Bí thư Thành ủy Hà Nội: Tự kiểm điểm bắt đầu từ tính tự giác

(VOV) -Thực tế cho thấy, trong kiểm điểm phê bình không dễ vì người góp ý sợ bị trù dập.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Đợt sinh hoạt đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, tập thể và cá nhân trong toàn Đảng bộ Thành phố. Đồng thời, qua đó rút ra những bài học có giá trị để tiếp tục đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào cuộc sống.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết, năm 2013, cùng với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, Hà Nội sẽ tiếp tục đi đầu trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố. Nhân dịp kết thúc năm 2012, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị về những nội dung này.

PV: Thưa đồng chí, trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo kiểm điểm sâu như thế nào đối với Ban Thường vụ Thành ủy và các Đảng bộ trực thuộc?

Ông Phạm Quang Nghị: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên của Đảng. Trong 82 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã có nhiều cuộc chỉnh đốn Đảng như vậy. Tuy nhiên, do tính chất, mức độ nghiêm trọng của những yếu kém, khuyết điểm trong nội bộ tổ chức Đảng các cấp hiện nay, nên lần này việc kiểm điểm được thực hiện trong toàn Đảng một cách quyết liệt, đồng bộ, không qua loa, hình thức, nhưng có lộ trình, bước đi cụ thể, đề cao việc nêu gương của cấp trên, của lãnh đạo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (Ảnh: Dân trí)

 Trên tinh thần như vậy, để việc kiểm điểm đúng thực chất, ngoài 3 nội dung lớn, cũng là 3 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu, Thành ủy Hà Nội rất coi trọng gợi ý kiểm điểm sâu, không chỉ đối với cấp dưới, mà bắt đầu từ Ban Thường vụ Thành ủy.

Đối với Ban Thường vụ Thành ủy, cùng với việc nghiêm túc kiểm điểm theo những nội dung được Trung ương gợi ý, ngoài khuyết điểm chung thuộc về trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố giải trình về những yếu kém, khuyết điểm của các cấp chính quyền trong việc chỉ đạo, quản lý, điều hành công việc hàng ngày. Trong đó, tập trung vào hai lĩnh vực mà yếu kém, khuyết điểm nổi lên tương đối rõ, là: Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, phê duyệt dự án, và tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong giao tiếp, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, viên chức thành phố. Hai nội dung này cũng là nội dung trong gợi ý kiểm điểm sâu của Ban Thường vụ Thành ủy đối với Ban cán sự đảng UBND Thành phố.

Tương tự như vậy, đối với các đảng bộ trực thuộc, căn cứ quá trình theo dõi, nắm bắt tình hình và qua những ý kiến nhận xét, đánh giá của dư luận cán bộ, nhân dân, trước hết của cán bộ chủ chốt thành phố đã nghỉ hưu trên địa bàn về những ưu, khuyết điểm của từng tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo của mỗi cơ quan, đơn vị, Ban Thường vụ Thành ủy đã gợi ý kiểm điểm sâu đối với một số đảng bộ trực thuộc.

Tinh thần là, với từng đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy gợi ý kiểm điểm về những lĩnh vực công tác có biểu hiện yếu kém nhất, hiệu quả thấp nhất, gây nhiều bức xúc nhất trong xã hội. Điều này giúp cho việc kiểm điểm có địa chỉ cụ thể, gắn với trách nhiệm rõ ràng, đánh giá được cả quá trình diễn biến của công việc. Và cũng nhờ đó, chất lượng kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 của nhiều tập thể, cá nhân rất cụ thể và có chiều sâu.

PV: Vậy kết quả của đợt kiểm điểm này đạt được như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Quang Nghị: Tôi cho rằng, với Đảng bộ TP Hà Nội, việc triển khai thực hiện đợt kiểm điểm vừa rồi đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Nổi bật là, qua kiểm điểm, đã góp ý cho tập thể và cho mỗi cá nhân về những yếu kém, khuyết điểm cần sửa chữa trên tinh thần hết sức thẳng thắn, xây dựng. Từng đồng chí, từ việc trao đổi, phân tích, ai cũng hiểu rõ thời gian qua mình đang có thiếu sót gì, khuyết điểm nào. Từ nhận thức đó, mỗi người, mỗi đơn vị sẽ tập trung khắc phục ngay những điểm yếu của mình. Trên thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị đã có những chuyển biến ở mức độ nhất định trong khắc phục khuyết điểm, không chỉ dừng lại ở nhận thức, mà trong cả việc làm. Rõ nhất là thái độ, tác phong khi giao tiếp với doanh nghiệp, nhân dân; tinh thần trách nhiệm trước công việc; ý thức phục vụ nhân dân được cải thiện, nâng cao hơn. Hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp từng bước giảm bớt, nhất là ở các đồng chí đứng đầu các cơ quan, các sở, ngành thành phố.

Mặc dù vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, dư luận vẫn còn kêu ca, nhưng có thể thấy, so với trước mức độ đã giảm đi nhiều. Thời gian giải quyết công việc cho doanh nghiệp, nhân dân nhanh hơn; các quy trình thủ tục được rà soát nghiêm túc, thận trọng và đúng quy định hơn.

Có thể khẳng định, nhờ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, việc chỉ đạo và tiến hành khắc phục, sửa chữa khuyết điểm ở mỗi tập thể, cá nhân được thực hiện quyết liệt hơn, sát sao hơn, với yêu cầu cao hơn, do đó ý thức chấp hành tốt hơn. Ví dụ điển hình là việc thành phố đã và đang chỉ đạo xử lý quyết liệt những vi phạm về trật tự xây dựng.

PV: Tại hội nghị sơ kết kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 của các đảng bộ quận, huyện, thị xã và đảng bộ khối, trực thuộc Đảng bộ TP Hà Nội, ông đã nói là “Các cấp ủy rất cần lắng nghe những lời nói chân thành”. Xin ông nói rõ thêm ý kiến này?

Ông Phạm Quang Nghị: Thực tế cho thấy, trong kiểm điểm phê bình và tự phê bình, để người khác dám nói thẳng, nói thật là điều không dễ. Vì người ta rất ngại nói thật, bởi nói thật dễ mất lòng. Thêm nữa, nếu người được góp ý không tiếp thu, mà tìm cách đối phó, trong khi người đó lại có quyền lực trong tay thì rất dễ trù dập, định kiến người góp ý với mình.

Cho nên, rất cần tiếng nói chân thành, trung thực. Những người thật lòng muốn cầu thị, muốn tiến bộ thì cần biết rằng, những điều người khác góp ý thẳng thắn với mình là điều đáng quý, để giúp mình hiểu mình hơn, từ đó hoàn thiện bản thân mình.

Theo tôi, bài học lớn nhất rút ra từ đợt kiểm điểm này là tính tự giác. Tự phê bình và phê bình mà cả người phê bình và người tiếp nhận phê bình thiếu tính tực giác thì sẽ khó tiếp thu, khó sửa. Do vậy, có thể nói, tiêu chí hàng đầu trong phê bình và tự phê bình là tính tự giác.

PV: Trước những kết quả quan trọng mà Hà Nội đạt được trong năm 2012, năm 2013 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra với Đảng bộ thành phố là gì, nhất là trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, thưa ông?

Ông Phạm Quang Nghị: Nhiệm vụ của Thành ủy là lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực, các mặt công tác của thành phố: kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trên toàn bộ địa bàn rộng lớn của Thủ đô sau hợp nhất.

Có thể nói, lĩnh vực nào cũng đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền thành phố. Đồng thời, phải yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên thành phố gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Năm 2013, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, Thành ủy Hà Nội có xác định những việc phải tập trung lãnh đạo thực hiện tốt. Về phát triển kinh tế: Tập trung tháo gỡ khó khăn, khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao mức tăng trưởng kinh tế; tiếp tục thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát. Đồng thời, hết sức chú trọng quan tâm, chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là với người nghèo, người có thu nhập thấp, nhân dân ở những khu vực khó khăn, xa trung tâm, không để cho một bộ phận nào đó nhân dân bị đói, bị thiếu quá mức.

Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4. Thành ủy xác định rõ, việc tự phê bình và phê bình trong Đảng và nói rộng ra trong xã hội, là việc làm thường xuyên. Trong nhiều năm qua, chúng ta làm chưa được tốt thì bây giờ phải tập trung làm quyết liệt theo 3 vấn đề trọng tâm Nghị quyết đã nêu.

Những việc triển khai trong năm 2012 mới chỉ đạt kết quả bước đầu. Năm 2013 và những năm tiếp theo cần tiếp tục thực hiện cụ thể, rõ nét hơn, trọng tâm là tập trung sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, gắn với tiếp tục thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Và kết quả của việc sửa chữa khuyết điểm phải được thể hiện bằng sự tiến bộ của cán bộ, đảng viên, của từng tập thể, bằng chất lượng công việc cụ thể hằng ngày trong phục vụ nhân dân. 

PV: Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ chủ chốt thành phố do cấp ủy và Hội đồng Nhân dân bầu vào đầu năm 2013. Ông có thể cho biết cách thức thực hiện việc này như thế nào?

Bí thư Phạm Quang Nghị: Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp, quyết định sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý Thành phố vào quý I năm 2013.

Đối tượng tham gia nhận xét, bỏ phiếu là tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố. Những người được đưa ra để đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm là: Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, gồm Bí thư, các phó Bí thư, các Ủy viên Thường vụ và các đồng chí Phó chủ tịch UBND Thành phố.

Năm 2013 lần đầu tiên Hà Nội thực hiện phương thức này và các năm sau sẽ tiến hành thường xuyên. Việc thiết kế mẫu phiếu, quy trình, thủ tục, tiêu chí để nhận xét, đánh giá phải thuận lợi cho việc thực hiện. Không nên đề ra quá nhiều tiêu chí. Bởi khi nhận xét, đánh giá cán bộ, chủ yếu dựa trên 2 tiêu chí cơ bản, là: năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao - việc mà mình đang phụ trách, và phẩm chất đạo đức cá nhân.

Hai tiêu chí này tổng hợp tạo thành uy tín của người cán bộ trước tập thể. Trên cơ sở hai tiêu chí như vậy, cán bộ nào được đánh giá tín nhiệm nhiều, tức là chất lượng công việc và đạo đức được ghi nhận tốt. Những cán bộ nào trong 2 năm liền uy tín thấp, hoặc một năm mà uy tín rất thấp thì sẽ thay. 

PV: Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua với nhiều quy định mới. Xin ông cho biết, Hà Nội sẽ làm gì để triển khai Luật này có hiệu quả?

Ông Phạm Quang Nghị: Quốc hội thông qua Luật Thủ đô là một thuận lợi lớn đối với việc xây dựng, phát triển thủ đô. Việc ban hành luật đã là quan trọng, song việc tổ chức triển khai thực hiện để đưa luật vào cuộc sống có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều. Do vậy, Thành ủy Hà Nội xác định, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên khác, việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô là một trong những nhiệm vụ quan trọng phải tập trung thực hiện trong năm 2013.

Các bước cụ thể là: Sau khi Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước công bố, Thành phố sẽ có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về nội dung Luật Thủ đô để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện. Đồng thời, những cơ quan có trách nhiệm trực tiếp phải triển khai những việc cụ thể, như: HĐND Thành phố phải thể chế hóa một số quy định thuộc quyền hạn của mình mà Luật Thủ đô cho phép; UBND Thành phố phải chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện. Việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô sẽ không hề tách rời mà kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện những nhiệm vụ thường xuyên của thành phố.

PV: Vâng! Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tiếp tục đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào cuộc sống
Tiếp tục đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào cuộc sống

(VOV) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã tổ chức kiểm điểm với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cởi mở và trách nhiệm.

Tiếp tục đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào cuộc sống

Tiếp tục đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào cuộc sống

(VOV) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã tổ chức kiểm điểm với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cởi mở và trách nhiệm.

Khắc phục hạn chế sau kiểm điểm theo Trung ương 4
Khắc phục hạn chế sau kiểm điểm theo Trung ương 4

(VOV) -Việc kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 có tác dụng tốt đối với cá nhân và tập thể Ban Thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Khắc phục hạn chế sau kiểm điểm theo Trung ương 4

Khắc phục hạn chế sau kiểm điểm theo Trung ương 4

(VOV) -Việc kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 có tác dụng tốt đối với cá nhân và tập thể Ban Thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng ủy Khối
Kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng ủy Khối

(VOV) - Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tiến hành sắp xếp, kiện toàn lại các tổ chức đảng, thống nhất tổ chức đảng…

Kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng ủy Khối

Kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng ủy Khối

(VOV) - Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tiến hành sắp xếp, kiện toàn lại các tổ chức đảng, thống nhất tổ chức đảng…