Viết sử, đọc sử và bình sử bằng tấm lòng thành với nước Việt!

VOV.VN - Là một người yêu sử Việt và muốn truyền lại cho con cháu những sự thật lịch sử, những mong giới sử học Việt Nam xúm tay vào chăm lo lịch sử nước nhà.

Chiều thứ bảy 9/9/20127, tranh thủ lúc mưa tạnh, lượn qua "phố sách Đinh Lễ-Nguyễn Xí" (Hà Nội). Hỏi cô bán sách ở số 4 Đinh Lễ: Nghe nói hôm nọ có người mua bộ sử Việt Nam 15 tập, ở đây hết?

-Vâng ạ, hôm đó hết, hôm sau lại có. Hôm nay cũng sắp hết.

- Từ hôm nọ đến nay, có bao nhiêu người mua?

- 17 ạ.

Vòng ra ngoài, đến một quầy sách tư nhân gần với quầy của NXB Văn học, hỏi: Bộ "Lịch sử Việt Nam" giá bao nhiêu?

- Giá bìa 4 triệu tám, em bán 3 triệu bảy.

- Có bán được không?

- Dạ, được. Sáng nay vừa có người mua, em mang đến tận nhà.

Mười lăm tập sách đóng thành 5 hộp. Chú bán sách này cũng chiều khách thật.

Kể từ 18/8/2017, ngày bộ sách "Lịch sử Việt Nam" 15 tập (in lần thứ 2) được giới thiệu trong một cuộc gặp gỡ - trước hết là các độc giả, sau mới đến các quan chức, đã tạo ra một luồng dư luận đáng kể. Đó là điều đáng mừng vì theo như lời" dè bỉu" của ối người trong giới sử học, lần xuất bản đầu tiên không gây được tiếng vang lớn lắm, bởi vì dân ta "ít đọc".

Giời ạ. In rải rác trong nhiều năm, mỗi lần in (theo lời ông chủ biên) có 500 cuốn, thì ai có đủ kiên nhẫn để tìm mua, và như tôi, một kẻ rất mê Lịch sử, tìm mãi để mua mà không thấy.

Lần này thì dứt khoát phải có bộ sách này trong thư viện của mình, bên cạnh hai quyển "Lịch sử Việt Nam" (tập 1 in 1971, tập 2 in 1985 của NXB Khoa học Xã hội), bên cạnh "Việt sử lược" của Trần Trọng Kim,"Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX" của Đào Duy Anh, "Lịch sử Việt Nam - từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX" của Lê Thành Khôi, rồi sách sử của Tạ Đức "Nguồn gốc người Viêt - Người Mường", "Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn"... đến "Sử Việt đọc vài cuốn" của Tạ Chí Đại Trường, "Việt-Thanh chiến dịch", "Phái đoàn Đại Việt và lễ bát tuần khánh thọ của Thanh Cao Tông" của Nguyễn Duy Chính, "Vua Gia Long và người Pháp" của Thụỵ Khuê...v.v. Đấy là chưa kể những cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cuốn sách sử về hai cuộc kháng chiến chống hai đế quốc to là Pháp và Mỹ...

Tôi thiết nghĩ như dịp phát hành bộ "Lịch sử Việt Nam" 15 tập lần này, giới sử học phải vui mừng mới phải. Vì đây là dịp tốt để cổ vũ cho lịch sử nước nhà. Là một người yêu Lịch sử nước nhà, tôi ước mong như vậy.

Nhưng không.

Vài hôm trước, khi đọc trên mạng bài của báo Tiền Phong phỏng vấn một vài nhà sử học "có tên tuổi" và "không tên tuổi", tôi đã tỏ ý thất vọng vì cách ứng xử của một vài người. Cũng định không tâm sự gì thêm. Nhưng chiều nay về, mở máy tính của mình, lại nhận được bản "chia sẻ" đúng bài viết ấy, của một người bạn tại Thành phố Hồ Chí Minh, không kèm bình luận gì.

Cũng lại cẩn thận, đọc lại bài mình chia sẻ hôm trước, với bài hôm nay, thấy câu chữ không khác. Ngẫm lại xem lời bình của mình hôm ấy có gì quá lắm không? Thiên hạ vẫn bảo "Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam"... Nhưng xem ra, không bằng lịch sử Việt Nam... Bởi đã quá nhiều thế kỷ bị phong kiến Hán thống trị, nên sử Việt cứ lớp nọ chồng lên lớp kia, thực hư lẫn lộn. Lại thêm chính sách đồng hoá thâm độc của kẻ thống trị, huỷ diệt nền văn hiến của người Việt, nên càng mông lung.

Lại nhớ cuộc cãi nhau giữa hai trí thức "lớn" của dòng họ Vũ-Võ Việt Nam. Người bảo tổ tiên họ Vũ-Võ Việt Nam là đức Uy viễn Đông nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương, một dũng tướng của Hai Bà Trưng quê ở Phượng Láu (Việt Trì ngày nay), có đền thờ ở huyện Hưng Hà Thái Bình. Người bảo "cụ Vũ Hồn là thuỷ tổ duy nhất của dòng họ Vũ-Võ Việt Nam", tuy có đền thờ ở Mộ Trạch Hải Dương, nhưng gốc ở phần đất nay thuộc Trung Quốc.

Tranh luận giữa hai ông, không biết có ai chịu ai không. Chỉ biết một ông thốt lên rằng đấy là "thói cục bộ ghen ghét tranh giành ảnh hưởng"...

Xem ra, đúng với những gì đang diễn ra xung quanh việc tái bản lần thứ nhất bộ "Lịch sử Việt Nam" của Viện Sử học.

Lại nghĩ "vì sao Tạ Chí Đại Trường" lấy tên sách "Sử Việt - đọc vài quyển"?

Lại nhớ chuyện ồn ào mấy năm qua về chiếc xe tăng nào trưa 30/4/1975 húc đổ cánh cổng sắt dinh Tổng thống chế độ Sài Gòn? Cuốn lịch sử Quân đoàn 2, bản in lần đầu của NXB QĐND viết rằng đấy là xe tăng mang số hiệu 843. Sai như thế nhưng chẳng có nhà sử học Việt Nam nào lên tiếng. Có lẽ do họ "không đọc". Chỉ có nhờ các nhà báo ngoài nước và trong nước lên tiếng, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 mới được đưa về đúng vai trò của nó.

Cũng liên quan đến dinh Độc Lập, ai là người thảo tuyên bố đầu hàng để Tổng thống Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh ngày 30/4/1975? Cũng phải cãi nhau tốn không ít giấy mực. Trong đó không ít nhà nghiên cứu bị "muối mặt" vì cái thói "ăn theo nói leo".

Là một người yêu sử Việt Nam và mong muốn truyền lại cho con cháu những sự thật lịch sử, những mong giới sử học Việt Nam xúm tay vào chăm lo cho lịch sử nước nhà, trang bị cho con cháu những kiến thức lịch sử chân thực, khoa học, để cùng mọi người chống lại sự xuyên tạc lịch sử nước ta có bài bản, độc ác... của các thế lực thù địch với nước Việt Nam độc lập, đang ngày đêm chĩa vào đất nước ta.

Đến năm 2018, ta sẽ có bộ Thông sử mới 30 tập ư? Hoan nghênh quá. Nhưng trong khi chờ đợi, giới sử học và những người yêu sử VN nên cổ vũ cho bộ "Lịch sử VN" 15 tập đang có bán ở các hiệu sách quốc doanh và tư doanh kia,/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tuyên ngôn Độc lập và giá trị lịch sử hôm nay
Tuyên ngôn Độc lập và giá trị lịch sử hôm nay

72 năm đã trôi qua, nhưng những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc.

Tuyên ngôn Độc lập và giá trị lịch sử hôm nay

Tuyên ngôn Độc lập và giá trị lịch sử hôm nay

72 năm đã trôi qua, nhưng những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc.

Tướng Lê Mã Lương: “Nhìn thẳng vào lịch sử để hòa giải với quá khứ“
Tướng Lê Mã Lương: “Nhìn thẳng vào lịch sử để hòa giải với quá khứ“

VOV.VN-Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, điều mà chúng ta muốn, và cũng là nguyện vọng của Đảng, Nhà nước là có sự hòa hợp hòa giải, đại đoàn kết dân tộc.

Tướng Lê Mã Lương: “Nhìn thẳng vào lịch sử để hòa giải với quá khứ“

Tướng Lê Mã Lương: “Nhìn thẳng vào lịch sử để hòa giải với quá khứ“

VOV.VN-Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, điều mà chúng ta muốn, và cũng là nguyện vọng của Đảng, Nhà nước là có sự hòa hợp hòa giải, đại đoàn kết dân tộc.