Chống được chuyển giá sẽ thu về hàng trăm tỷ đồng

Ngoài gây thất thu thuế, tình trạng chuyển giá còn gây nên cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó thị trường.

Chiều 12/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Nhiều ý kiến đề cập đến việc Luật phải bổ sung quy định để chống chuyển giá (doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khai lỗ nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất và nộp thuế không tương xứng với quy mô sản xuất), gây thất thu thuế.

Chuyển giá gây thất thu rất lớn

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Ngoài những tác động tích cực, hội nhập cũng xuất hiện những thách thức, ảnh hưởng tiêu cực cho công tác quản lý thuế như dàn xếp né tránh thuế, chuyển giá,… đòi hỏi công tác quản lý thuế phải được tiếp tục hoàn thiện để phù hợp hơn với các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế, góp phần tăng cường quản lý, giám sát công tác quản lý thuế.

Với chính sách mở cửa, thu hút đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã trở thành một phần tích cực trong các thành phần kinh tế đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy có tình trạng lỗ giả, lãi thật do lợi dụng vấn đề chuyển giá.

Cho vay lãi cao, ký hợp đồng giá thấp cho doanh nghiệp Việt là những "mánh" chuyển giá đã bị phát giác (Ảnh minh họa:vneconomy)

Thời gian qua, ngành thuế đã triển khai quyết liệt việc kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá nhưng hiệu quả chưa cao vì chuyển giá từ giao dịch quốc tế khá phức tạp, thiếu thông tin để chứng minh vấn đề gian lận giá mua - bán, khó xác minh bên mua, bên bán thực tế tại nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, năm 2011, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử phạt hàng nghìn tỷ đồng do chuyển giá. Thậm chí, nếu kiểm tra toàn diện và truy thu được thì ngân sách có thêm hàng chục ngàn tỷ đồng.

Chính phủ cho biết, để kiểm soát việc chuyển giá, chúng ta đã có quy định Cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá theo nguyên tắc giá thị trường (APA) giữa cơ quan thuế và các công ty đa quốc gia. Để có cơ sở áp dụng APA, Dự thảo Luật Quản lý thuế bổ sung quy định cho phép cơ quan thuế được áp dụng cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá với người thu thuế và cơ quan thuế có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam.

Tuy nhiên, do vấn đề chuyển giá và APA có liên quan đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, nên trong Dự thảo Luật chỉ quy định về thẩm quyền và giao Chính phủ quy định về thủ tục, trình tự, thời gian thực hiện cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.

Theo nhiều đại biểu, việc giao Chính phủ quy định về thủ tục, trình tự, thời gian thực hiện là chưa bảo đảm chặt chẽ, hợp lý. Do đó, các ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung vào Dự thảo luật điều kiện, phạm vi, nguyên tắc, các trường hợp cụ thể áp dụng cơ chế này, nội dung thực hiện, biện pháp ngăn ngừa trốn lậu thuế, chế tài xử phạt,... nhằm bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ trong tổ chức thực hiện.

“Ngoài việc gây thất thu thuế, chuyển giá còn dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó thị trường,… Dó đó, Luật Quản lý thuế bổ sung cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn chứ không chỉ giao cho Chính phủ”, đại biểu Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Xử nghiêm vi phạm, đơn giản hóa thủ tục

Nhiều ý kiến đại biểu khẳng định, chính những lỗ hổng trong Luật hiện hành đã tạo “cơ hội trốn thuế”, chưa điểu chỉnh được nhiều vấn đề thực tế phát sinh.

Theo đại biểu Trần Quang Chiều (đoàn Nam Định), nhiều nội dung trong Luật còn bất cập, dẫn đến thực tế là nợ thuế có xu thế tăng lên, và thậm chí “có người nói không trốn thuế mới là chuyện lạ”.

Do đó, đại biểu cho rằng, luật sửa đổi lần này cần quy định cụ thể hơn, hạn chế mức thấp nhất việc giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn, quy định để đảm bảo tính minh bạch, công bằng.

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, việc chế tài chưa nghiêm khắc chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm về thuế còn nhiều. Do đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung phải có những quy định chặt chẽ hơn và theo hướng tăng mức xử phạt.

Về thủ tục hành chính về thuế, có ý kiến nêu rõ, thời gian còn dài, là một trong những yếu tố làm tăng giá thành. Ngoài ra, theo nhiều đại biểu ghĩa vụ nộp thuế là vinh quang nhưng người nộp thuế phải mất nhiều thời gian, thậm chí còn bị làm khó thì phải xem lại cách quản lý.

Để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, Dự thảo Luật bổ sung lần này quy định việc khai thuế theo quý tại các điều khoản liên quan về hồ sơ khai thuế, thời gian khai thuế, thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai.

Việc sửa đổi cho phép người nộp thuế quy mô vừa và nhỏ được khai thuế theo quý vừa có ý nghĩa thiết thực là làm giảm chi phí hành chính của người nộp thuế, hỗ trợ người nộp thuế được dãn luồng tiền nộp thuế, vừa đáp ứng yêu cầu thông lệ quốc tế, vừa nâng cao tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh.

Dự thảo cũng rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày làm việc xuống còn 6 ngày làm việc; giảm thời hạn giải quyết đối với trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau”, từ 60 ngày xuống 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày làm việc ngày xuống 3 ngày. Dự thảo cũng bỏ “chứng từ nộp thuế” trong hồ sơ hoàn thuế…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên