Đề án tái cơ cấu nền kinh tế: Băn khoăn về tính khả thi

Bắt đầu từ đâu, phương thức thế nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao… là những điểm mà nhiều ý kiến cho rằng Đề án chưa đề cập cụ thể.

Thảo luận tại Hội trường, sáng 8/6, các đại biểu Quốc hội cho rằng Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế là một công trình công phu, quán triệt được tinh thần, chủ trương, nghị quyết của đại hội Đảng và đã nêu ra được thực trạng và những vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng nhiều điểm quan trọng chưa được nêu rõ trong Đề án.

Nhiều ý kiến cho rằng, Đề án cần xác định rõ nguồn lực quốc gia và việc phân bổ các nguồn lực

Trước tiên phải cơ cấu về thể chế

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) bày tỏ lo lắng về tính khả thi của đề án. Theo đại biểu, Chính phủ phải dự báo và phân tích, đánh giá sâu hơn sự tác động của đề án ở các mặt đến đời sống kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn cụ thể.

“Chúng ta phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào khi sức khỏe của nhân vật chính, thành tố trung tâm là các đơn vị kinh tế, các doanh nghiệp nói chung trực tiếp vận hành công việc tái cơ cấu đang gần như kiệt sức. Các doanh nghiệp sẽ tái cơ cấu được tới đâu khi nguồn vốn hạn hẹp, tồn kho đầy ắp cùng với thị trường đầu ra trầm lắng”, đại biểu bày tỏ.

Theo đại biểu, chúng ta không nên quá kỳ vọng rằng đề án này sẽ đưa ra giải pháp tối ưu để giúp nền kinh tế vượt qua ngay khó khăn mà trước mắt cần nhắm tới mục tiêu khắc phục càng sớm càng tốt những yếu kém, tồn tại của nền kinh tế, phải lấy lại được thế ổn định cho kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, từ đó làm cơ sở tiếp tục thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm, mục tiêu thiên niên kỷ.

“Nên chăng chúng ta cần phải đặt vấn đề quy hoạch phát triển tổng thể nền kinh tế dài hạn với tầm nhìn 30 năm, 50 năm, rồi căn cứ vào đó chúng ta hoạch định tái cơ cấu cho từng giai đoạn”, đại biểu đặt vấn đề.

Đại biểu cho rằng, trong tương lai chúng ta phải tính toán đến việc vận hành một nền kinh tế khi nguồn tài nguyên đã cạn kiệt, diện tích bị thu hẹp do nước biển dâng và cả hệ lụy của quá trình tăng dân số, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và khó kiểm soát.

Thống nhất rất cao về khung cơ bản của quá trình tái cơ cấu với 3 trọng tâm mà đề án đã đề cập, tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, để đề án khả thi, điều quan trọng hàng đầu là cần phải cơ cấu lại và hệ thống toàn bộ thể chế chính sách, đặc biệt cần phải có giải pháp về công tác cán bộ, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng kịp thời yêu cầu của việc thay đổi mô hình và phương thức tăng trưởng kinh tế trước mắt cũng như dài hạn.

Cùng chung ý kiến, đại biểu Hoàng Đăng Quang (đoàn Quảng Bình) cho rằng, thể chế có những vấn đề chưa phù hợp suốt một thời gian dài. Chúng ta phát triển nền kinh tế chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào các vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, sử dụng lao động rẻ. Vì vậy, phải có những thể chế mới phù hợp hơn, góp phần nâng cao chất lượng khung thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách thủ tục hành chính.

“Hiện nay chúng ta đang trong quá trình sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992, có thể nói đây là cơ sở để xây dựng những thể chế mới phục vụ cho đề án tái cơ cấu của nền kinh tế, là tiền đề quan trọng để mở đường cho tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, đại biểu nhấn mạnh

Cần làm rõ việc phân bổ nguồn lực quốc gia

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TP HCM) nhấn mạnh, tái cơ cấu kinh tế tức là phân bổ nguồn lực của quốc gia, của xã hội vào những ngành, nghề, lĩnh vực, vùng lãnh thổ, góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế đạt hiệu quả tốt nhất với chi phí tối ưu. Do đó, đại biểu đề nghị trong đề án cần làm rõ toàn bộ nguồn lực quốc gia sẽ được phân bổ như thế nào, những việc gì sẽ dùng nguồn lực của Nhà nước, những việc gì dùng nguồn lực của xã hội để làm.

Theo đại biểu, đề án cần làm rõ những vấn đề liên quan đến phân bổ nguồn lực, đặc biệt là làm sao tối ưu hóa và huy động được tổng lực nguồn lực của xã hội, chuyển dần từ việc sử dụng nhiều nguồn lực Nhà nước hướng tới tạo môi trường, tạo thể chế để huy động nguồn lực của xã hội.

Liên quan đến mô hình tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TP HCM) cho rằng, trong đề án chỉ mới dừng lại nêu những nét chung là chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu. “Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng cụ thể của chúng ta là gì, dựa trên những nguyên tắc nào, tôi đề nghị đề án cần phải làm rõ”.

Về mô hình tăng trưởng, theo đại biểu, cần phải làm rõ được năng lực cạnh tranh cốt lõi là năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta tập trung dựa trên hai năng lực cạnh tranh cốt lõi này để định hình mô hình tăng trưởng trong thời gian tới.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị Đề án phải làm rõ những khoản kinh phí cần huy động cho toàn bộ quá trình tái cơ cấu là bao nhiêu. Trong đó, Chính phủ cần đề nghị làm rõ để Quốc hội xem xét ngân sách của Nhà nước cần bỏ ra cho quá trình tái cơ cấu này như thế nào.

Còn theo đại biểu Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang), khi triển khai đề án, cần xác định thứ tự ưu tiên chủ thể thực hiện và có lộ trình thực hiện tái cơ cấu, bao gồm ngành, lĩnh vực, vùng trọng điểm.

“Ngành, vùng, lĩnh vực nào thực hiện trước, thực hiện đồng thời hoặc thực hiện sau ở khâu đột phá từng vùng, từng tỉnh, từng ngành trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển tổng thể, không đầu tư tràn lan và kém hiệu quả”, đại biểu đề nghị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên