Lắng nghe đại biểu các dân tộc

Ông K’So Phước: Nhiệm kỳ tới sẽ có những bước chuyển đột phá mạnh mẽ ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam.  

Là người gắn bó với vùng đồng bào bào dân tộc thiểu số, ông K’So Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội luôn trăn trở với những chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc.

Phóng viên VOV ghi lại những suy nghĩ, kỳ vọng của ông đối với Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI, để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác Dân tộc thực sự đi vào cuộc sống.

PV: Thưa ông! Là người đại diện cho tiếng nói của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Quốc hội, ông kỳ vọng gì ở Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI?

Ông K’So Phước: Kỳ vọng lớn nhất của tôi là làm sao Đảng quan tâm nhiều hơn nữa bằng những chính sách cụ thể hơn, làm chuyển biến mạnh về cơ sở hạ tầng đời sống nhân dân, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam. Chắc chắn là nhiệm kỳ tới sẽ có những bước chuyển đột phá mạnh mẽ ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Có như vậy mới thực hiện được tư tưởng chủ đạo: Các dân tộc đoàn kết, bình đẳng giúp nhau cùng tiến bộ.

Với tư cách Uỷ viên Trung ương Đảng, chúng tôi tham gia nhiều trong văn kiện của Đảng nói về vấn đề quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số. Trong Đại hội lần này, chúng tôi sẽ lắng nghe các đại biểu mọi miền đất nước nói với Đảng những vấn đề dân tộc cần quan tâm. Chúng tôi sẽ ghi nhận, tổng hợp và đề xuất hoàn chỉnh thêm các tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong vấn đề thực hiện các chính sách dân tộc của nước ta.

Sẽ có nhiều chuyển biến trong đời sống người dân tộc thiểu số thời gian tới

PV: Trong nhiều chính sách đối vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo ông vấn đề nào được ưu tiên thực hiện trước, thưa ông?

Ông K’So Phước: Bây giờ ở vùng dân tộc có nhiều vấn đề đòi hỏi Nhà nước quan tâm, không thể nói có vấn đề nào cần quan tâm đầu tiên. Ví dụ có những dân tộc giảm dân số thì đó là vấn đề quan tâm đầu tiên của dân tộc đó, phải làm sao duy trì và tăng dân số của họ lên. Hay bây giờ có những dân tộc không sử dụng ngôn ngữ của họ nữa mà họ sử dụng ngôn ngữ của dân tộc khác, vấn đề ưu tiên của họ là phải làm sao khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc của dân tộc họ.

Hoặc có những dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo từ 70-90%, ưu tiên của họ phải là xóa đói giảm nghèo. Ta không thể nói cái nào là cái ưu tiên hơn mà nói chung các dân tộc thiểu số ở nước ta, hiện nay có 53 dân tộc thì mỗi dân tộc có những bản sắc riêng, đặc thù khó khăn riêng, Đảng và Nhà nước cần phải quan tâm xem xét những khó khăn đó để hỗ trợ, giúp đỡ tạo điều kiện cho các dân tộc vượt qua được khó khăn thách thức đó.

PV: Như vậy có nghĩa là việc thực hiện các chính sách dân tộc phải linh hoạt để đạt kết quả cao hơn?

Ông K’So Phước: Cũng gần như vậy nhưng nó cũng cần có những chính sách cơ bản chứ không phải có cái linh hoạt không. Hiện nay muốn thực hiện được vấn đề các dân tộc bình đẳng, đoàn kết tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển được, Nhà nước phải có những chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các dân tộc thiểu số.

So sánh hiện nay, vùng dân tộc đang là vùng có nhiều khó khăn hơn và đời sống các dân tộc thiểu số vẫn đang ở mức trung bình của cả nước, khoảng cách giàu nghèo cũng đang ngày càng giãn ra. Đảng và Nhà nước ta đang phải đối mặt trực tiếp với những vấn đề này để giúp đồng bào.

Không phải chỉ Nhà nước, mà làm sao nhân dân cả nước phải đồng tâm thực hiện như Bác nói: các dân tộc trên đất nước chúng ta là anh em ruột thịt, chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Tinh thần là thế, chính sách của ta cũng chỉ có đó, để làm sao các dân tộc tự thân vươn lên được. Muốn thế phải có chính sách, có hỗ trợ, có giúp đỡ ngay từ ban đầu.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên