Đảm bảo nền kinh tế không bị ảnh hưởng xấu từ Trung Quốc

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có kịch bản đối phó khi Trung Quốc tìm mọi cách phá hoại đầu tư của Việt Nam

Thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn lo ngại trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tình hình mất an ninh trật tự thời gian qua tại một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh bắt nguồn từ hành động của những đối tượng xấu lợi dụng cuộc biểu tình của người dân đập phá nhà xưởng, máy móc của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến tình kinh tế cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) kiến nghị Báo cáo của Chính phủ bổ sung diễn biến khó khăn của nền kinh tế trước sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong khu vực đặc quyền kinh tế của ta và trước động thái Trung Quốc đang rút công nhân ra khỏi Việt Nam.

Theo đại biểu Phạm Xuân Thăng, việc đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan khiến cho chúng ta đang phải chịu sức ép lớn về kinh tế, giao thương gặp khó khăn, lượng khách du lịch từ Trung Quốc vào Việt Nam giảm… Đây là những yếu tố bất lợi cho nền kinh tế của ta. Thực tế đó, buộc chúng ta phải có giải pháp ứng phó với những vấn đề này, bổ sung vào Báo cáo Chính phủ phần giải pháp cho những tháng cuối năm 2014 để chủ động cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư và giữ chân các nhà đầu tư, đồng thời ứng phó với những tình huống mới có thể xảy ra.

Đồng quan điểm với đại biểu Phạm Xuân Thăng, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) nhấn mạnh: Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời trấn an các nhà đầu tư, tuy nhiên không ngoại trừ những thủ đoạn nham hiểm hơn.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, việc Trung Quốc lôi kéo, dụ dỗ các nhà đầu tư rút khỏi Việt Nam là một thách thức vô cùng khó khăn, nhưng cũng là cơ hội tự lột xác của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước. Tuy vốn đầu tư của nước ngoài, đặc biệt của Trung Quốc ở Việt Nam chiếm tỷ trọng khá lớn nhưng chúng ta cần đánh giá xem công nghệ, mặt hàng, giá cả… có lợi cho nền kinh tế của Việt Nam ra sao, hay chúng ta đang phụ thuộc vào nhiều công nghệ của Trung Quốc, rất nhiều công nghệ đã lạc hậu. Nhiều mặt hàng ta sản xuất có sự liên kết, liên doanh hay ứng dụng công nghệ của Trung Quốc giá trị gia tăng không lớn, có thể giải quyết những nhu cầu trước mắt về vốn, nhưng thiếu tính bền vững.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề nghị Chính phủ coi đây là cơ hội để chúng ta cơ cấu lại các DN trong nước; với sự hỗ trợ tích cực hơn từ Nhà nước giúp doanh nghiệp vươn lên làm chủ sản xuất, làm chủ công nghệ, sản xuất những mặt hàng mang thương hiệu của Việt Nam.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (đoàn Bình Thuận) chia sẻ thêm, từ những kỳ họp trước, khóa trước, Quốc hội cũng đã từng cảnh báo phải hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc. Thực chất nhập siêu ở đây bao gồm cả những mặt hàng mà ta có thể tự sản xuất được. “Chúng ta vui mừng với xuất khẩu của ngành dệt may, nhưng giá trị thực người lao động Việt Nam được hưởng lợi lại không bao nhiêu vì ta nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc để gia công, chế biến”, ông Mạnh nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên