Độ tuổi xác định người cao tuổi là 60

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của hai dự án Luật: Luật Người cao tuổi và Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Chiều nay (28/9), tiếp tục phiên họp lần thứ 24, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, chuẩn bị Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý hai dự án Luật: Luật Người cao tuổi và Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trình Quốc hội khóa 12 xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Về dự án Luật Người cao tuổi, đối với phạm vi điều chỉnh và độ tuổi xác định người cao tuổi (Điều 1 và Điều 3), đa số các thành viên UBTVQH nhất trí với Dự thảo Luật là chỉ quy định đối với người cao tuổi là công dân Việt Nam mà không mở phạm vi điều chỉnh tới người cao tuổi là người nước ngoài. Điều này là phù hợp với thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật về người cao tuổi nước ta cũng như khả năng đáp ứng ngân sách nhà nước cũng như các điều kiện khác nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật. Các thành viên UBTVQH cũng tán thành quy định độ tuổi xác định người cao tuổi là 60 tuổi.

Các thành viên UBTVQH cũng tán thành với quy định về chính sách giảm giá vé, giá dịch vụ cho người cao tuổi (Điều 16). Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và bảo đảm tính khả thi của Luật, chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về loại hình dịch vụ và mức giảm giá để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.

Về xác định đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội (Điều 17) của Dự thảo Luật Người cao tuổi, đa số thành viên UBTVQH cho rằng chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi là trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và toàn xã hội. Các thành viên UBTVQH cho rằng nên quy định cụ thể người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội thường xuyên thì được hưởng trợ cấp xã hội và giao Chính phủ quy định mức trợ cấp xã hội hằng tháng.

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các thành viên UBTVQH đều nhất trí với tên gọi là Luật Khám bệnh, chữa bệnh, nhằm đáp ứng mong muốn của cử tri và đại biểu Quốc hội về việc chấn chỉnh và giải quyết các bức xúc hiện nay về khám, chữa bệnh (KCB) như: tình trạng quá tải ở các bệnh viện, y đức của cán bộ y tế xuống cấp, phân biệt đối xử giữa bệnh nhân là người có tiền với người nghèo, lạm dụng thuốc và xét nghiệm... Luật Khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao chất lượng Khám chữa bệnh.

Về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, các thành viên UBTVQH hội nhất trí với đề nghị nên cấp chứng chỉ hành nghề một lần. Trước mắt, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, cập nhật kiến thức chuyên môn và định kỳ kiểm tra chất lượng chuyên môn cho các cán bộ y tế. Các thành viên UBTVQH hội tán thành với ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cấp chứng chỉ cho cán bộ y tế ở cơ sở y tế do Bộ Y tế quản lý và cá nhân người nước ngoài hành nghề Khám chữa bệnh tại Việt Nam; Giám đốc Sở Y tế cấp cho cán bộ y tế thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế và chứng chỉ có giá trị toàn quốc. Các thành viên UBTVQH cũng dành nhiều thời gian thảo luận về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở Khám chữa bệnh, cán bộ công chức, viên chức hành nghề y tế tư nhân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên