Có nên để luật sư vào cuộc sớm trong các vụ án?

Sáng nay (13/8), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 10. Phiên họp sẽ diễn ra từ ngày 13 – 22/8.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau của 5 dự án Luật, đồng thời cho ý kiến về 5 dự án luật khác; tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường và nhiều nội dung quan trọng.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền về một số vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm.

Trong phiên họp sáng nay, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư gồm: Điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư; Quy định cho phép viên chức được hành nghề luật sư; Quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa; Thẩm quyền cấp thẻ luật sư; Về Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam; Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam; Điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài.

Liên quan đến quy định cho phép viên chức đang giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng nếu quy định này được thực hiện sẽ sử dụng được lực lượng giảng viên có kiến thức chuyên sâu về luật.

Quy định như vậy cũng hoàn toàn phù hợp với Luật viên chức hiện hành. Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định cán bộ viên chức đang giảng dạy pháp luật chỉ được tham gia tư vấn về pháp luật, không tham gia vào quá trình tố tụng.

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ý kiến: “Hiện nay, Việt Nam vẫn đang thiếu luật sư, vì vậy nên sử dụng số viên chức đang hoạt động và có hiểu biết về vấn đề này nhưng không cho tham gia vào tố tụng. Việc tham gia tố tụng có khả năng làm phát sinh xung đột về lợi ích khi họ vừa là giảng viên lại vừa tham gia tố tụng. Do đó nên quy định hẹp hơn”.

Đối với quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng nên cho luật sư được tiếp cận vụ án ngay đầu và đề nghị bỏ quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong dự thảo Luật.

Ông Phúc nói: “Hiện nay đang có vấn đề là cơ quan điều tra rất ngại việc luật sư vào cuộc sớm. Ngược lại tòa án lại muốn luật sư tham gia sớm để trong quá trình tranh tụng sẽ tốt hơn. Quan điểm của tôi là trừ các vụ án về an ninh quốc gia, chúng ta nên cởi mở để luật sư được sớm tiếp cận với các vụ án, để bảo vệ quyền lợi người bị hại, hạn chế án oan sai và đảm bảo chất lượng tranh tụng”.

Cũng trong sáng nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét và phê chuẩn việc thành lập Vụ Thi đua, khen thưởng của Toà án Nhân dân tối cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên