5 nét chính của Hiệp định Đối tác xuyên TBD

Hiệp định sẽ thúc đẩy các mối liên kết chặt chẽ giữa các nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh  

Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, ngày 12/11, tại Honolulu thuộc bang Hawai, Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo các nước Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam đã công bố những nét chính của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đây là cột mốc quan trọng trong tầm nhìn chung của 9 quốc gia về việc thiết lập một Hiệp định khu vực toàn diện và thuộc thế hệ mới, trong đó tiến hành tự do hóa thương mại và đầu tư, giải quyết các vấn đề thương mại mới và truyền thống cũng như các thách thức của thế kỷ 21.

Các nhà lãnh đạo tin tưởng rằng hiệp định này sẽ là một hình mẫu cho các Hiệp định thương mại tự do trong tương lai, thúc đẩy các mối liên kết chặt chẽ giữa các nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và hỗ trợ tạo việc làm, mang lại mức sống cao hơn và giảm đói nghèo cho người dân tại mỗi nước thành viên.

Những nét chính của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm: - Tiếp cận thị trường một cách toàn diện, theo đó thúc đẩy hàng hóa của các nước thành viên được tiếp cận thị trường của nhau một cách toàn diện và miễn thuế, các hạn chế về dịch vụ được đồng loạt xóa bỏ nhằm tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp cũng như những lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng.

- Xây dựng một hiệp định khu vực toàn diện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, nâng cao mức sống và cải thiện phúc lợi tại các nước thành viên.

- Hình thành khung hiệp định trên cơ sở những thỏa thuận đã thực hiện trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và các diễn đàn khác và bằng việc đưa vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương 4 vấn đề mới và mang tính xuyên suốt gồm: gắn kết môi trường chính sách, năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi cho kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển.

- Coi các vấn đề mới nổi lên trong thương mại toàn cầu như một phần của đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Các công nghệ mới sẽ tạo ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư giữa các thành viên, đồng thời cũng làm nảy sinh những vấn đề thương mại mới tiềm ẩn cần giải quyết để có thể thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ, đảm bảo tất cả các nền kinh tế các nước Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đều được hưởng lợi. Ngoài ra, các vấn đề thương mại liên quan tới tăng trưởng xanh cũng được xem xét nhằm đảm bảo các nước Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương tiếp tục giữ vị trí tiên phong trong lĩnh vực này.

- Xây dựng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương thành một hiệp định mở. Các nhóm đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đang thiết lập một cấu trúc, thể chế và quy trình cho phép hiệp định này tiếp tục phát triển để đáp ứng những tiến triển mới trong thương mại, công nghệ hoặc các vấn đề và thách thức mới nổi khác.

Trên cơ sở những tiến bộ đã đạt được, các nhà lãnh đạo 9 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cam kết dành những nguồn lực cần thiết để hoàn tất hiệp định mang tính biểu tượng này trong thời gian sớm nhất có thể./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên