Chuyện tình của chiến sĩ Điện Biên

Trong ký ức của những người từng vượt qua gian khổ, bom đạn, vẫn còn đó những kỷ niệm đẹp của tình yêu trong sáng…

Nên duyên nhờ từ những ngày đi Điện Biên

Đó là câu chuyện của ông Lò Văn Tun và bà Lò Thị Khuýn (ở xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Ông Lò Văn Tun sinh năm 1930. Từ tháng 12/1953, ông cùng 15-16 người lập thành một đoàn, đi từ Vạn Yên qua Cò Nòi, qua đèo Pha Đin lên Tuần Giáo. Dân công xã Chiềng Pấc lúc đó dắt ngựa theo chở gạo, muối, dụng cụ lao động. Mỗi con ngựa thồ được khoảng 50kg, đêm đi, ngày ngủ. Cả đoàn cứ đi đi, về về chở hàng cho đến ngày chiến thắng, mỗi chuyến đi khoảng 5-6 ngày.

Ông Tun kể: "Bà nhà tôi cùng làng. Con gái Chiềng Pấc đi dân công đông lắm. Bà Khuýn ngày ấy còn trẻ, kém tôi 7 tuổi, trong đội sửa đường từ Mường Ẳng qua Nà Tấu. Quen nhau từ hồi ở làng, nhưng chẳng nói chuyện, khi đi chiến dịch mỗi lần gặp nhau thì cười cười, chào hỏi nhau thôi".

Bà Lò Thị Khuýn nhớ lại, năm đó bà còn trẻ, nhưng xin đi dân công thay cho anh trai. Bà đi dân công tổng cộng là 3 đợt, tham gia chặt cây làm nhà kho, làm lán ở cho bộ đội; khiêng đất đá sửa đường giao thông; giã gạo, chuyển gạo lên xe cho bộ đội chuyển từ Thuận Châu đi Điện Biên. Vừa làm vừa tránh máy bay địch.   

Về chuyện tình cảm với ông Tun, bà Khuýn kể: "Ông Tún là người cùng bản, biết nhau từ nhỏ. Những ngày đi dân công chúng tôi có gặp nhau, để ý đến nhau. Một lần ông ấy hỏi "Có đồng ý lấy tôi không?". Tôi ngượng lắm, chỉ cười thôi, nhưng cũng gật đầu”.

Thế là ông bà nên duyên, đến năm 1955 thì cưới và có với nhau 9 người con (4 trai, 5 gái).

Đám cưới tập thể ở Điện Biên

Bà Trần Thị Bích Thọ, năm nay 78 tuổi đã tìm được "một nửa của mình" tại mặt trận Điện Biên và đám cưới của họ được tổ chức tại chiến trường. Bà Thọ kể: “Tháng 2/1954, bà được phân về trạm quân y dã chiến ở Tuần Giáo, cách Điện Biên Phủ khoảng 80 km. Đây là trạm chung chuyển thương binh nặng từ hoả tuyến về. Nhiều thương binh đau đớn, kêu rên liên tục, riêng một anh lính ở Sư đoàn 308 người Hưng Yên, dù bị thương ở bàn tay và hàm, đau lắm nhưng không kêu ca gì. Khi bình phục, chiều chiều anh ôm đàn ghi-ta ra bờ suối. Tiếng đàn của anh đã làm xiêu lòng nữ y tá đang ở tuổi đôi mươi: "Tôi yêu ông nhà tôi là từ tiếng đàn của ông ấy. Ông ấy thường ra đèo Hứa Hẹn ngồi đánh đàn, tôi rón rén lấy cớ ra phát thuốc cho chàng để nghe hát và lấy cớ nói chuyện với anh. Mà chúng tôi thường đi 3-4 cô chứ không phải tôi đi một mình" - bà Thọ nhớ lại.

Khi chia tay trở về chiến trường, chàng thương binh cầm tay cô y tá nói: "Anh rất yêu em, y tá ơi". Lời tỏ tình giản dị chỉ có vậy. Từ đó, cô Thọ mong ngóng và thường xuyên hỏi thăm về anh Lê Quyết - người trinh sát quả cảm. Ba hôm sau ngày chiến thắng, khi cô Thọ đang thu xếp thuốc men, dụng cụ quân y trong lán, thì anh Quyết quay lại tìm cô.

Ngày 22/5 là lễ báo công, anh Quyết chính thức "báo cáo" đơn vị chuyện riêng của hai người và 4 ngày sau, đám cưới của họ được tổ chức cùng 5 đôi nữa. Lễ cưới tập thể diễn ra ở khoảng đất rộng của Sư đoàn 312, với cờ khẩu hiệu: "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ", "Xây hạnh phúc nhớ ơn Cách mạng".

Hoa dại, hoa sim, hoa mua trong núi được ngắt về cắm vào ống nứa. Chú rể và cô dâu mỗi bên đứng một hàng. Chẳng ai có áo cưới. Sau khi đồng chí Chính uỷ của đơn vị tuyên bố: "Hôm nay là lễ thành hôn cho 6 cặp nam nữ", đọc tên, từng đôi bước ra, chào mọi người. Rồi tất cả mọi người cùng chung vui văn nghệ "cây nhà lá vườn", cô dâu chú rể cùng ra múa hát "sòn sòn sòn đô sòn"… Mọi người cùng hút thuốc lá cuốn, uống nước chè chung vui.

Sau này bà Thọ đã viết lại kỷ niệm về đám cưới của mình ở Điện Biên qua những dòng thơ tặng cho người chồng yêu dấu khi trở lại thăm Điện Biên sau 50 năm:

Mặc áo lính nhuốm khói lửa chiến trường vừa thắng lợi

Đơn vị cho bốn đồng mua thuốc lá sợi

Không giấy pơ-luya mà dọc báo cuộn thôi

Ta hát vui cười dắt nhau về lán mới,

Vui đêm nay, mai lại hành quân.

Rồi công việc cần, anh đi Cao Bằng

Em trở về Khu Bốn

Một năm sau ta mới được nhau…

"Khi chúng tôi cưới nhau, tôi mới 22 tuổi. Đám cưới tập thể ở trận địa. Phòng cưới là một cái lán dài, được chia làm 6 buồng, mỗi đôi một buồng. Bên này trở mình cót két thì bên kia cũng cót két, vui và buồn cười lắm, nhưng mà nhớ mãi".

Hai ông bà sinh được 3 người con: 2 con trai, một là sĩ quan cao cấp, một người là phi công, còn con gái là thạc sĩ - bác sĩ. Ông Quyết sau này đi chiến đấu ở nhiều mặt trận, bị thương nặng ở chiến trường miền Nam rồi mất. Bà Thọ năm nay đã 80 tuổi, nhưng vẫn khoẻ mạnh và thường kể cho con cháu nghe về câu chuyện tình lãng mạn của mình ở Điện Biên.

Cưới 1.000 ngày mới là vợ chồng

Đó là câu chuyện của vợ chồng Đại tá Lê Kim, cán bộ Tuyên huấn Trung đoàn 36, đại đoàn 308, ở mặt trận phía Tây, đánh sân bay Mường Thanh. Đây là mặt trận vô cùng gay go, ác liệt, bộ đội ta hy sinh rất nhiều.

Chiều 7/5/1954, thấy địch mang cờ trắng ra hàng, anh em hò reo mừng vui. Chiều hôm đó trời nắng đẹp lắm. Anh em chẳng thiết ăn uống. "Riêng bản thân tôi thì lúc bấy giờ mới thấy mệt. Nằm dài trên bãi cỏ, nhìn trời và suy nghĩ rằng: chắc là chiến tranh chưa thể chấm dứt ngay được. Bao giờ mới đánh về Hà Nội? Vùng Tây Bắc được giải phóng rồi, còn vùng Đông Bắc? Mừng nhưng còn có suy nghĩ như thế, chứ có biết gì về Hội nghị Geneve đâu? Sau đó ít lâu về thì mới biết về hội nghị này, hoà bình lập lại..." - Đại tá Lê Kim kể.

Người đầu tiên ông nghĩ tới là người vợ thân yêu của mình: "Vợ tôi thì dạy học ở khu du kích ở Hồng Quảng. Tôi cưới vợ ngày 23/9/1953. Lễ cưới quãng độ 2 giờ chiều thì xong thì có tin địch kéo vào càn quét. Thế thì vợ tôi và cả trường học đi sơ tán lùi về phía xong.

Mình là anh bộ đội cán bộ tiểu đoàn, mặc quân phục và có súng lục mà lại đi sơ tán thì không tiện. Thế là ở lại, cùng anh em dân quân chống địch. Nhưng địch lại không vào. Chiều hôm sau thì tôi phải trả phép đơn vị. Lúc bấy giờ mới biết là mình sẽ đi chiến dịch Điện Biên Phủ và đi một mạch luôn. Như thế là chúng tôi có lễ cưới nhưng không có đêm tân hôn. Lúc đó cứ nghĩ, nếu mình hy sinh thì vợ mình trở thành người đàn goá, nhưng vẫn còn là một cô gái.

Về sau này gặp nhau, vợ tôi kể cũng có cái day dứt như thế. Điện Biên Phủ thắng rồi, nhưng khu vợ tôi ở là ở Hòn Gai và Quảng Ninh, là khu tập kết 500 ngày của địch. Đến tháng 5/1955 địch mới rút và phải chờ đến ngày 16/11/1956 thì hai vợ chồng tôi mới gặp nhau ở Hà Nội. Tức là sau lễ cưới hơn 1.000 ngày (tính từ ngày 23/9/1953 đến ngày 16/11/1956) chúng tôi mới thực sự là vợ chồng và ngày 2/10 năm 1957 thì mới có đứa con đầu lòng".  

Hai ông bà sinh hạ được hai người con gái. Khi kể lại câu chuyện tình của mình cho chúng tôi, Đại tá Lê Kim không giấu nổi niềm xúc động, mắt ông nhoè nước…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên