Chặng đường phát triển của Liên minh Nghị viện thế giới IPU

VOV.VN - Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Liên minh đã thể hiện cam kết
chắc chắn nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh, dân chủ, nhân quyền và phát
triển bền vững.

Từ thế kỷ thứ XIX, với sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc, chiến tranh liên miên qua hai cuộc đại chiến thế giới đã để lại những dấu tích trong tiềm thức của các dân tộc. Trong hy vọng tự giải thoát khỏi các tham vọng bị sụp đổ và các cuộc đấu tranh trong nước, giới cai trị ở các nước lớn và các nước khác nhỏ hơn đã bị khuất phục trước sự cám dỗ đến chóng mặt của lợi nhuận và thanh thế thu được từ các cuộc bành trướng địa lý không giới hạn. Sự chinh phục thuộc địa và bành trướng là hiện tượng châm ngòi cho chiến tranh biên giới. 

Liên minh Nghị viện thế giới ra đời trong hoàn cảnh khó khăn và phức tạp như vậy, nhưng Liên minh đã cố gắng tạo ra các điều kiện thích hợp cho việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, dựa trên cơ sở quyền lợi chính đáng hơn là sức mạnh của các cuộc chiến tranh tàn khốc.

 

Trụ sở IPU tại Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: Tư liệu IPU)

Giai đoạn 1889-1945: Tìm giải pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình

Từ London (1890), Roma (1891) đến Bern (1892)

Hội nghị lần thứ hai diễn ra tại Lodon trong hai ngày 22 và 23 tháng 7 năm 1890 thu hút thêm đại biểu từ 6 nước nữa. Nội dung chủ yếu của hội nghị là thảo luận và xem xét các biện pháp tốt nhất để tăng cường các nguyên tắc trọng tài và các vấn đề tương tự.

Hội nghị lần thứ ba tại Rome, Italy vào đầu tháng 11 năm 1891 tập trung chủ yếu vào thiết lập cơ cấu bên trong - cơ quan thường trực của Hội nghị và các nguyên tắc hoạt động của nó.  

Tại Bern, Thụy Sĩ năm sau (năm 1892) đã diễn ra Hội nghị lần thứ tư, một văn phòng được thành lập với tên gọi Văn phòng liên Nghị viện về Trọng tài quốc tế. Người giữ chức vụ Chủ tịch điều hành là Ủy viên Hội đồng quốc gia Albert Gobat, cựu Bộ trưởng Giáo dục bang Bern và là Chủ tịch Hội nghị thứ tư.

Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của Liên minh vẫn chưa được hoàn thiện ở Bern. Liên minh vẫn chưa có qui chế hoạt động. Mãi cho đến cuộc họp của Văn phòng tại Brussels năm 1893 mới thảo được qui chế và một năm sau đó được ban hành ở La Haye.

Từ La Haye (1984) đến Buđapest (1896)

Hội nghị La Haye tháng 9 năm 1894 đánh dấu việc mở rộng cơ sở đa quốc gia của tổ chức này. Ý tưởng thành lập Toà án Trọng tài thường trực được đưa ra tại Rome trước đó đã đạt được những cơ sở nhất định. Một Ủy ban đặc biệt được giao dự thảo công ước dựa trên một số nguyên tắc “độc lập chủ quyền quốc gia là không thể tước bỏ và bất khả xâm phạm; các chính phủ tham gia vào thể chế Toà án Quốc tế là hoàn toàn tự nguyện; tất cả các quốc gia tham gia hoàn toàn bình đẳng trước Toà án quốc tế; các phán xử của Toà án phải có hiệu lực thi hành”. 

“Bản ghi nhớ của các cường quốc” được dự thảo nêu ra tất cả các biện pháp có thể nhằm đảm bảo tính công bằng của các thẩm phán, những người có thể mang quốc tịch của bất kỳ một quốc gia nào tham gia công ước thiết lập toà án trọng tài trong tương lai. Việc yêu cầu toà án đứng ra xét xử là tự nguyện và việc thi hành các quyết định của toà án dựa trên các biện pháp hoà bình do tòa phán quyết.

Hội nghị Budapest tháng 9 năm 1896 đánh dấu kỷ lục đáng khích lệ với sự tham gia của 250 đại biểu đến từ 16 quốc gia. Từ sau năm 1889, các đại biểu Mỹ không tham gia hội nghị nào của Liên minh và lần này cũng vậy. Tuy nhiên, việc họ trở lại hội nghị vào năm sau là một dấu hiệu tích cực. Sự vắng mặt đáng tiếc và làm cho Liên minh lo ngại nhất là các đại biểu đến từ Nga, những người không thể tham gia hội nghị do họ chưa có nghị viện. Văn phòng liên Nghị viện quốc tế đã phải bổ sung vào qui chế “sau khi đã thông báo cho Chính phủ từng nước, từng thành viên của các Nghị viện và các Hội đồng hoặc thể chế tương tự ở các nước không có hiến pháp cũng có thể tham gia hội nghị”. Đó được coi là “điều khoản Nga nổi tiếng” mà sau này đã bị huỷ bỏ. Tuy vậy, trước lời kêu gọi của hội nghị, Chính phủ Nga vẫn từ chối tham dự.

Từ Christiania (1899) đến Paris (1900)

Hưởng ứng lời kêu gọi các quốc gia do Sa hoàng Nicolas II phát động nhằm triệu tập một hội nghị bàn về hạn chế vũ khí, những nội dung trong thông điệp của nước Nga được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị, bao gồm lệnh tạm ngừng tuyển thêm quân số và tăng chi phí quân sự, lệnh cấm sử dụng các loại vũ khí nguy hiểm và phát minh ra các loại vũ khí này; củng cố luật pháp và tập quán chiến tranh trên biển và đất liền để bổ sung vào Công ước Geneva 1864; việc chấp nhận sử dụng các biện pháp hỗ trợ, trung gian và trọng tài tự nguyện. Động thái này báo hiệu đỉnh cao nỗ lực của Liên minh, đó là trọng tài được chính thức công nhận là công cụ để giải quyết các tranh chấp quốc tế.    

Hội nghị tại Christiania vào năm kỷ niệm lần thứ 10 của Liên minh (1889-1899) đánh dấu bằng sự tham gia đông đảo của 468 đại biểu đến từ 18 quốc gia.  

Hội nghị Paris năm 1900, với tư cách là một thể chế, Liên minh đã tán thành nguyên tắc “ngầm” về không can thiệp vào công việc nội bộ của các thành viên có thế lực nhất. Nhưng mặt khác, Liên minh không ngăn cản việc các thành viên sử dụng tư cách cá nhân hay tư cách thành viên nhóm tập hợp nhau lại với một lý do nào đó thuộc phạm vi thẩm quyền của họ. Hội nghị Paris chỉ tập trung nghiên cứu về vấn đề “chế độ đối xử trong chiến tranh đối với các quốc gia đã tuyên bố trung lập” và “sứ mệnh của các nghị sỹ về giáo dục ”.

Từ Vienna (1903) đến London (1906)

Hội nghị của Liên minh đã bị gián đoạn trong suốt 3 năm do tại Christiania, một quyết định về việc tổ chức hội nghị hai năm một lần được đưa ra và Paris được chọn cho năm 1900 và Vienna cho hội nghị năm 1902. Nhưng với số lượng đông đảo khoảng 600 đại biểu đã buộc các nhà tổ chức hủy bỏ hội nghị tại Vienna vào phút chót và hoãn đến năm 1903. Các đại biểu dành sự chú ý lớn tới báo cáo về các vụ kiện được đưa ra trước Toà án La Haye như tranh chấp thuế nhập khẩu giữa Mexico và Mỹ hay giữa một bên là Đức - Anh - Pháp và Nhật Bản. Các cuộc thảo luận cũng tập trung vào đề tài chiến tranh giữa ba nước Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch.

Hội nghị của Liên minh với sự tham gia của 136 nghị sĩ từ 15 nước châu Âu và nhóm Quốc gia Hoa Kỳ mới thành lập đã đưa thanh thế của Liên minh lên tới đỉnh cao. Nghị quyết của Liên minh về việc triệu tập hội nghị La Haye mới đã được Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt thông qua và được báo chí Mỹ cũng như báo chí thế giới hết lòng ca ngợi. Một nghị quyết quan trọng khác của Liên minh yêu cầu các nước tham gia hội nghị La Haye ký hiệp ước kết thúc chiến tranh Nga - Nhật. Bản thân Tổng thống Mỹ cũng rất quan tâm đến vấn đề này và những nỗ lực của ông đã đạt được kết quả với Hiệp ước Portmouth. Chính điều này đã đem lại cho ông Giải thưởng Nobel vì hoà bình năm 1906.   

Để chuẩn bị cho hội nghị La Haye lần thứ hai, đại biểu Mỹ Richard Barthltd đã có sáng kiến đưa ra một hiệp ước mẫu mực chung toàn cầu về trọng tài, qui định phạm vi thẩm quyền rộng lớn của toà án bao gồm việc giải thích và thi hành các hiệp ước, các đặc quyền ngoại giao, lãnh sự; quyền hàng hải, bồi thường và vi phạm nhân quyền cũng như các nguyên tắc được luật pháp quốc tế công nhận. Dự thảo được sửa đổi và được Hội nghị lần thứ 14 tại London thông qua năm 1906. 

Hội nghị London 1906 đánh dấu việc bắt đầu thảo luận kế hoạch cải tổ bộ máy của Liên minh. Kế hoạch này được hoàn thành 2 năm sau đó tại Hội nghị Berlin. Với Cremer, Hội nghị London là hội nghị cuối cùng ông tham dự. Ông đã qua đời vào tháng 6 năm 1908. Đây là một tổn thất to lớn đối với Liên minh và đồng sự của ông.

Từ La Haye (1907) đến Berlin (1908)   

Hội nghị La Haye lần thứ hai (năm 1907) đã đưa ra được mô hình do Liên minh đề xuất. Tuy vậy, vẫn chưa kết hợp được thành phần cốt yếu là một hiệp ước tập thể thay cho các hiệp ước song phương trước đây và thực hiện mục tiêu đưa tất cả các tranh chấp pháp lý ra Tòa án Trọng tài. Nhân việc nêu ra vấn đề này, Hội nghị La Haye lần thứ hai đã xem xét thêm một số đề án cải cách Tòa án Trọng tài thường trực được thành lập tại hội nghị lần thứ nhất. Hội nghị đề xuất việc thành lập Toà án Thường trực Tối cao; Tòa án này sẽ không nhờ đến các thẩm phán sẵn có mà vào thời điểm tranh chấp xảy ra mới lựa chọn trọng tài. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao vẫn không thể thực hiện được do thiếu hiệp định về lựa chọn thẩm phán. Vấn đề là các nước nhỏ cứ khăng khăng đòi đặc quyền của mình trong việc bổ nhiệm thẩm phán có hiểu biết sâu rộng về luật pháp của nước mình. Chính vì vậy, đạo luật cuối cùng của hội nghị tuyên bố Tòa án Tối cao chỉ tồn tại trong giai đoạn thử nghiệm và khuyến nghị áp dụng điều này ngay khi đạt được thoả thuận lựa chọn thẩm phán.   

Tại hội nghị lần thứ 15 ở Berlin năm 1908, Liên minh nhanh chóng đưa ra đề nghị với các cường quốc trước đó đã tán thành các nguyên tắc trọng tài dựa trên đề án của Liên minh, yêu cầu các cường quốc xây dựng Công ước Trọng tài toàn cầu theo đúng thể thức. Các nước khác sau này sẽ chỉ phải tham gia hiệp ước cơ bản đó. Hội nghị Berlin năm 1908 cũng ghi nhận sự có mặt lần đầu tiên của các đại biểu đến từ Nhật Bản.

Một vấn đề đáng lo ngại đối với tính đại diện của các nhóm quốc gia tại các phiên họp toàn thể. Số lượng đại biểu của nước chủ nhà luôn luôn đông đảo đối diện với các đoàn đại biểu bị cắt giảm tối thiếu do khoảng cách địa lý - địa điểm họp cũng như chi phí ăn ở, đi lại tốn kém. Việc phân bổ số phiếu không đồng đều cũng bị phê phán. Kết quả là hàng loạt các biểu mẫu phân bổ phiếu biểu quyết ra đời dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như dân số quốc gia, số lượng các dân tộc tham gia, hệ số bình quân ngoại thương tính theo đầu người. Bản sửa đổi năm 1910 của Liên minh qui định nhóm quốc gia của nước chủ nhà tổ chức hội nghị không được hưởng nhiều hơn số phiếu mà nhóm đang có với quyền bỏ phiếu đầy đủ.

Để chuẩn bị cho một loạt cải cách của Liên minh trong thời gian sắp tới, Huân tước Weardale đã cố gắng đạt được sự chấp thuận với việc thành lập hai cơ quan mới được lựa chọn là Hội đồng, mỗi nhóm quốc gia có hai thành viên tham gia, giống như hiện nay chịu trách nhiệm giám sát hành chính của Liên minh, và Ủy ban Điều hành - một kiểu cơ quan đầu não do Hội nghị bầu ra. Hàng năm, vị trí Chủ tịch Hội đồng có thể được bầu lại và tuy đã có từ trước nhưng chỉ là hình thức, nay được trao thực quyền cho một người vừa đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch, vừa là thành viên mặc nhiên của Ủy ban Điều hành. August Beernaert giữ chức vụ này từ năm 1989 cho đến khi qua đời vào năm 1912, sau đó Huân tước Weardale là người kế nhiệm.

Văn phòng Bern được thay thế bằng Ban thư ký, đứng đầu là Tổng thư ký tuy bản thân không phải là nghị sỹ nhưng được Hội đồng bổ nhiệm. Người được chọn làm Tổng thư ký là Christian Lange, Thư ký Ủy ban Nobel của Nghị viện Nauy - người đã thực hiện nhiệm vụ đó trong suốt 25 năm một cách xuất sắc.

Từ Brussels (1910) đến La Haye (1913)

Một hội nghị ngắn từ 30 tháng 8 đến 1 tháng 9 năm 1910 tại Brussels, thảo luận xoay quanh Tuyên ngôn về Luật chiến tranh trên biển đã đưa ra tại cuộc họp liên chính phủ tổ chức tại London tháng 12 năm 1908 với sự tham gia của 10 nước. Tuyên ngôn có mục đích thừa nhận các điều khoản được thông qua tại Hội nghị La Haye liên quan đến những hạn chế đối với việc thực hiện quyền bắt giữ. Liên minh cố gắng thuyết phục các quốc gia phê chuẩn tuyên ngôn đồng thời đề nghị các nước tuân thủ văn bản này.

Nhóm quốc gia Italy đưa ra đề nghị tổ chức Hội nghị Liên minh trong năm tới tại Rome và công tác chuẩn bị tại Brussels vạch ra chương trình nghị sự cho năm tới đã được thực hiện với danh sách các chủ đề quan trọng như giải trừ quân bị, hệ thống trung gian mới và việc cấm chiến tranh trên không. Nhưng rồi ngay trong tháng 8, Chính phủ Italy đã tiến hành cuộc chiến tranh chống lại đế chế Ottoman và kế hoạch tổ chức hội nghị bị đổ vỡ.

Hội nghị Liên minh vào tháng 9 năm 1913 tại La Haye là hội nghị chính thức cuối cùng trước khi bị gián đoạn do Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ. Cuộc họp Hội đồng tại Brussels tháng 4 năm 1914 diễn ra tĩnh lặng mà không một thành viên nào của Liên minh có thể dự báo được cuộc chiến tranh thế giới sắp sửa nổ ra. Các đại biểu tiếp tục công việc thường lệ, vạch ra chương trình nghị sự cho Hội nghị lần thứ 19 mà không ngờ mãi 7 năm sau mới có thể tổ chức họp lại tại Stockholm.

Chiến tranh - đỉnh cao của thách thức

Mâu thuẫn của người Serbia và người Áo càng bùng phát sau sự kiện ám sát Thái tử Franz Ferdinand. Áo được Đức khuyến khích đưa ra tối hậu thư cho Serbia vào ngày 23 tháng 7. Hai ngày sau, Serbia phúc đáp: nước này chấp nhận tất cả các yêu sách của Áo, trừ điều mà danh dự quốc gia khiến Serbia không thể phục tùng, đó là gửi các viên chức Áo đến Serbia để trấn áp sự lật đổ; về điểm này Serbia đã đề nghị đưa ra Toà án La Haye. Ngày 26 tháng 7, Ngoại trưởng Anh đề nghị triệu tập hội nghị quốc tế để giải quyết tranh chấp này nhưng đã quá muộn. Ngày 28 tháng 7, Áo tuyên chiến với Serbia. Ban thư ký Liên minh ở Brussels quá sửng sốt truớc các sự kiện diễn ra nhanh chóng. Ngày 1 tháng 8, Đức tuyên chiến với Nga. Ngày mồng 3, Đức tiến quân vào Bỉ. Cùng ngày đó, Huân tước Weardale - Chủ tịch Hội đồng Liên minh và Lange - Tổng thư ký vẫn nghĩ rằng cần phải gửi điện tới các nhóm quốc gia trong Liên minh, thúc giục họ nhóm họp để đưa ra lời thỉnh cầu công khai và đầy nhiệt huyết đòi chính phủ nước họ can thiệp, phù hợp với nghĩa vụ được qui định trong Công ước La Haye, nhằm chống lại sự mở rộng chiến tranh. Nhưng tất cả đã quá muộn, không có hành động hưởng ứng nào vì tất cả đang bị nhấn chìm bởi làn sóng của chủ nghĩa yêu nước và tiếng gọi bảo vệ đường biên giới đang bị đe dọa.

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, Liên minh đã cố gắng không mệt mỏi để khởi động lại các hoạt động thường kỳ của mình. Nhưng rồi chiến tranh vẫn ám ảnh, đeo đẳng và tìm cách hủy hoại nền hòa bình. Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đã nổ ra (năm 1939), một cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Hoạt động của Liên minh lại bị gián đoạn trong 7 năm, mãi đến năm 1947 mới trở lại hoạt động bình thường.

Mặc dù hơn nửa thế kỷ đầu tiên tồn tại của Liên minh chưa đủ để đánh giá những thành công hay thất bại của nó, nhưng Liên minh Nghị viện thế giới đã đóng góp không nhỏ trong việc tạo lập ra các chuẩn mực tối thiểu để điều chỉnh tốt mối quan hệ giữa các quốc gia vì mục tiêu cao cả đó là nền hoà bình của nhân loại.

Giai đoạn từ năm 1945 đến nay: Tìm kiếm vị thế của Liên minh - khắc phục sự thiếu dân chủ trong quan hệ quốc tế

Ảnh hưởng của Liên minh dựa trên những thành công về tổ chức và nội dung hoạt động sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Mặc dù không thể ngăn chặn được các cuộc chiến tranh thế giới, chủ nghĩa liên nghị viện vẫn tiếp tục phát triển từ trong lòng các cuộc chiến tranh. Vì vậy, quyền lực đã dần nhường chỗ cho tổ chức liên chính phủ quốc tế đầu tiên được thành lập ngày 10 tháng 1 năm 1920 là Hội Quốc Liên nhằm mục đích duy trì hòa bình thế giới, ngăn ngừa chiến tranh thông qua an ninh tập thể, giải trừ quân bị, giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua đàm phán và trọng tài. Hội Quốc Liên tồn tại trong 26 năm, chính thức kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình vào ngày 20 tháng 4 năm 1946. Việc Liên Hợp Quốc ra đời ngày 24 tháng 10 năm 1945, kế thừa một số cơ quan và tổ chức do Hội Quốc Liên thành lập là một sự kiện quan trọng do nhiều yếu tố khác nhau như vai trò kém hiệu quả của Hội Quốc Liên trong việc giữ gìn hoà bình, an ninh quốc tế, sự bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai cùng những hậu quả thảm khốc đối với loài người và nỗ lực lớn lao của các nước trong việc thiết lập một thể chế toàn cầu có vai trò hiệu quả hơn đối với hoà bình và an ninh quốc tế.

Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Liên minh Nghị viện Thế giới tăng cường hoạt động trên các lĩnh vực: giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế. Đồng thời Liên minh đã hỗ trợ Hội Quốc Liên giải quyết một số vấn đề về pháp điển hóa và phát triển luật pháp quốc tế, thúc đẩy và hoàn thiện thể chế đại diện, bảo vệ các dân tộc thiểu số, các vấn đề thuộc địa, kinh tế, chính sách xã hội, nhân đạo và quan hệ tri thức. Hoạt động của Liên minh chưa nhiều nhưng đã đi vào những nội dung sâu, thực chất hơn so với thời kỳ trước chiến tranh. Liên minh ngày càng quan tâm tới các vấn đề mới chưa được pháp luật điều chỉnh như trong luật pháp hình sự quốc tế, quyền của các dân tộc thiểu số hoặc giải trừ quân bị. Cuối cùng, Liên minh cũng đã thành công trong việc giúp phê chuẩn điều ước quốc tế ở cấp quốc gia.

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Liên Hợp Quốc được thiết lập nhằm 4 mục tiêu: Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế; Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; làm trung tâm điều hoà các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.

Tuy nhiên, trong những năm 1951-1957, Liên minh là trung tâm quan trọng để tái lập quan hệ chính thức với các đối tác quốc tế - điều kiện tiên quyết cho đàm phán hòa bình, ví dụ như cuộc đàm phán giữa các nghị sỹ Đức và Israel ở Istanbul năm 1951, dẫn đến việc thỏa thuận đền bù Đức - Israel năm 1955, hay các cuộc đàm phán tương tự diễn ra trong thời gian Hội nghị Liên minh Nghị viện Thế giới đã dẫn đến sự kết thúc cuộc xung đột Italy - Nam Tư về Triet (phần lãnh thổ của Italy), tranh chấp giữa Áo - Italy  liên quan đến miền Nam Tiron vào năm 1954 và cuộc khủng hoảng kênh đào Suez giữa Anh - Ai Cập năm 1957.

Một mặt, Liên minh đã đạt được một số thành tựu bước đầu trong việc củng cố tổ chức, hoạt động của Liên minh như đề xuất soạn thảo Quy chế và Điều lệ của Liên minh. Mặt khác, Liên minh tiếp tục đối phó với việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và duy trì hòa bình thông qua giải trừ quân bị; tăng cường các thể chế đại diện, đồng thời hỗ trợ Liên Hợp Quốc trong việc pháp điển hóa luật pháp quốc tế, giải quyết các vấn đề dân tộc thiểu số và phân biệt chủng tộc, viện trợ nước ngoài và giải phóng thuộc địa, vấn đề kinh tế và thương mại, vấn đề xã hội và nhân đạo và quan hệ tri thức.

Từ những năm 1970 trở đi, Liên minh quan tâm giải quyết một số vấn đề về vi phạm nhân quyền đối với các nghị sỹ, vấn đề môi trường, đại diện bình đẳng của phụ nữ trong Nghị viện và thiết lập chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho các Nghị viện, chủ yếu là các nền dân chủ mới. Tuy chưa phải là đột phá, nhưng đây là bước điều chỉnh quan trọng trong hoạt động của Liên minh. Sau nhiều nỗ lực, Liên minh đã thành công trong việc hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của Liên Hợp Quốc, tăng cường quan hệ hợp tác và phối hợp tổ chức các hội nghị chuyên đề quốc tế và khu vực. Vị thế quốc tế của Liên minh được thay đổi, thể hiện qua việc ký Hiệp định giữa Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ với Liên minh Nghị viện Thế giới vào ngày 28 tháng 9 năm 1971 về địa vị pháp lý của Liên minh, để được hưởng quyền và có nghĩa vụ tương tự như các tổ chức liên chính phủ về quyền miễn trừ ngoại giao. Tuy nhiên, khả năng tìm kiếm sự đồng thuận rộng rãi của Liên minh trong giới chính phủ vẫn còn gây tranh cãi như khó khăn đã xảy ra trong quá trình Hội nghị An ninh và Hợp tác Châu Âu - CSCE. Liên minh không củng cố được ảnh hưởng chính trị như trước đây và cũng không đủ khả năng nâng cao nhận thức, hiểu biết chung của thế giới về hoạt động của Liên minh. Ngoài ra, Liên minh còn thể hiện sự do dự đối với việc sử dụng tư cách quan sát viên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Những điều này đã hạn chế vai trò định hướng cũng như sự đóng góp của Liên minh trong quan hệ quốc tế.

Tăng cường dân chủ trong quan hệ quốc tế

Trong những năm 1990, chiến tranh Lạnh kết thúc dẫn đến những điều chỉnh cơ bản và thực chất trong hoạt động của các thể chế đa phương. Sự phát triển của các mối quan hệ quốc tế nói chung làm gia tăng sự chồng chéo của nhiều vấn đề, chủ đề khác nhau. Bối cảnh đó đòi hỏi Liên minh phải bổ sung, điều chỉnh nội dung và phương thức hoạt động sao cho phù hợp hơn với tình hình thế giới mới, nhất là phát huy đặc thù của Liên minh là một diễn đàn, một tổ chức quốc tế của nền ngoại giao nghị viện. Vấn đề hòa bình và an ninh được hiểu chung là an ninh con người. Như vậy, các chủ đề nghị sự của Liên minh không chỉ là đối thoại, phòng ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng xét từ khía cạnh lý thuyết hay trên thực tế (ngoại giao nghị viện, ví dụ như vấn đề Trung Đông hoặc vấn đề đảo Síp), kiểm soát vũ khí, khủng bố và tội phạm có tổ chức mà còn bao gồm các vấn đề như phát triển bền vững, dân số, môi trường, thương mại và kinh tế, hoặc tình trạng thiếu lương thực, dinh dưỡng, nghèo đói, thiên tai, nhân quyền, dân chủ, các nhóm thiệt thòi, sức khỏe, quan hệ hợp tác về tri thức v.v. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi trọng tâm từ hợp tác châu Âu (Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu) sang hợp tác với khu vực Địa Trung Hải (Hội nghị về An ninh và Hợp tác Địa Trung Hải) và sự gia tăng hoạt động của các nhóm địa chính trị góp phần làm mới nghị trình của Liên minh trong thời kỳ này. Liên minh hỗ trợ cho quá trình dân chủ hóa ở các quốc gia, trợ giúp kỹ thuật cho các Nghị viện mới trong định hướng phát triển mới. Năm 2003, Liên minh thành lập Quỹ Nghị viện Toàn cầu vì Dân chủ nhằm thu hút nguồn lực riêng cho hoạt động liên quan đến dân chủ của Liên minh.

Trong thời kỳ này, vấn đề thiếu dân chủ trong quan hệ quốc tế và sự cần thiết phải xác lập quan hệ giữa Liên minh và Liên Hợp Quốc thu hút sự quan tâm của chính giới, mở ra cuộc tranh luận về vai trò của Liên minh đối với quá trình cải cách của Liên Hợp Quốc trong tương lai. Chính vì vậy Liên minh tăng cường hợp tác với Liên Hợp Quốc thông qua thỏa thuận ký kết Hiệp định hợp tác Liên minh và Liên Hợp Quốc (1996) và các thỏa thuận hợp tác khác với các cơ quan chuyên ngành, các chương trình của Liên Hợp Quốc như: IPU cũng đã mở Văn phòng của Liên minh tại Liên Hợp Quốc, đặt tại New York (1998) và được công nhận tư cách Quan sát viên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, lưu hành tài liệu chính thức tại Đại hội đồng (2002) v.v. Những hoạt động này góp phần nâng cao đáng kể vị thế và uy tín của Liên minh trong đời sống quốc tế.

Uy tín của Liên minh trong những năm đầu thế kỷ XX chủ yếu nhờ sự phát triển cách mạng, tiến bộ dựa trên các nghiên cứu khoa học của giới học giả là thành viên của IPU cùng với phong trào đấu tranh vì hòa bình. Trong khi đó ngày nay, khối lượng rất lớn công việc của Liên minh đã làm thay đổi sâu sắc hoạt động của các Nghị viện thành viên và gần như không gắn kết với giới học giả, giáo sư của các trường đại học. Hơn nữa, kết nối với xã hội dân sự chưa được quan tâm đúng mức. Một trở ngại nữa cũng hạn chế sáng kiến, đổi mới trong Liên minh có thể là do Liên minh có số lượng thành viên lớn, điều mà chúng ta đang phấn đấu suốt 50 năm qua. Những bất đồng, khác biệt vốn có giữa các nước phát triển và đang phát triển, vùng miền, giới cầm quyền đa số và thiểu số đối lập trong Nghị viện cũng là những khó khăn khiến Liên minh không đạt được những kết quả lớn hơn những gì các chính phủ đã đàm phán với nhau. Hơn nữa, Liên minh phải cạnh tranh với ngày càng nhiều các cơ chế hợp tác liên nghị viện, khu vực và quốc tế, các hiệp hội nghị viện...

 

Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới lần thứ hai tại Trụ sở Đại hội đồng LHQ, New Yorrk,  tháng 9-2005.

Bước tiến mới trong việc củng cố và mở rộng cơ cấu tổ chức

Năm 1894, Điều lệ đầu tiên của Hội nghị Liên nghị viện đã được thông qua. Điều lệ này quy định cơ cấu tổ chức của Hội nghị gồm: Đại hội đồng, cơ quan chính trị của Liên minh; Hội đồng Đại biểu với hai thành viên của mỗi nhóm Nghị viện; Văn phòng, với một đại diện của mỗi nhóm, là cơ quan quản lý và điều hành và một Chủ tịch điều hành Văn phòng. Ngày nay, thực hiện những nhiệm vụ này do Đại hội đồng (cơ quan chính trị), Hội đồng Điều hành (cơ quan điều hành), Ban Chấp hành và Ban Thư ký (phân chia nhiệm vụ, quản lý và điều hành) và Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (người đứng đầu tổ chức chính trị và đương nhiên là Chủ tịch Hội đồng Điều hành).

Trong những năm 1970 và 1990, Liên minh sửa đổi, bổ sung Điều lệ và các Quy chế làm cơ sở pháp lý củng cố và mở rộng cơ cấu tổ chức và hoạt động của mình. Năm 1989 Liên minh thông qua Quy chế và Thủ tục của Ủy ban về quyền con người của các nghị sỹ, năm 1999, thông qua Quy chế về Hội nghị Nữ nghị sỹ và Quy chế của Ủy ban Điều phối Nữ nghị sỹ.

Vào những thập niên đầu của thế kỷ XXI, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, Liên minh tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều lệ và các Quy chế về Đại hội đồng, Hội đồng Điều hành, các Ủy ban Thường trực, Ban Chấp hành và Ban Thư ký.

Năm 2014, Liên minh thông qua Quy chế và Quy định về hoạt động của Diễn đàn Nghị sỹ trẻ Liên minh Nghị viện Thế giới, tạo điều kiện thực hiện các quyết định và khuyến nghị của Liên minh về "sự tham gia của thanh niên trong quá trình dân chủ". Điều này thể hiện sự mở rộng và đa dạng hóa sự hiện diện của các nghị sỹ trẻ tại Đại hội đồng và các cuộc họp của Liên minh.

Sự phát triển thành viên qua 125 năm (1889-2014)

Qua hơn 125 năm hình thành và phát triển, số lượng các nghị viện thành viên của Liên minh qua các thời kỳ không ngừng được tăng lên, thể hiện sự phát triển của tổ chức này. Ban đầu, IPU chỉ có 9 nghị viện thành viên chủ yếu là các nước châu Âu, và có Hoa Kỳ (châu Mỹ) và Liberia (châu Phi). Đến năm 1908, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ở châu Á và năm 1913 và Úc là quốc gia đầu tiên ở Nam Thái Bình Dương tham gia Liên minh. Như vậy đến thời kỳ này Liên minh đã hội đủ “đại diện” của 5 châu lục. Do nhu cầu tăng cường liên kết, hợp tác đa phương phấn đấu vì hòa bình, phát triển đã tác động mạnh mẽ tới việc mở rộng thành viên của Liên minh. Đến tháng 10 năm 2014, Liên minh có 166 nghị viện thành viên (trong số 189 quốc gia trên thế giới) và 10 Hội đồng Nghị viện khu vực là thành viên liên kết.

Thành tựu và thách thức

Trong hơn 125 năm hình thành và phát triển, Liên minh Nghị viện Thế giới đã góp phần quan trọng trong việc tìm kiếm các biện pháp bảo vệ hoà bình, giải quyết xung đột giữa các quốc gia bằng hình thức trọng tài quốc tế và trung gian hoà giải, nhằm củng cố hòa bình, thúc đẩy đối thoại, phát triển luật pháp quốc tế và đẩy mạnh dân chủ.

Trong những năm 1970 và 1980, Liên minh đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa dịu ở châu Âu, thu hẹp khoảng cách bất đồng giữa hai khối Đông - Tây trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Năm 1997, Liên minh đã thông qua Tuyên ngôn về Dân chủ, xác định các tiêu chí cho Nghị viện dân chủ là:đại diện, minh bạch, dễ tiếp cận, có trách nhiệm và hiệu quả. Ngoài ra, Liên minh đã triển khai nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, tăng cường kết nối toàn cầu, đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hợp tác với các tổ chức quốc tế…

Trong bối cảnh phát triển ngày nay của thế giới, các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột quân sự vẫn liên tiếp xảy ra ở khu vực Trung Đông, châu Phi, Đông Âu v.v. Đặc biệt  gần đây, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) mới xuất hiện với nhiều hoạt động khủng bố dã man trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Ngăn ngừa chiến tranh, chiến đấu chống khủng bố - kẻ thù chung của nhân loại và gìn giữ hòa bình sẽ vẫn là yêu cầu cấp thiết đối với Liên minh Nghị viện Thế giới. Ngoài ra, việc đảm bảo sự kết nối với cử tri, đảm bảo quyền con người, bình đẳng giới, quá trình thúc đẩy quản trị tốt và tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của Liên minh vẫn còn là những thách thức đang đặt ra.

Nền dân chủ quốc tế đã tiến triển đáng kể từ năm 1889, phần lớn là do Liên minh Nghị viện Thế giới đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ thiết lập các hình thức quản trị dân chủ ở các cấp quốc gia và quốc tế. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Liên minh đã thể hiện cam kết chắc chắn nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh, dân chủ, nhân quyền và phát triển bền vững. Trong một thế giới đang thay đổi, hơn 125 năm sau kể từ khi Liên minh Nghị viện Thế giới ra đời, tầm nhìn của các nhà sáng lập Liên minh vẫn còn nguyên giá trị và đúng đắn hơn bao giờ hết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên