Hồ Chí Minh và con đường giải phóng dân tộc

Bài 3: Những bài học lớn

Vận dụng sáng tạo, phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giành được nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đổi mới đất nước ngày nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mở ra con đường mới và dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân đi theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Với trái tim đầy nhiệt huyết, bộ óc sáng suốt, Người luôn luôn vươn tới những giá trị của Chân, Thiện, Mỹ. Sự nghiệp của Hồ Chí Minh, con đường Hồ Chí Minh tìm thấy và dẫn dắt mọi người dân Việt Nam yêu nước dựa vào nền văn hóa mà ở đó biểu đạt những giá trị toàn cầu, những khát vọng của con người, của các dân tộc khác nhau, có bản sắc, cốt cách, đặc tính khác nhau nhưng thống nhất, hài hòa trong những giá trị chung nhất, tốt đẹp nhất mà con người toàn nhân loại và các dân tộc trên thế giới khát khao vươn tới.

Theo PGS-NGND Lê Mậu Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta một bài học lớn: mọi quyết định đều phải dựa vào thực tiễn của thời đại và sức mạnh của dân tộc.

PGS-TS Vũ Quang Hiển (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, bài học lớn mà chúng ta luôn luôn khắc ghi đó là phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong quá trình chỉ đạo sự nghiệp đổi mới để xây dựng nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nói đến độc lập dân tộc, độc lập tự do  không thể tách rời với thống nhất đất nước. Vì một đất nước độc lập đồng thời phải là một đất nước thống nhất quốc gia một cách toàn diện.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, vấn đề độc lập dân tộc càng được coi trọng. Sự hội nhập của các quốc gia đều là trên nền tảng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Cũng theo PGS-TS Vũ Quang Hiển, bản sắc văn hóa đó thể hiện qua ngôn ngữ, tiếng nói, phong cách ứng xử, mà phong cách đó biểu hiện ở mọi người Việt Nam, từ những người có chức có quyền cho đến những người bình thường, một anh lái xe taxi, một người đạp xích lô, một chị bán hàng ở một kiốt ở Bờ Hồ, hay một chị lao công quét rác… Trong con mắt bạn bè quốc tế, người ta thấy ở họ một con người hiền lành trong đời thường, chăm chỉ trong lao động sản xuất và dũng cảm, quyết liệt trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Nhìn vào họ, người ta thấy được hình ảnh tiêu biểu của con người Việt Nam.

Giới trẻ Việt Nam rất năng động, và trong điều kiện hiện tại, sự năng động và thông minh của giới trẻ có điều kiện phát huy. Giới trẻ một mặt hướng tới cái mới, năng động tìm kiếm cái mới, nhưng phải luôn luôn giữ gìn các giá trị đã đi vào bản chất của con người Việt Nam, tiếp tục nắm vững và phát huy ngọn cờ độc lập dân tộc.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, chúng ta nhớ bài học quí giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, đó là: "có cái gì tốt của Đông phương và Tây phương thì ta phải học lấy để làm giàu cho văn hóa Việt Nam". Ngày nay, chúng ta càng phải nâng cao chủ nghĩa yêu nước, không chấp nhận nghèo nàn lạc hậu, làm cho con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta phải luôn luôn nung nấu mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đó cũng là những bài học được GS-TS Tạ Ngọc Tấn (Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Từ sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước sẽ là những bài học rất lớn cho chính bản thân cách mạng nước ta, đó là trong điều kiện thực tiễn thế nào chúng ta tìm ra những giải pháp, những con đường giải quyết những vấn đề trong đất nước. Bài học cho thế hệ trẻ là tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường và thái độ trách nhiệm với đất nước...”.

Theo GS,TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), để đất nước phát triển ngày càng vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế, chúng ta luôn luôn phải học Bác vừa kiên định, vừa sáng tạo. “Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta thông điệp cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam là con đường đi tới Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản. Thông điệp đó là thông điệp quan trọng nhất hiện nay và tôi cho rằng phải kiên định con đường đó. Nhưng phải vừa kiên định vừa sáng tạo”.

PGS, TS Nguyễn Bá Linh (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu hai bài học để phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh đó là: Thứ nhất, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong quá trình chỉ đạo sự nghiệp đổi mới để đạt mục tiêu mà Đảng đã đề ra: Xây dựng nước ta thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thứ hai, luôn luôn kết hợp lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, đã nói là phải làm, không đánh trống bỏ dùi để làm gương cho toàn dân tộc theo phương châm: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau như Bác thường răn dạy.

Tròn một thế kỷ đã trôi qua nhưng sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thời đại. Đây là dịp để mỗi chúng ta học tập và noi gương Bác Hồ, kiên định con đường mà Bác đã lựa chọn.

Một nhà báo nước ngoài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: Hồ Chí Minh ngày càng trở nên vĩ đại, vì Người đã cho chúng ta lý do để sống và khả năng để thực hiện những ước mơ của mình. Chúng ta thật hạnh phúc khi được học theo Bác, để biết khởi đầu đúng và đi tới đích./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên