Phòng, chống bão lụt phải chủ động, căn cơ

Chính sách phòng chống thiên tai của chúng ta hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào giải quyết hậu quả là chính, phần lớn chỉ quan tâm đến tính mạng người dân mà chưa giải quyết được vấn đề tài sản.

Từ lâu, công tác phòng, chống bão lụt ở nước ta luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm; coi đây là nhiệm vụ chiến lược. Tuy nhiên, do thiếu đồng bộ trong các giải pháp thực hiện cũng như sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương nên mỗi khi bão lũ xảy ra lại gây thiệt hại rất lớn về người và của. Chính vì vậy, tại kỳ họp này, vấn đề phòng chống bão lụt một lần nữa lại được các đại biểu Quốc hội tiếp tục đưa ra thảo luận, nhằm tìm ra giải pháp thích hợp để công tác này có hiệu quả. 

Cứu trợ đồng bào sau bão lụt

Vẫn là nước đến đâu “nhảy” đến đó

Trung bình mỗi năm, nước ta phải hứng chịu gần 10 cơn bão độ bộ vào đất liền, gây thiệt hại rất nặng nề về người và của. Mỗi năm thiệt hại do thiên tai chiếm tới 1-2% GDP. Riêng năm 2008, tổng thiệt hại do bão, lũ, mưa lớn, triều cường gây ra trong cả nước lên tới 13.300 tỷ đồng; làm 473 người bị chết, 64 người mất tích, 4.180 ngôi nhà sập, đổ, trôi; 338.500 nhà bị hư hỏng, 473.400 ha lúa và hoa màu thiệt hại. Năm nay, 2 cơn bão số 9 và số 11 xảy ra ở miền Trung-Tây Nguyên đã có tới gần 300 người bị chết, 18 người mất tích và tổng mức thiệt hại của Nhà nước và nhân dân lên tới hơn 20.000 tỷ đồng…

Theo đại biểu Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên - Huế), mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng, nhưng điều ai cũng thấy và suy nghĩ là công tác phòng chống bão, lụt hiện nay đang còn bị động và lúng túng. Bởi vậy, cần tính toán lại cách làm để đối phó bão, lụt một cách căn bản và chủ động hơn. Theo nhận xét của đại biểu Đồng Hữu Mạo: “Cứ mỗi lần có bão lũ xảy ra thì Chính phủ chỉ đạo các địa phương di dời bà con ở nơi nguy hiểm, vùng trũng thấp đến nơi an toàn. Tuy nhiên, di dời dân là một giải pháp rất bị động, khó khăn và tốn kém và mới chỉ giải quyết được an toàn về người, còn về tài sản thì chưa giải quyết được. Vì vậy, đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nhân dân trong việc xây dựng một nơi ở an toàn; vượt được lụt lịch sử, có kết cấu công trình chịu được bão lớn, bão mạnh”.

Đại biểu Trần Tiến Cảnh (đoàn Hà Nam) cho rằng: công tác dự báo thời tiết rất phức tạp và khó lường, nhưng không phải vì thế mà xem nhẹ. Bởi vậy, cùng với nâng cao chất lượng dự báo, rất cần thiết phải hướng dẫn cho người dân ngoài phòng chống bão còn có thói quen di chuyển tránh bão, ứng phó với việc nước biển dâng.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Bình Thuận) nhận xét: chính sách phòng chống thiên tai của chúng ta hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào giải quyết hậu quả là chính, chưa tập trung vào đầu tư vào các chiến lược để phòng chống; các quy hoạch, kế hoạch còn rất hạn chế. Bởi vậy, Quốc hội cần phải quan tâm hơn đến yếu tố phòng chống thiên tai trong vấn đề phát triển, tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững.  

Rừng bị phá, khai thác thủy điện quá mức

Đại biểu Dương Kim Anh, đoàn Trà Vinh cho rằng: các sông ở miền Trung ngắn, độ dốc cao, nên cường suất lũ chảy xuống dữ dội. Ngoài yếu tố rừng đầu nguồn bị chặt phá thì việc khai thác thủy điện quá mức ở khu vực này cũng là nguyên nhân gây ra lũ lớn.

Đại biểu Dương Kim Anh phân tích: “Nếu xây dựng quá nhiều thuỷ điện vừa và nhỏ mà không tính toán kỹ tác động đến môi trường thì lợi bất cập hại. Bởi vậy, Chính phủ và Bộ Công thương cần sớm rút kinh nghiệm để điều chỉnh quy hoạch, nhằm đảm bảo tính đồng bộ hơn trong việc xây dựng, vận hành của từng nhà máy thủy điện cũng như của cả hệ thống trên cùng một dòng sông”.

Đại biểu Bùi Thị Hoà (đoàn Đắk Nông) cho biết: Năm 2007, độ che phủ rừng của Tây Nguyên là 56,3%, đến năm 2008 chỉ còn 51,3%. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn vùng đã xảy ra 973 vụ vi phạm Luật bảo vệ rừng, thiệt hại 627 ha rừng. Diện tích rừng suy giảm là do chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, do tốc độ trồng mới không bù lại được diện tích bị xâm lấn do công tác quản lý yếu kém. Hậu quả tất yếu là thu hẹp nhanh chóng độ che phủ rừng, thiếu hụt nguồn nước, phá huỷ môi trường dẫn đến thiên tai hạn hán, lũ lụt và nhiều vấn đề xã hội khác.

Thống nhất với ý kiến này, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) đề nghị: “Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xây dựng và triển khai ngay chương trình mục tiêu quốc gia về thích ứng với sự biến đổi khí hậu, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân”.

Đối với nước ta, một đất nước mà bão lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên, thì công tác phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai cần được quan tâm ở tầm chiến lược quốc gia. Trước hết là đầu tư nâng cấp, nâng cao năng lực cũng như chất lượng dự báo thời tiết để chủ động phòng chống thiệt hại, có chương trình di dời tái định cư cho nhân dân vùng ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, nghiên cứu xây dựng mô hình quy trình chuẩn cho công tác phòng chống bão lụt, đầu tư các công trình chiến lược, gắn công tác phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu với việc hoạch định các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.                                                      

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên