Lễ đổ giọt đồng cuối cùng tượng Thánh Gióng

Tượng đài Thánh Gióng là công trình vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính tâm linh được rước lên đỉnh núi Đá Chồng-Sóc Sơn-Hà Nội.  

Sáng 5/3, các tăng ni phật tử của Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã về chùa Non Nước (Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội) chứng kiến sự kiện đổ giọt đồng cuối cùng, hoàn thành việc đúc pho tượng đài Thánh Gióng, nặng gần 100 tấn, đặt trên đỉnh núi Đá Chồng, gần Học viện Phật giáo Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới dự buổi lễ.

Để có được sự  kiện này, ngày 26/10/2009, mẻ đồng đầu tiên chính thức được đổ vào khuôn của Tượng đài Thánh Gióng -  biểu tượng của tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Đây là dự án mà UBND TP Hà Nội đã giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư thực hiện công trình nhằm tôn vinh một vị thánh trong "Tứ Bất tử" của dân tộc Việt. Nguyên liệu để đúc tượng gồm 77 tấn đồng, 4 tấn thiếc và 4 tấn chì. Từ chế tác đến khi hoàn thành, khối lượng của bức tượng sẽ vào khoảng 85 tấn.

Nghệ nhân đúc đồng Vũ Duy Thuấn, Giám đốc Công ty TNHH Nam Đại Phong (Ý Yên, Hà Nam) - đơn vị trực tiếp đúc đồng cho biết: Hơn 50 công nhân làm việc liên tục trong 6 tháng để hoàn thành phần nung rồi đổ đồng vào khuôn, sau đó để nguội trong 3 tháng rồi mới lắp đặt các bộ phận của  tượng. Tượng Thánh Gióng có chiều cao 11,07m, thể hiện ở thế bay, góc nghiêng 35 độ, được đặt trên đỉnh núi cao. Công trình có tổng vốn khoảng 50 tỷ đồng được vận động bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Tượng đài Thánh Gióng là công trình vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính tâm linh được rước lên đỉnh núi Đá Chồng. Đây cũng là một trong những công trình trọng điểm quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên