Cần bảo vệ quyền và lợi ích người khuyết tật

Luật người khuyết  tật cần thể hiện rõ việc khuyến khích các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc.  

Chiều 18/9, phiên họp thứ 23 Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Người khuyết tật, sau đó tiến hành họp phiên bế mạc.

Hiện nay cả nước có khoảng 6% dân số là người khuyết tật, đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ngoài những quy định chung về quyền, nghĩa vụ như mọi công dân, người khuyết tật cần có hành lang pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích và các chính sách riêng.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, một số điều, khoản quy định trong Công ước quốc tế về người tàn tật chưa được quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam cần phải được bổ sung trong dự thảo luật. Một nội dung được nhiều ý kiến thảo luận đó là chính sách khuyến khích sử dụng lao động là người khuyết tật. Theo đó, Luật cần thể hiện rõ việc khuyến khích các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp sử dụng từ 2% đến dưới 35% lao dộng là người khuyết tật làm việc thì được hưởng các ưu đãi về thuế, vốn vay với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh và được hỗ trợ phí kèm nghề, dạy nghề tại chỗ đối với số lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật”.  

Các ý kiến nhất trí với tờ trình của Chính phủ là việc phê duyệt thiết kế xây dựng nhà ở chung cư, trụ sở làm việc và các công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, các công trình hạ tầng xã hội phải tuân thủ hệ thống quy chuẩn quốc gia về xây dựng, bảo đảm điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Việc nghiệm thu các công trình này phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật theo đúng phê duyệt mới được đưa vào sử dụng. 

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nên rõ: Phiên họp lần thứ 23 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra. Thời gian từ nay đến kỳ họp thứ 6 không còn nhiều, chính vì vậy các cơ quan chức năng cần sớm bổ sung, chỉnh sửa những nội dung mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến để đảm bảo trình Quốc hội tại kỳ họp tới./.                                                                                                                                            

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên