41 năm vẻ vang ngành Truyền hình Việt Nam

VTV đã trở thành cơ quan ngôn luận quan trọng, sắc bén của Đảng, Nhà nước, là người bạn tin cậy của nhân dân.                          

Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên (7/9/1970-7/9/2011), sáng nay (7/9), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và dự Lễ khánh thành bước 1, giai  đoạn 1 Trung tâm sản xuất chương trình Đài truyền hình Việt Nam.

Đánh giá cao quá trình 41 năm xây dựng và trưởng thành của Đài truyền hình Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu Đài tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu trở thành tập đoàn truyền thông mạnh, có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Tham dự buổi lễ có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương.  

Thủ tướng cắt băng khánh thành Trung tâm sản xuất chương trình Đài THVN

Trải qua 41 năm xây dựng và trưởng thành, Đài Truyền hình Việt Nam đã không ngừng nâng cao vị thế trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, trở thành cơ quan ngôn luận quan trọng, sắc bén của Đảng, Nhà nước, là người bạn tin cậy, đồng hành của các tầng lớp nhân dân. Từ chỗ chỉ có 01 kênh phát sóng, với thời lượng vài giờ mỗi ngày, phạm vi phủ sóng rất hạn hẹp, đến nay, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng 130 giờ/ngày trên 6 kênh quảng bá, các kênh khu vực và trên hệ thống truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh; tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 100% đối với hệ thống truyền hình số vệ tinh và trên 98% đối với hệ thống truyền hình tương tự mặt đất (analog).

Nội dung các chương trình của Đài luôn đổi mới, bám sát các Nghị quyết của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ và thực tiễn cuộc sống của nhân dân, đảm bảo thông tin nhanh nhạy, chính xác, kịp thời, đúng định hướng, trở thành một kênh thông tin quan trọng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của đất nước. Các chương trình văn hóa, văn nghệ, khoa học - giáo dục, phim truyền hình... chất lượng cũng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh và nâng cao dân trí của nhân dân.

Đài Truyền hình Việt Nam là một cơ quan báo chí đi đầu trong việc đổi mới cơ chế tài chính, lao động tiền lương, tạo động lực cho Đài phát triển với tốc độ nhanh và góp phần quan trọng vào quá trình nghiên cứu, đổi mới công tác quản lý báo chí nói chung, phát thanh - truyền hình nói riêng trong tình hình mới…

Phát biểu tại Lễ khánh thành Trung tâm sản xuất chương trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Trải qua 41 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật, nhân viên của Đài Truyền hình Việt Nam đã nêu cao tinh thần cách mạng, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng với nhân dân, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp to lớn vào thành công của sự nghiệp cách mạng nước ta và tạo nên truyền thống vẻ vang của ngành truyền hình Việt Nam.

Ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Đài Truyền hình Việt Nam và sự phối hợp có hiệu quả của các Bộ, ngành liên quan  trong quá trình thực hiện bước 1, giai đoạn 1 của dự án là Trung tâm sản xuất chương trình, Thủ tướng nêu rõ: Việc tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam là hết sức cần thiết trong thời đại bùng nổ thông tin. Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình này sẽ tạo tiền đề, động lực quan trọng để xây dựng Đài Truyền hình Việt Nam trở thành một tập đoàn truyền thông mạnh, có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam sớm xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đến năm 2015 và 2020 theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại; không ngừng nâng cao chất lượng và hình thức thể hiện các chương trình chính trị, văn hoá, khoa học, nghệ thuật, đảm bảo thông tin kịp thời nhất, chuẩn xác nhất, hàm lượng thông tin cao nhất và có khả năng chi phối, định hướng thông tin trong xã hội; tiếp tục hoàn thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, phấn đấu để nhân dân trên mọi miền đất nước đều có thể xem được truyền hình quốc gia, với chất lượng nội dung, hình ảnh, âm thanh tốt nhất.

Thủ tướng cũng yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận với thông tin mới, công nghệ truyền hình mới mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, nhạy cảm và tỉnh táo trong xử lý thông tin và đưa thông tin.

Thủ tướng nhấn mạnh: Mọi thông tin của Đài truyền hình quốc gia phải xuất phát từ lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc, vì quyền lợi của đại đa số nhân dân và phải tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, sự gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đài cũng cần tiếp tục hoàn thiện và phát huy lợi thế cơ chế tự chủ tài chính, lao động, tiền lương nhằm tạo ra những động lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển, tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, để cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên phát huy sáng tạo, đề cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và toàn xã hội, kiên quyết không để những lệch lạc về chính trị, những mặt trái tiêu cực của cơ chế thị trường chi phối làm ảnh hưởng đến vị thế và uy tín của Đài quốc gia…

Dự án Trung tâm sản xuất chương trình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam được Chính phủ đầu tư từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản là một công trình hiện đại với dây chuyền sản xuất tiên tiến, đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngang tầm với khu vực và trên thế giới.  

Trung tâm được khởi công xây dựng từ năm 2006 trên diện tích 5,4 ha. Quy mô xây dựng của công trình là gần 100.000 m2 sàn với chiều cao tòa nhà là 28 tầng, một giàn ăng-ten, tổ hợp 17 trường quay thu hình và 1 trường quay thu nhạc, hệ thống các trung tâm kỹ thuật, thời sự, kỹ thuật phụ trợ phục vụ sản xuất chương trình. Tổng vốn đầu tư toàn dự án khoảng 385 triệu USD, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành phần xây dựng tòa nhà Trung tâm sản xuất chương trình với diện tích 32.000 m2; các hệ thống kỹ thuật phụ trợ như điện lạnh, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy… nhằm phục vụ cho tổ hợp gồm 9 trường quay thu hình và 1 trường quay thu nhạc…

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên