Phản ứng của Việt Nam về báo cáo của HRW

Báo cáo mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền mới công bố là không có cơ sở, xuyên tạc thực tế công tác cai nghiện tại Việt Nam với dụng ý xấu.

Ngày 9/9, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về báo cáo “Quần đảo cải tạo: Lao động cưỡng bức và những sai phạm khác trong các trung tâm giam giữ người nghiện tại miền Nam Việt Nam” được Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) công bố ngày 7/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nêu rõ:

Báo cáo mà Tổ chức Theo dõi nhân quyền mới công bố là không có cơ sở, xuyên tạc thực tế công tác cai nghiện tại Việt Nam với dụng ý xấu.

Nghiện ma túy là hành vi gây hậu quả nhiều mặt tới cộng đồng, xã hội, và đặc biệt ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, hành vi, nhân cách của chính bản thân người nghiện. Vì vậy cai nghiện bắt buộc là biện pháp mang tính nhân văn, hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện không có đủ khả năng cai nghiện tự nguyện, yêu cầu người nghiện cách ly cộng đồng một thời gian để tránh xa ma túy, nhận thức được tác hại của việc lệ thuộc vào ma túy, phục hồi sức khỏe và khả năng lao động, tái hòa nhập với cộng đồng, tìm được việc làm và ổn định cuộc sống.

Quan điểm này của Nhà nước Việt Nam cũng phù hợp với nguyên tắc điều trị nghiện ma túy hiệu quả của Viện nghiên cứu quốc gia về lạm dụng ma túy (NIDA), thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ (USDHHS), Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy của LHQ (UNODC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). 

Điều trị cai nghiện cho người nghiện ma túy tại Việt Nam được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi sử dụng ma túy trái phép không phải là tội phạm mà là hành vi vi phạm pháp luật về mặt hành chính và được xử lý theo quy định của pháp luật hành chính. Việc đưa ra và thực hiện quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc phải thông qua một quy trình thủ tục hành chính nghiêm ngặt, khách quan và được một cơ chế thẩm tra, giám sát chặt chẽ. Trong cơ sở cai nghiện, mọi hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự của người đang cai nghiện bị pháp luật nghiêm cấm.

Trong thời gian cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, người cai nghiện được đảm  bảo thực hiện đầy đủ các quyền lợi và trách nhiệm theo quy định của pháp luật như: được bố trí nơi ăn ở phù hợp với độ tuổi và giới tính, được tiếp đón thân nhân, được chăm sóc  y tế, chữa bệnh, được hỗ trợ kinh phí điều trị cai nghiện, được học văn hóa, học nghề, được lao động trị liệu, được hưởng các sản phẩm và thu nhập từ tham gia lao động tại Trung tâm, có quyền khiếu nại, tố cáo… Người nghiện ma túy chưa thành niên còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác về y tế, giáo dục, học nghề và kinh phí cai nghiện…

Lao động trị liệu là một phần của quy trình cai nghiện nhằm giúp người cai nghiện ma túy tăng cường sức khỏe, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, nhận thức về giá trị của lao động, trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội.

Thực tế những năm qua chứng tỏ cai nghiện bắt buộc là biện pháp nhân văn, hiệu quả, có lợi cho cá nhân người nghiện, cộng đồng và xã hội. Thông qua các liệu pháp về y tế, tâm lý, giáo dục, lao động, mỗi năm các trung tâm cai nghiện đã hỗ trợ điều trị cho hàng chục ngàn người nghiện ma túy, giúp họ rời xa ma túy, phục hồi sức khỏe, nhân cách trở về tái hòa nhập cuộc sống. Tỷ lệ người tái nghiện tại Việt Nam ngày càng có xu hướng giảm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên