Luật Biểu tình làm “nóng” nghị trường

Có ý kiến cho rằng cần thiết có Luật này để góp phần bảo vệ quyền dân chủ của người dân. Nhưng nhiều đại biểu cũng đưa ra ý kiến ngược lại…  

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, việc đưa dự án Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội khóa XIII nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các đại biểu Quốc hội. Phóng viên VOV Online đã có cuộc phỏng vấn và tổng hợp ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình): Cần thiết phải có Luật Biểu tình để người dân thể hiện sự tự do ngôn luận

Mặc dù Việt Nam chưa có Luật Biểu tình nhưng trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy ở một vài nơi vẫn xảy ra biểu tình của người dân như: bày tỏ quan điểm về giờ làm, tăng lương, cải tiến chính sách bảo hiểm… Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cần thiết phải có Luật Biểu tình nhằm để nhân dân thể hiện sự tự do ngôn luận, quyền dân chủ.

Phải hiểu rõ là Luật Biểu tình ra đời không có nghĩa là khuyến khích biểu tình, chống đối, mà sự thiết thực của biểu tình là để các cơ quan Nhà nước lắng nghe, ghi nhận ý kiến đóng góp, kiến nghị của nhân dân về một vấn đề nào đó một cách chính đáng. Qua đó, các cơ quan có thể xây dựng đất nước tốt hơn, củng cố lòng tin trong nhân dân, hướng dẫn người dân chấp hành pháp luật.

Đại biểu Trần Tiến Dũng

Luật Biểu tình cũng cần quy định chặt chẽ là sẽ xử phạt nghiêm khắc những đối tượng lợi dụng biểu tình để chống phá Nhà nước, gây mất trật tự xã hội, làm ùn tắc giao thông. Nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh):  Để bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị của người dân

Trong thời đại bùng nổ thông tin và hội nhập quốc tế, Luật Biểu tình ra đời sẽ góp phần bảo vệ quyền dân chủ, ngôn luận của người dân. Nếu một doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động thì người dân có quyền biểu tình để bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị của họ.

Thông qua biểu tình, chúng ta sẽ biết được người dân đồng tình với một chính sách hoặc phản đối một chủ trương nào. Các cơ quan có trách nhiệm cũng có thể lắng nghe những cái gì tích cực và còn hạn chế để điều chỉnh, đưa ra những quyết sách phù hợp hơn. Nếu bác bỏ sự cần thiết của Luật Biểu tình là chúng ta bác bỏ quyền lợi, sự dân chủ của người dân.

Đại biểu Hoàng Hữu Phước

Đại biểu Hoàng Hữu Phước (đoàn TP HCM): Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật Biểu tình

Tôi đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Cái Việt Nam cần có thể là những quy định về đức tin, về tuần hành đông người. Nhưng liệu Quốc hội có nên dành ra 2 năm và bao tiền của của nhân dân để soạn ra dự án Luật đức tin hay Luật tuần hành hay không.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là dự án Luật biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân là người cao tuổi, cựu kháng chiến, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang… hay chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm.

Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật Biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng): Cần trưng cầu ý kiến của người dân

Tôi cho rằng, những cuộc biểu tình chính là sự phản biện xã hội. Nếu không có Luật Biểu tình thì người dân vẫn biểu tình, còn nếu có Luật thì Nhà nước sẽ điều hành, quản lý trật tự xã hội, quyền lợi của nhân dân một cách tốt hơn.

Trước khi soạn thảo dự án Luật Biểu tình, tôi nghĩ cần có cuộc trưng cầu ý kiến của nhiều cơ quan, đoàn thể và đông đảo người dân.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên - Huế): Đưa Luật Biểu tình trong thời điểm này chưa phù hợp

Tôi không đồng tình với ý kiến cần có Luật Biểu tình. Về thể chế, hệ thống chính trị chúng ta đã xây dựng bao nhiêu năm nay và rất hoàn chỉnh. Đất nước hiện nay đang trên đà phát triển về nhiều lĩnh vực nên quan điểm đưa Luật Biểu tình vào trong thời điểm này, theo tôi nghĩ chưa phù hợp và phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.Các ảnh hưởng đằng sau biểu tình, chúng ta chưa thể lường trước là sẽ có những kẻ lợi dụng biểu tình vào mục đích xấu.

Tôi đề nghị, chúng ta nên tăng cường đối thoại trực tuyến, ví dụ những vấn đề gì nhạy cảm, vấn đề gì bức xúc, tranh chấp đất đai hoặc tình hình Biển Đông chúng ta cứ đối thoại. Chính phủ, Chủ tịch các tỉnh, HĐND, UBND cũng phải có đối thoại định kỳ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên