Bỏ HĐND quận, huyện, phường, dân có khiếu nại nhiều hơn không?

VOV.VN - Bà Đỗ Thị Hoàng cho rằng cần có tổng kết đối với những địa phương thực
hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, sau khi thực hiện
mô hình này.

Thay mặt đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương chiều 16/4, bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã có phát biểu “khá mạnh” về sự cần thiết phải đổi mới bộ máy chính quyền địa phương.

Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Theo bà Đỗ Thị Hoàng, tuy Quảng Ninh không phải là địa phương thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, nhưng trong hơn 1 năm qua, Quảng Ninh đã tiến hành rà soát rất kỹ tổ chức bộ máy và thấy bộc lộ một số nhược điểm: Tổ chức bộ máy cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Bộ máy nội sinh để phục vụ chính mình chiếm tỉ lệ khá cao trong tổng biên chế, 20-35%.

Giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều chức năng, nhiệm vụ tương đồng, có thể bổ sung, hỗ trợ nhau nhưng chưa thống nhất, chưa có cơ chế vận hành hiệu quả, vẫn còn nhiều tầng nấc trung gian. 

Số người hưởng lương từ ngân sách đông và có xu hướng ngày càng tăng. Các cơ chế tuyển dụng, sử dụng, phân bổ ngân sách không theo kịp yêu cầu đổi mới kinh tế, dẫn đến tình trạng trì trệ, ỷ lại, máy móc trong quá trình thực hiện.

Một bất cập khác là việc thể chế hóa việc mở rộng và phát huy dân chủ của nhân dân theo tinh thần Hiến pháp 2013 không theo kịp đòi hỏi của thực tiễn, nhất là mở rộng dân chủ trực tiếp, ở các nội dung: Phát hiện, giới thiệu, lựa chọn, bầu cử người thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; Giám sát trực tiếp các cơ quan chấp hành của HĐND. Cơ chế hiện nay chỉ quy định giám sát thông qua tổ chức đại diện như HĐND, MTTQ và các đoàn thể chính trị.

Dân chủ trực tiếp cũng chưa được phát huy trong phát hiện, đề xuất, hiến kế, hiến công trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hay ít nhất là trong thực hiện huy động nguồn lực cho cung ứng các dịch vụ công trong xã hội. Theo quy định hiện nay, việc tiếp dân mới chỉ là để giải quyết khiếu nại, tố cáo chứ không nhằm khuyến khích người dân hiến công, hiến kế.

Chưa có cơ chế để giám sát thể chế hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên theo tinh thần của Hiến pháp, pháp luật cũng như cơ chế để các tổ chức Đảng và đảng viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân về các quyết định của mình.

Theo bà Đỗ Thị Hoàng, một số nội dung cần kiến nghị nữa đó là việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cơ chế trách nhiệm chưa đủ rõ, chưa đủ mạnh giữa các cấp và giữa các chủ thể; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất và cứng nhắc, dẫn đến tình trạng cào bằng giữa các mô hình tổ chức bộ máy. Thủ tục hành chính về tổ chức bộ máy cũng còn rườm rà, không cần thiết ngay cả trong quy trình giới thiệu, lựa chọn bầu cử và phê chuẩn.

Bà Đỗ Thị Hoàng cho rằng cần có tổng kết đối với những địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, sau khi thực hiện mô hình này, kinh tế xã hội có phát triển không, dân có khiếu nại tố cáo nhiều hơn những địa phương vẫn giữ mô hình HĐND hay không?

Từ những phân tích trên, bà Đỗ Thị Hoàng kiến nghị cần có sự đổi mới một cách đột phá, không ngại sự xáo trộn, nếu vẫn đảm bảo sự ổn định chính trị của cả hệ thống, phân biệt rõ ràng hơn nữa giữa các cấp chính quyền ở đô thị, nông thôn và hải đảo.

Bà Đỗ Thị Hoàng nhấn mạnh: “Chúng tôi chọn phương án 2. Cái chính không phải sợ không có HĐND thì không phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, quan trọng là phát huy quyền làm chủ của nhân dân bằng cách nào và như thế nào, dân chủ trực tiếp hay qua trung gian, hay cả hai".

Bà Đỗ Thị Hoàng cũng đề nghị số lượng cơ cấu của các cơ quan HĐND và UBND cần thiết phải quy định trong luật theo khung ít nhất và nhiều nhất cho quy mô từng cấp hành chính để đảm bảo sự linh hoạt giữa các địa phương, phát huy tiềm năng, thế mạnh, gắn với cơ chế đào tạo bồi dưỡng con người. Đồng thời cũng mở ra một cơ chế vận hành mới khi nhất thể hóa về tổ chức để đảm bảo Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân nhưng cũng giải quyết được các bài toán về tổ chức bộ máy.

Theo bà Đỗ Thị Hoàng, dự án Luật cũng cần mở ra một số cơ chế để có thể thực hiện thí điểm một số mô hình mới gắn với cơ chế dân chủ trực tiếp như nhân dân bầu trực tiếp người đứng đầu UBND cấp xã; có quy định cụ thể về thư ký HĐND được áp dụng tương tự như đoàn thư ký của Quốc hội gắn với lĩnh vực chuyên môn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Bộ máy chính quyền đang bị chồng chéo chức năng”
“Bộ máy chính quyền đang bị chồng chéo chức năng”

VOV.VN - Song song với luồng ý kiến giữ nguyên mô hình cũ, luồng ý kiến thứ hai đề nghị phải mạnh dạn đổi mới không ngại xáo trộn.

“Bộ máy chính quyền đang bị chồng chéo chức năng”

“Bộ máy chính quyền đang bị chồng chéo chức năng”

VOV.VN - Song song với luồng ý kiến giữ nguyên mô hình cũ, luồng ý kiến thứ hai đề nghị phải mạnh dạn đổi mới không ngại xáo trộn.