Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - nhà lãnh đạo tài ba của Đảng

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đi vào lịch sử dân tộc là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta và mãi mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời cách mạng Việt Nam.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cựu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 – 9/7/2012), những người đảng viên cộng sản lại có dịp học tập về tác phong đạo đức và tinh thần cách mạng vô sản của ông. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng vì tinh thần hi sinh tận tụy một đời phụng sự vì nước vì dân, mà còn là người luôn được nhân dân tin yêu, đồng chí mến phục, bạn bè quốc tế yêu quý.

Đất nghèo nuôi chí cách mạng

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn Hà Bắc, nay là tỉnh Bắc Ninh. Phù Khê là một vùng quê có bề dày lịch sử, văn hiến, yêu nước và cách mạng. Kế thừa truyền thống của gia đình, quê hương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sớm trở thành một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, tổ chức, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống ách áp bức bóc lột của đế quốc, phong kiến và đã trở thành Tổng Bí thư của Đảng ta khi tuổi đời còn rất trẻ.

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng nổi tiếng xứ Kinh Bắc, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là hậu duệ đời thứ 17 của danh nhân Nguyễn Trãi. Thân phụ của đồng chí là cụ Nguyễn Văn Quán - nhà nho nghèo yêu nước, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Khuyến, người phụ nữ hiền thục đảm đang.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ

Sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bắt đầu từ rất sớm: Năm 1925, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tốt nghiệp trường sơ học và thi đỗ vào trường Bưởi ở Hà Nội. Thời kỳ học tại trường Bưởi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nhanh nhậy tiếp xúc với nhiều tài liệu sách báo cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài gửi về như: Người cùng khổ, Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường kách mệnh và đã hăng hái tham gia vào các phong trào yêu nước của sinh viên chống thực dân Pháp.

Đầu năm 1928, tại trường Bưởi, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (VNCMTN). Đang học năm thứ hai của trường Bưởi, thì đồng chí bị bọn mật thám Pháp phát hiện có tham gia vào các hoạt động yêu nước cách mạng và bị đuổi học khỏi trường.

Những ngày cống hiến

Tháng 5/1928, sau khi rời khỏi trường Bưởi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở về làng Hà Lỗ (Đông Anh-Hà Nội), ở nhà cụ Dương Tuấn Duy - một nhà nho nghèo yêu nước. Tại đây, đồng chí đã mở các lớp dạy học nhằm tuyên truyền giác ngộ cách mạng đối với đông đảo thanh niên. Đồng chí bị thực dân Pháp phát hiện, bắt đưa về Hà Nội, nhưng do không có bằng chứng nên buộc chúng phải trả tự do.

Cuối năm 1928, Kỳ bộ Bắc kỳ Hội VNCMTN đã họp và đưa ra chủ trương “vô sản hóa” nhằm đưa các hội viên của mình vào các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ để tự rèn lập trường giai cấp và tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong giai cấp công nhân.

Bấy giờ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được đồng chí Ngô Gia Tự, là Bí thư Tỉnh hội VNCMTN Bắc Ninh, giới thiệu với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Bí thư Tỉnh hội VNCMTN Hải Phòng đưa đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ Vàng Danh, tỉnh Quảng Ninh. Cũng từ đấy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bước vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.

Đến mỏ Vàng Danh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nhanh chóng lăn mình vào cuộc sống khổ cực của anh em công nhân thợ thuyền lao động và đã tuyên truyền giác ngộ cách mạng sâu rộng trong quần chúng giai cấp công nhân, một năm sau đã thành lập được Chi hội VNCMTN của mỏ Vàng Danh. Với nhiều thành tích trong hoạt động cách mạng, tháng 6/1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được kết nạp vào Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và trở thành cán bộ Đảng cốt cán đầu tiên ở vùng than Đông Bắc.

Tháng 9/1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cấp trên phân công làm cán bộ Đảng chuyên trách phụ trách công tác kiểm tra hoạt động của các tổ chức Đảng ở vùng mỏ Đông Bắc. Trên cương vị cán bộ Đảng chuyên trách, đồng chí đã có mặt ở nhiều nơi như: Cẩm Phả, Cửa Ông, Uông Bí... để giúp đỡ, chỉ đạo các cơ sở Đảng.

Tượng đài đồng chí Nguyễn Văn Cừ

Đến cuối năm 1929, đồng chí được cử về công tác tại mỏ Mạo Khê, nơi có truyền thống đấu tranh của công nhân, nhưng đang bị địch tăng cường khủng bố đàn áp, để trực tiếp chỉ đạo gây dựng lại cơ sở và phong trào cách mạng ở đây. Đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tham gia thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản ở Mạo Khê và mở đầu cho thời kỳ thành lập các Chi bộ Đảng Cộng sản ở vùng mỏ. Ngay sau thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Mạo Khê, đồng chí đã hoạt động tại nhiều địa bàn như: Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông... và đến giữa năm 1930 một loạt các Chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập ở vùng mỏ.

Trước sự phát triển của các cơ sở Đảng ở vùng mỏ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có sáng kiến thành lập Đặc khu mỏ, được Trung ương đồng ý và đồng chí được cử làm đại diện của Xứ uỷ Bắc Kỳ phụ trách Đặc khu mỏ. Ngay sau đó, đồng chí trực tiếp phụ trách tờ báo “Than” và được phát hành rộng rãi trong quần chúng lao động nhằm tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối cách mạng của Đảng để cổ vũ động viên quần chúng đấu tranh.

Giữa lúc phong trào cách mạng vùng mỏ đang phát triển mạnh mẽ thì ngày 15/2/1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị mật thám Pháp bắt trên đường đi công tác tại Cẩm Phả-Hòn Gai. Biết đồng chí là cán bộ Đảng phụ trách vùng mỏ, thực dân Pháp đã đưa đồng chí về Sở Mật thám Hải Phòng, dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man hòng moi tin tức nhưng chúng đều thất bại, sau đó chúng đưa đồng chí về nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) giam cầm.

Mặc dù không đủ bằng chứng, nhưng Tòa Đề hình Hà Nội vẫn xử đồng chí án tù chung thân và đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo. Tại đây, mặc dù dưới chế độ khắc nghiệt của thực dân Pháp nhằm tiêu diệt ý chí cách mạng của những chiến sỹ cộng sản, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng với các đồng chí của ta đã biến nhà tù đế quốc thành “Trường học Cộng sản”. Từ trong ngục tối, các đồng chí cộng sản đã cùng nhau trau dồi chủ nghĩa Mác-Lênin, thắp sáng niềm tin vào tiền đồ thắng lợi của cách mạng.

Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp và áp lực đấu tranh của nhân dân ta, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số đồng chí tù chính trị ở Côn Đảo được trả tự do. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trở về Hà Nội liên lạc với các đồng chí ở Trung ương thành lập ra “Ủy ban sáng kiến” nhằm khôi phục cơ sở và phát triển phong trào cách mạng. Tháng 7/1937, đồng chí tham gia thành lập Xứ ủy Bắc kỳ mở đầu cho thời kỳ khôi phục các cơ sở Đảng ở Bắc kỳ và Trung kỳ, đồng thời mở ra thời kỳ đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ và đưa Đảng ra hoạt động công khai.

Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ IV vào tháng 9/1937, trước nguy cơ chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những ý kiến đúng đắn kịp thời về việc thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương nhằm chống lại đế quốc và phát xít.

Tại Hội nghị này, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến ngày 30/3/1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ V, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trên cương vị làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã lãnh chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước phát triển mạnh mẽ.

Ngày 1/5/1938, nhân ngày Quốc tế Lao động, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương đã tổ chức một cuộc mít tinh khổng lồ tại khu đấu xảo Hà Nội. Trong cuộc mít tinh nà, quần chúng đã giương cao cờ đỏ và biểu ngữ, hát quốc tế ca, hô vang khẩu hiệu đòi các yêu sách về kinh tế, chính trị. Đây là đỉnh cao của phong trào quần chúng đấu tranh trong thời kỳ vận động dân chủ.

Nhà lãnh đạo xuất sắc

Sang năm 1939, trước nguy cơ chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, tình hình thế giới hết sức phức tạp, bọn tờ rốt kít đẩy mạnh chống phá Đảng Cộng sản, một số cán bộ nòng cốt của Đảng ta bị bọn “AB” chỉ điểm cho bọn mật thám bắt, trong nội bộ Đảng một số cán bộ có tư tưởng “tả khuynh” hay “hữu khuynh”.

Để trấn chỉnh kịp thời những tư tưởng lệch lạc sai trái trên, tháng 7/1939, với bút danh Trí Cường, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết và cho in cuốn “Tự chỉ trích” là một tác phẩm lý luận cách mạng xuất sắc, đã chỉ đạo quần chúng cách mạng đấu tranh lột mặt nạ bọn tờ rốt kít phản động, thẳng thắn phê phán tư tưởng cải lương, thỏa hiệp dưới mọi màu sắc, đồng thời đưa ra nguyên lý phê bình và tự phê bình trong nội bộ Đảng nhằm củng cố và xây dựng Đảng. Và đến nay, tác phẩm “Tự chỉ trích” vẫn còn nguyên giá trị trong công tác xây dựng, phát triển Đảng.

Tháng 11/1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần VI. Trước nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ hai, đồng chí đã có những ý kiến chỉ đạo rất sắc sảo rằng chiến tranh thế giới xảy ra thì đế quốc sẽ nhảy vào phát xít hóa bộ máy thống trị Đông Dương, phải mau lẹ đưa các cơ sở Đảng của ta vào hoạt động bí mật và đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.

Hội nghị đã đưa ra Nghị quyết nhấn mạnh: “Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương, tạm gác khẩu hiệu ruộng đất, đồng thời thành lập Mặt trận dân tộc phản đế thay cho Mặt trận dân chủ”. Những quyết định đúng đắn kịp thời trên của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI đã có vai trò quan trọng to lớn cho cách mạng nước ta trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc (1939-1945).

Giữa lúc phong trào cách mạng đang đứng trước bước ngoặt lịch sử mới, Đảng ta cần có một cán bộ tài trí, vững vàng, kiên định để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua ghềnh thác, thì ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt tại một cơ sở cách mạng ở Bà Điểm (Gò Vấp-Gia Định). Biết đồng chí là cán bộ cốt cán của Đảng, thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man hòng tiêu diệt ý chí cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Nhưng thực dân Pháp đã thất bại hoàn toàn và vào ngày 28/8/1941, chúng đã đưa đồng chí ra xử bắn tại Ngã ba Giồng (Hóc Môn-Gia Định). Trước họng súng của quân thù, đồng chí đã hiên ngang không cho chúng bịt mắt và hô vang khẩu hiệu: “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm”. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã anh dũng hy sinh giữa tuổi thanh xuân, trọn một đời vì Đảng, cách mạng, nhân dân và quê hương, đất nước.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước và cách mạng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đi vào lịch sử dân tộc là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta và mãi mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời cách mạng Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên