AIPA đối thoại song phương với các nước quan sát viên

Trọng tâm của các cuộc đối thoại là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lập pháp, tăng cường các chính sách
 

Chiều 22/9, trong khuôn khổ Hội nghị AIPA 31, các nước thành viên ASEAN đã tiến hành các phiên đối thoại song phương với các nước quan sát viên là Trung Quốc, Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Papua New Guinea, Liên bang Nga và Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, trọng tâm của các cuộc đối thoại là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lập pháp, tăng cường các chính sách ở hầu hết các lĩnh vực như kinh tế, đầu tư và văn hoá xã hội. 

Trong cuộc gặp với Trung Quốc, các đại biểu AIPA và các đại biểu Trung Quốc đã cùng nhau thảo luận về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm hiện nay như vấn đề an ninh khu vực như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, hợp tác kinh tế và thương mại, các cơ hội đầu tư…

Tại cuộc gặp song phương AIPA – Trung Quốc lần này, các nước thành viên AIPA và Trung Quốc đều khẳng định sự cần thiết phải tăng cường hợp tác ASEAN – Trung Quốc. Bởi cho đến thời điểm này, ASEAN và Trung Quốc đang là đối tác quan trọng của nhau, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Trao đổi thương mại song phương hai bên đã đạt mức trên 200 tỷ USD/năm, trong đó Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc đang được thực hiện có hiệu quả. Hiện nay, nhiều quốc gia ASEAN cũng đang mở rộng các cơ hội cho các nhà đầu tư Trung Quốc vào kinh doanh và sản xuất. Đặc biệt, hai bên cũng trao đổi thắng thắn những vấn đề nhạy cảm liên quan đến an ninh khu vực, trong đó có vấn đề về Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Mazuki Ali cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng, ASEAN sẽ cùng với các nước đối thoại như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác ổn định an ninh trong khu vực. Indonesia cũng như các nước thành viên của ASEAN đều ủng hộ trên nguyên tắc mà ASEAN và Trung Quốc đã đạt được trong thời gian qua. Chúng tôi ủng hộ các cơ chế đối thoại song phương và đa phương. Và đây là giải pháp phù hợp nhất để giải quyết các xung đột trong khu vực, nhất là khi chúng ta đều có chung lợi ích vì hoà bình và ổn định chung”.

Còn tại cuộc gặp đối thoại với Australia chiều 22/9, hai bên cùng thảo luận những cơ hội và thách thức trong hợp tác song phương. Phía Australia khẳng định, Australia rất ủng hộ sáng kiến của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các Nghị viện ASEAN với các nước quan sát viên. Đây sẽ là nền tảng để nâng cao mối quan hệ giữa các Nghị viện lên tầm cao hơn từ đó thúc đẩy các chính sách hợp tác cho phù hợp với lợi ích của mỗi bên. 

Tại cuộc gặp với EU, hai bên cùng nhất trí cho rằng, thúc đẩy cơ chế hợp tác liên nghị viện là cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, ASEAN và EU, với vai trò là hai khu vực có vị thế địa chính trị quan trọng sẽ là động lực để thúc đẩy sự phát triển cũng như mang lại hoà bình và ổn định trong khu vực.

Ông Robert Coebbies, Phó Chủ tịch đoàn đại biểu Nghị viện châu Âu bày tỏ: “Tôi rất hài lòng với những gì mà hai bên thảo luận ngày hôm nay. Không chỉ là ở những vấn đề hợp tác giữa Nghị viện của Liên minh châu Âu với ASEAN, trong đó có cả Quốc hội Myanmar. Tôi cho rằng đây là nền tảng tốt đẹp để thúc đẩy các cơ hội hợp tác giữa hai khu vực. Bởi sự hợp tác nghị viện cũng chính là thúc đẩy việc xây dựng các chính sách hợp tác, xây dựng các quy tắc luật pháp tạo khung pháp lý để hai bên trao đổi trên tất cả các lĩnh vực”.

Một điểm chung trong các phiên họp chiều 22/9, ASEAN và các bên quan sát viên đã cùng nhau trao đổi thắng thắn trên tinh thần xây dựng, và đều nhất trí cho rằng, với vai trò là trung tâm, ASEAN đang là cầu nối nhằm thúc đẩy hợp tác có hiệu quả cho mỗi bên, đồng thời đảm bảo được sự ổn định, hoà bình không chỉ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn trên toàn thế giới.

Trước đó, trong khuôn khổ Đại hội đồng lần thứ 31 Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 31), sáng 22/9 diễn ra 4 phiên họp của các Ủy ban chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội và Uỷ ban các vấn đề về tổ chức.

Các Nghị sĩ ASEAN đã  phân tích sâu sắc dưới góc độ lập pháp để làm sáng tỏ hơn nữa các chương trình, nội dung, mục tiêu cũng như những cơ hội và thách thức trên con đường xây dựng một Cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng vào năm 2015. 

Tại Uỷ ban chính trị, các đại biểu tập trung thảo luận Nghị quyết tình hình an ninh khu vực và thế giới, trong đó kêu gọi AIPA hợp tác với ASEAN để sử dụng các công cụ hiện có nhằm đảm bảo hoà bình và an ninh trong khu vực như Hiệp ước hợp tác và thân thiện ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân, Tuyên bố của các bên về ứng xử biển Đông, Diễn đàn An ninh Khu vực ARF, Công ước của ASEAN về chống khủng bố. Các đại biểu cũng hoan nghênh cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng cũng như cuộc họp của các cơ quan an ninh quốc gia ASEAN sẽ được tổ chức tại Hà nội tới đây.

Tại Uỷ ban kinh tế, các đại biểu thảo luận dự thảo nghị quyết về vai trò của Nghị sĩ Quốc hội trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong đó, các đại biểu đưa ra khuyến nghị thúc giục Quốc hội thành viên AIPA tăng cường chính sách và phối hợp hành động giữa để đảm bảo sự phục hồi kinh tế và đồng thời không ngừng đẩy mạnh đầu tư, thương mại, thúc đẩy chuyển giao công nghệ để trợ giúp cho các nước thành viên trong việc phát triển lĩnh vực chế tạo, nguồn năng lượng sạch và kỹ thuật xanh để giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và giúp phòng ngừa thiên tai, khuyến nghị các nghị sĩ đóng vai trò tích cực trong phát triển bền vững.

Với tinh thần hiểu biết, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau và thống nhất trong đa dạng, các nghị sĩ ASEAN đã đề ra những biện pháp giải quyết những tồn tại, khó khăn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình liên kết của khu vực nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, các Nghị sĩ cũng dành sự quan tâm thích đáng để bàn bạc, đề xuất những sáng kiến đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng hoạt động của AIPA và các biện pháp tăng cường vai trò của AIPA trong nền ngoại giao nghị viện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên