Quy hoạch sử dụng đất

Quan tâm đến quyền lợi người trồng lúa

Cần đánh giá, phân tích làm rõ thực trạng quy hoạch hiện nay, đối với từng nhóm đất, mức độ tác động về kinh tế-xã hội  

Tiếp tục chương trình làm việc chiều 29/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý  kiến về các báo cáo của Chính phủ về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 -2020; Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban kinh tế Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế nhất trí với quan điểm, mục tiêu định hướng, phương án cũng như việc đổi mới về nội dung Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất 2011-2015.

Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia Chính phủ trình Quốc hội có 13 chỉ tiêu. Uỷ ban Kinh tế cho rằng, Quốc hội chỉ nên quyết định các chỉ  tiêu cứng cần xác định để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an ninh lương thực quốc gia. Các chỉ tiêu còn lại giao Chính phủ, chính quyền các cấp phê duyệt theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện đảm bảo tính linh hoạt. Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối, vì đất rừng sản xuất chiếm 50% đất lâm nghiệp, ảnh hưởng đến độ che phủ của của rừng và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…

Hiện trạng đất trồng lúa đến năm 2010 là 4.120.000 ha, quy hoạch đất lúa đến năm 2020 tổng diện tích còn 3.812.000 ha, giảm 308.000 ha. Theo tổng hợp đề xuất của các địa phương diện tích đất này còn 3,6 triệu ha vào năm 2020, giảm 508.000 ha.

Biểu đồ minh hoạ cho hiện trạng đất trồng lúa từ năm 2010-2020

Uỷ ban kinh tế nhất trí với mục tiêu giữ diện tích đất lúa ở mức 3,8 triệu ha. Theo đề nghị của Chính phủ, đến năm 2020 diện tích đất khu công nghiệp (KCN) là 200.000ha. Uỷ ban kinh tế nhất trí với phương án của Chính phủ, nhưng đề nghị cần đất đến đâu thì thu hồi đến đó và quan tâm đến các địa phương, các vùng có điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng, vùng ven biển. Đối với khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có những quyết định nhằm chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nói riêng và hiệu quả kinh tế-xã hội nói chunng ở các khu kinh tế này.

Về kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) của Chính phủ, trong một số chỉ tiêu cụ thể, Uỷ ban kinh tế đề nghị, cần xem xét tính toán lại đối với diện tích đất dành cho KCN. Hiện nay tỷ lệ lấp đẩy các KCN đạt rất thấp, trong khi đó kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015 tăng từ 72.000 ha lên 150.000 ha là quá nhanh, dẫn đến không đạt kết quả hoặc hiệu quả thấp. Vì vậy cần tính toán kỹ, bảo đảm nguồn lực để thực hiện. Về kế hoạch đưa 1.067.000 ha đất chưa sử dụng vào khai thác, Chính phủ cần xác định cụ thể chương trình khai hoang và các giải pháp để sử dụng; đồng thời có biện pháp thu hồi diện tích đất đã giao mà chưa sử dụng để hoang hoá.

Nhận xét co ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ, đa số các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất rằng, Quy hoạch sử dụng đất cần đánh giá, phân tích làm rõ thực trạng quy hoạch hiện nay, đối với từng nhóm đất, mức đọ tác động về kinh tế-xã hội

Các chính sách quản lý đất đai thực hiện chưa được đề cập trong Quy hoạch chưa được đề cập để có cơ sở đánh giá, phân tích chính sách đất đai áp dụng hiện nay đối với từng loại đất hiện nay tác động thế nào từ đó có đề xuất quy hoạch mới. Quy hoạch cũng cần nêu rõ giải pháp thực hiện, tính dự báo của quy hoạch trong các quỹ đất dành cho giao thông, phúc lợi xã hội… Quy hoạch phải tính đến hiệu quả trong 10 năm tới, đảm bảo an ninh lương thực, trong điều kiện dân số tăng, biến đổi khí hậu, các KCN, đô thị sẽ lấy một phần đất lúa. Tuy nhiên quy hoạch không đề cập đến vấn đề khai hoang đất đồi núi hoang hoá hoặc lấn biển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng để đảm bảo diện tích đất lúa, đảm bảo an ninh lương thực thì cần quản lý chặt chẽ diện tích đất nông nghiệp. Chính phủ cần có giải trình rõ ràng với từng loại đất quy hoạch để đảm bảo giữ được diện tích đất lúa ở 3,8 triệu ha.

Đại biểu Nguyễn Hứu Chí nêu cần quan tâm giải  quyết mâu thuẫn giữa diện tích đất nằm trong quy hoạch và ngoài quy hoạch để bảo đảm lợi ích của người dân. Thực tế ở nhiều nơi trên đất trồng lúa trên 1 đơn vị diện tích nông dân có thế phát triển kinh tế ngoài cây lúa mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa. Có giải quyết tốt mâu thuẫn này mới đảm bảo quyền lợi kinh tế của người dân trong vùng quy hoạch trồng lúa không bị thiệt thòi.

Về 13 chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đại biểu Phan Trung Lý đề nghị không nên để cho Chính phủ và địa phương quyền cấp phê duyệt tổ chức thực hiện vì đất đai là tài sản quốc gia chỉ có Quốc hội mới có quyền quyết định…./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên