóa dẫu đem lại sự ngăn nắp, chỉn chu, thống nhất nhưng cũng là sự nhàm chán và buồn tẻ. Có thể thấy rõ điều này trong những khu đô thị mới, với những dãy nhà liền kề hay các khu biệt thự giống hệt nhau xếp hàng, nhợt nhạt và thiếu bản sắc. Chúng là những sản phẩm nhân bản vô tính và đương nhiên kéo lùi thẩm mỹ. Không khó có thể nhận thấy trong vùng các đô thị cũ do ngưòi Pháp xây dựng ở Hà Nội, ở Sài Gòn hay Đà Lạt, không hề có chuyện “photocopy” công trình, nhân bản hàng loạt như thế này, và những đô thị ấy vẫn là mẫu mực của quy hoạch - cảnh quan – kiến trúc. Không công trình nào giống nhau, mỗi cái đều có nét riêng, cá tính riêng song lại tồn tại hài hoà trong một cơ thể thống nhất.

Trở lại vấn đề biển hiệu trên đường Lê Trọng Tấn, có những ý kiến ủng hộ, song ý kiến phản đối nhiều hơn. Sự giống nhau rập khuôn như vậy làm cho không gian buồn tẻ, xoá nhoà bản sắc và những nét riêng của mỗi cá thể. Nếu tranh cãi về thẩm mỹ thì vô cùng, vì mỗi người đều có sở thích và quan điểm riêng. Cái đẹp với người này là xấu với người khác, và ngược lại; nhưng câu chuyện không chỉ là đẹp và xấu…

Đẹp hơn hay tư duy thụt lùi?

Một trong những việc dư luận tranh cãi nhau, là về màu sắc quy định trên tuyến đường này. Đó là hai màu: Xanh lam và đỏ tươi. Hai màu này đẹp hay xấu? Không thể trả lời được. Còn vì sao là hai màu này, theo lời giải thích của UBND quận Thanh Xuân thì đỏ là màu cờ Tổ quốc, màu xanh tượng trưng cho Hà Nội – thành phố vì hòa bình. Nhưng vào thực tế thì ý tưởng này có lẽ hơi ngô nghê; bởi sự áp đặt yếu tố quá là “cao sang” với những thực thể bình dân. Chẳng có liên hệ gì giữa một cửa hàng dịch vụ massage với màu đỏ cờ Tổ quốc hay nhà hàng bia hơi với màu xanh hòa bình.

Một trong những việc dư luận tranh cãi nhau, là về màu sắc quy định trên tuyến đường này. 
UBND quận Thanh Xuân cũng thông tin rằng, đã đưa vấn đề ra trưng cầu dân ý và 100% các hộ dân kinh doanh đồng ý với phương án biển “đồng phục” xanh - đỏ. Nhưng khi báo chí vào cuộc, tìm hiểu, phỏng vấn lại cho thấy phần lớn người dân không đồng tình, phản đối. Lý do phản đối chính là sự giống nhau cứng nhắc, khiên cưỡng khiến cho việc kinh doanh khó khăn hơn, khách hàng khó tìm được cửa hàng, nhận dạng được thương hiệu.

Chúng ta đều biết, thương hiệu và nhận dạng thương hiệu trong nền kinh tế thị trường hiện đại vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp đầu tư không hề nhỏ cho vấn đề marketing và quảng bá thương hiệu. Nhưng ở con phố này, bún đậu, thịt chó, may mặc, giày dép, giải khát, điện máy, hoa quả, bia hơi… tất cả đều từa tựa nhau, “bình đẳng” một cách rất hài hước. Và có thể thấy trường mầm non cũng giống cửa hàng buôn bán.

Các thương hiệu có bộ nhận dạng riêng, màu sắc riêng đều mất ưu thế này khi bị bắt buộc vào hai màu xanh - đỏ. Một số thương hiệu may mắn có màu của nhận dạng thương hiệu trùng với màu biển hiệu thì không phải đổi màu, nhưng cũng chẳng có nghĩa lý gì khi tấm biển nhạt nhoà lẫn với vô số những biển hiệu khác. Kinh doanh cạnh tranh là phải tạo nên sự khác biệt, người không buôn bán cũng hiểu rõ điều ấy. Vậy nhưng ở con phố này tất cả đều được “quy đồng mẫu số” với một hằng số mới tẻ ngắt.

Theo quan sát thực tế của người viết bài, “kiểu mẫu” chưa thực hiện xong đã có nguy cơ bị phá vỡ.
Nhiều kiến trúc sư, chuyên gia thương hiệu, chuyên gia quảng cáo đã phản đối quy định này, cho rằng nó cứng nhắc, hạn chế sự sáng tạo, hạn chế sự phát triển kinh doanh và đi ngược lại xu thế chung trên toàn cầu. Một chuyên gia cho rằng: “Quy định màu sắc ở đường Lê Trọng Tấn là trái luật so với những công ước mà Chính phủ Việt Nam đã ký trong các Hiệp định thương mại quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa như WTO, WIPO, TPP... Cục Sở hữu Trí tuệ không ai đồng ý chuyện đó đâu và đặc biệt, những thương hiệu lớn thà không mở cửa hàng ở đây chứ không bao giờ họ đổi màu”

Đường Lê Trọng Tấn được coi là tuyến đường “kiểu mẫu”. Điều đó có nghĩa là nó sẽ được nhân rộng cách làm ở những nơi khác trong tương lai. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, đó một một tư duy ấu trĩ, thụt lùi. “Kiểu mẫu” gợi nhắc tới thời chiến tranh, thời bao cấp, khi người ta ăn giống nhau, mặc giống nhau, làm giống nhau và suy nghĩ cũng giống nhau nốt. Điều ấy không thể tồn tại ở một xã hội phát triển, hội nhập với nền kinh tế thị trường.

Một nhà báo đã thốt lên rằng: “Lẽ nào “kiểu mẫu” sống lại? Thời bao cấp đã có các “cửa hàng kiểu mẫu” và phong cách “phục vụ kiểu mẫu”. Nó “kiểu mẫu” như thế nào hẳn mọi người đều biết…“Kiểu mẫu” nhìn nhận ở góc độ nào cũng đầy rẫy sự phi lý. “Kiểu mẫu” là một cái rọ mà “kích cỡ” của nó đủ nhốt mọi sự sáng tạo, đủ sức thị uy để trấn áp và giam cầm mọi ý tưởng, dù tốt đẹp… Mọi sự kiểu mẫu đều dẫn tới sự diệt vong”

Theo quan sát thực tế của người viết bài, “kiểu mẫu” chưa thực hiện xong đã có nguy cơ bị phá vỡ. Đã có doanh nghiệp không dùng chữ màu trắng theo quy định mà thay bằng màu theo đúng bảng nhận diện thương hiệu và thêm hình ảnh logo. Một ngân hàng lớn khác thay chất liệu biển, dùng chất liệu xuyên sáng để quảng cáo bằng đèn…

Sự phản ứng của truyền thông và mạng xã hội mạnh đến mức đẩy chính quyền vào thế lúng túng, thay vì thái độ hân hoan vì đưa ra được “kiểu mẫu” như ban đầu. Trong diễn biến mới nhất, UBND quận Thanh Xuân đã phải phát ngôn rằng “Sẽ lắng nghe phản hồi của dư luận và sẽ điều chỉnh cho phù hợp”

Tất cả sự vật, sự việc, con người tồn tại trên đời này đều không giống nhau mà khác nhau từ môi trường, hoàn cảnh, trình độ, nhu cầu, quan hệ, mục đích… Và đó là sự đa dạng của cuộc sống. Mối quan hệ của đô thị rất phức tạp, sự ngăn nắp không chỉ phụ thuộc vào những tấm biển hiệu, nên “đồng phục”, “kiểu mẫu” như thế này chắc không làm cho đô thị đẹp hơn mà chỉ kéo tư duy thụt lùi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nỗi buồn hạn mặn
Nỗi buồn hạn mặn

VOV.VN - Hạn mặn đang để lại những di chứng nặng nề, đánh mạnh vào những âu lo về sinh kế của người dân vùng ĐBSCL.

Nỗi buồn hạn mặn

Nỗi buồn hạn mặn

VOV.VN - Hạn mặn đang để lại những di chứng nặng nề, đánh mạnh vào những âu lo về sinh kế của người dân vùng ĐBSCL.

Số phận thăng trầm của cầu Long Biên, cầu Trường Tiền và cầu Ghềnh
Số phận thăng trầm của cầu Long Biên, cầu Trường Tiền và cầu Ghềnh

VOV.VN - Cầu Long Biên, cầu Trường Tiền và cầu Ghềnh ở ba miền, nhưng có nhiều điểm tương đồng và đặc biệt là số phận cũng giống nhau.

Số phận thăng trầm của cầu Long Biên, cầu Trường Tiền và cầu Ghềnh

Số phận thăng trầm của cầu Long Biên, cầu Trường Tiền và cầu Ghềnh

VOV.VN - Cầu Long Biên, cầu Trường Tiền và cầu Ghềnh ở ba miền, nhưng có nhiều điểm tương đồng và đặc biệt là số phận cũng giống nhau.

Gia truyền là “cái quái” gì thế?
Gia truyền là “cái quái” gì thế?

VOV.VN -Với cá nhân tôi, gia truyền là một từ hàm chứa trọn vẹn trong đó tính vị kỷ, thủ cựu và gia trưởng, đầy màu sắc trọc phú.

Gia truyền là “cái quái” gì thế?

Gia truyền là “cái quái” gì thế?

VOV.VN -Với cá nhân tôi, gia truyền là một từ hàm chứa trọn vẹn trong đó tính vị kỷ, thủ cựu và gia trưởng, đầy màu sắc trọc phú.

Nhân Hà Nội khai trương phố “kiểu mẫu”: Lẽ nào "kiểu mẫu" sống lại?
Nhân Hà Nội khai trương phố “kiểu mẫu”: Lẽ nào "kiểu mẫu" sống lại?

VOV.VN -Thời bao cấp có các “cửa hàng kiểu mẫu” và phong cách “phục vụ kiểu mẫu”. Nó “kiểu mẫu” như thế nào hẳn mọi người đều biết.

Nhân Hà Nội khai trương phố “kiểu mẫu”: Lẽ nào "kiểu mẫu" sống lại?

Nhân Hà Nội khai trương phố “kiểu mẫu”: Lẽ nào "kiểu mẫu" sống lại?

VOV.VN -Thời bao cấp có các “cửa hàng kiểu mẫu” và phong cách “phục vụ kiểu mẫu”. Nó “kiểu mẫu” như thế nào hẳn mọi người đều biết.